Cần có biện pháp để kiểm soát rượu, bia

.

Những con số liên quan đến rượu, bia không còn làm giật mình nữa, mà thực sự đã gây nên nỗi sợ hãi cho tất cả mọi người: chỉ trong tháng 4, có 3 lái xe sa vào vòng lao lý, gần 10 người tử vong vì người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đâm phải. Ước tính, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam dẫn tới 79.000 người tử vong trong năm 2016.

Hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị vì các bệnh liên quan đến rượu, bia. Đó là con số được đưa ra tại cuộc họp chuyên đề Nhóm Đối tác y tế với nội dung tham vấn về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia nhằm kêu gọi hành động mạnh mẽ để giải quyết tác hại của việc sử dụng rượu, bia, nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tháng 7-2018.

Kiểm soát việc sử dụng rượu, bia để hạn chế tai nạn giao thông. TRONG ẢNH: Kiểm tra nồng độ cồn của tài xế tại Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ
Kiểm soát việc sử dụng rượu, bia để hạn chế tai nạn giao thông. TRONG ẢNH: Kiểm tra nồng độ cồn của tài xế tại Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn ở trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia bình quân hằng năm cao nhất thế giới. Đáng chú ý, trong số nam giới uống rượu, bia, thì có 1/4 số người uống ở mức có hại và tuổi bắt đầu uống rượu, bia có xu hướng trẻ hóa.

Theo các con số thống kê, năm 2016, lượng tiêu thụ bia của Việt Nam đứng thứ 3 châu Á và đứng thứ 64 thế giới với 3,8 tỷ lít. Năm 2017, sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam là 4,006 tỷ lít. Và năm 2018, con số này tăng lên gần 4,7 tỉ lít bia (tương đương 4,67 tỉ USD). Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới. Bình quân mỗi người Việt tiêu thụ 6,6 lít cồn/người/năm. Dự báo đến năm 2025, mức độ tiêu thụ bình quân sẽ là 7 lít/người/năm.

Những con số “khủng khiếp” về mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam cao so với các quốc gia khác trong khu vực và gia tăng nhanh chóng qua từng năm. Như so với năm 2010, lượng tiêu thụ của những người uống rượu, bia là nam giới đã tăng 15% vào năm 2015. Chỉ trong năm 2018, lượng bia sử dụng ở Việt Nam đã tăng 600 triệu lít, tăng 15% so với năm 2017.

Bia rượu rẻ và sẵn có, rất dễ mua, khiến chuyện người người uống bia và bất cứ sự kiện nào người ta cũng có thể uống các chất chứa cồn vào cơ thể đã khiến hàng trăm nghìn người phải nhập viện điều trị vì các bệnh liên quan đến rượu, bia. Sử dụng rượu, bia ở mức có hại là yếu tố chính góp phần vào gánh nặng các bệnh không lây nhiễm và các loại bệnh tật khác, gây tử vong sớm và tàn tật.

Sử dụng rượu, bia cũng là một yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích. TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, theo công bố của WHO, ít nhất 40% số nạn nhân tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra.

Con số thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, có 1.311 người vi phạm Luật An toàn giao thông liên quan đến rượu bia trong năm 2018. Con số này trong 5 tháng đầu năm 2019 là 171 trường hợp. Dẫn lại con số từ Báo Lao động (ngày 10-2-2019) cho biết trong 5 ngày Tết Kỷ Hợi, cả nước có trên 3.400 người được đưa vào viện cấp cứu do ẩu đả, trong đó 11 người tử vong (trong đó có lý do đánh nhau sau khi uống rượu bia).

Vậy, bia, rượu giá rẻ, sản xuất nhiều hay thói quen uống rượu, bia của người Việt Nam gây nên những con số đau lòng trên?

Báo cáo của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam cho thấy năm 2017, lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỉ lít, tăng 6% so với năm 2016. Con số này đã sát mục tiêu đạt 4,1 tỉ lít bia vào năm 2020 trong quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam do Bộ Công thương phê duyệt. Với dân số 93,7 triệu người hiện nay, ước tính mỗi người dân Việt Nam uống gần 43 lít bia/năm.
Dự báo mức tiêu thụ này sẽ còn tiếp tục gia tăng vì theo quy hoạch của Bộ Công thương, đến năm 2035, cả nước sản xuất khoảng 5,5 tỉ lít bia và dự kiến với dân số khi đó ở mức 105 triệu người thì trung bình mỗi người dân Việt sẽ uống 52 lít bia mỗi năm.

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay áp dụng đối với mặt hàng bia đã tăng lên 60% từ năm 2017 và tiếp tục tăng lên 65% từ đầu năm 2018, nhưng với lượng tiêu thụ liên tục gia tăng, doanh số và lợi nhuận của các công ty ngành bia vẫn tăng. Chỉ riêng Tổng Công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) năm 2017 đã bán ra thị trường gần 1,79 tỷ lít bia; tổng doanh thu đạt 35.389 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và tăng 3% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 4.824 tỷ đồng. Năm 2018, công ty này bán ra 1,796 tỷ lít, tăng 0,3% cùng kỳ; tổng doanh thu đạt 37.016 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ. Con số phấn đấu lên mức 2 tỉ lít trong những năm sau của đơn vị này sẽ đạt được trước tình hình tiêu thụ bia của người Việt gia tăng theo từng năm.

Ngoài con số bia được các công ty sản xuất, có kiểm soát về chất lượng hay độ cồn, thì số hộ sản xuất rượu thủ công hiện nay vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Và trong số những vụ ngộ độc rượu gây chết người xảy ra ở một số địa phương vừa qua có “thủ phạm” là rượu nấu thủ công. Việc quản lý nó như thế nào là một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. 

Tại Điều 16 của dự thảo luật quy định các biện pháp quản lý toàn diện đối với sản xuất rượu thủ công, theo hướng giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh phải tổ chức rà soát, thống kê số lượng hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công; sản lượng sản xuất, kiểm tra chất lượng rượu thủ công trong toàn tỉnh, gửi Bộ Công Thương tổng hợp và báo cáo Chính phủ trước ngày 1-1-2023. Trước khi vấn đề rượu thủ công được đưa vào luật, chuyện quản lý như thế nào để có thể kiểm soát chất lượng, số lượng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, đây là loại đồ uống có cồn gây nhiều bệnh tật cho người sử dụng.

Mức độ tiêu thụ rượu, bia bình quân của người Việt tăng cao qua các năm, và không chỉ đàn ông, phụ nữ cũng là đối tượng uống nhiều, chưa kể đến việc ngày càng trẻ hóa lứa tuổi sử dụng đồ uống có cồn. Nếu không có các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để kịp thời điều chỉnh, mức độ tiêu thụ sẽ còn gia tăng trong những năm tới.

Để giảm tiêu thụ rượu bia, nhiều người đề xuất tăng giá bán, đánh thuế cao đối với mặt hàng này. Nhiều quốc gia quy định độ tuổi được uống rượu bia, quy định giờ bán hay cấm quảng cáo rượu bia trên mạng xã hội, Internet. Riêng đối với Việt Nam, những đề xuất này được nói đến khá nhiều, nhưng chưa hề được áp dụng.

Hệ thống pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Cho đến nay, mới có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Hiện nay dự thảo này đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 trong kỳ họp lần thứ 7 của Quốc hội dự kiến vào tháng 5 năm nay. Hy vọng bộ luật này sớm được thông qua để Nhà nước có các giải pháp để kiểm soát, ngăn ngừa sử dụng rượu, bia, tránh những hệ lụy không đáng có cho mỗi gia đình và xã hội.

Hiền Lương
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.