Cha ở đâu?

.

Nguyện nắm bàn tay gầy guộc, trơ khấc, chỉ toàn da bọc xương của mẹ, ngực anh thổn thức chực òa khóc như một đứa trẻ nhưng người đàn ông ngoại tứ tuần ấy đã kịp kìm nén cơn xúc động. Bà Đoan nhìn con bằng đôi mắt mờ đục, bàn tay khẽ cử động như muốn xiết chặt lấy tay người con trai mà bà đã phải dứt ruột cho đi từ lúc nó mới được một tuổi rưỡi.

Nhưng bà không còn đủ sức mà xiết chặt hơn nữa. Các ngón tay của bà tê lạnh, đờ ra. Sau khi bị ngã lần thứ ba vì huyết áp đột ngột tăng cao, bà nằm yên một chỗ như thế cả tuần nay rồi. Chỉ có Nguyện dỗ dành, nài ép thì bà mới chịu ăn vài thìa cháo loãng, còn những người con khác cứ bê đồ ăn đồ uống vào là bà nhắm nghiền mắt lại.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong giấc ngủ chập chờn, bà thường nằm mơ, thi thoảng mê sảng và nói lảm nhảm những điều không ai hiểu nổi. Nguyện cứ ngồi bên mẹ như thế. Lặng lẽ. Rất lâu. Anh hy vọng mình sẽ tìm được câu trả lời thỏa đáng cho điều anh trăn trở suốt mấy chục năm qua, bởi anh không tin rằng cha anh đã chết như lời mẹ nói. Chỉ có mẹ là người duy nhất nắm giữ mọi bí mật về gốc gác của anh. Chỉ có mẹ là người biết rõ cha anh hiện đang ở đâu.

Từ nhỏ Nguyện đã biết mình là con nuôi của bà Thi. Bởi còn một người đàn bà nữa tuần nào cũng lén lút gặp Nguyện mỗi khi đi chợ huyện. Bà ấy tên Đoan, lần nào gặp Nguyện, người đàn bà ấy cũng ôm chặt thằng bé vào lòng, thổn thức. Khi thì bà giúi cho Nguyện chiếc bánh rán, khi thì ấn vào tay nó khúc mía hay quả ổi. Nguyện cũng quý mẹ Đoan lắm vì mẹ hay cho quà, hay vỗ về, cưng nựng. Càng lớn, Nguyện càng tự hào với bạn bè về chuyện mình có những hai người mẹ. Nhưng cũng càng lớn thì Nguyện càng hiểu rõ nỗi thiệt thòi của một đứa trẻ không có cha. Đã rất nhiều lần Nguyện hỏi mẹ Thi: “Cha con đâu?”. Lần nào mẹ Thi cũng trả lời ngắn gọn: “Cha con là liệt sĩ”. Nhưng Nguyện không tin. Nguyện nghe dân xóm chợ quanh nhà mẹ Thi xì xào nên Nguyện biết người đàn bà hiền hậu, xinh đẹp ấy từng là thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Khi đất nước thống nhất, cô Thi trở về làng thì đã quá lứa lỡ thì. Một mảnh đạn găm vào chân khiến cô đi cà nhắc. Cô ở vậy, chăm sóc cha mẹ già với đồng lương thương binh ít ỏi. Các anh chị mua cho cô một sạp hàng ở chợ huyện để cô buôn bán, để không phải dựa dẫm vào ai. Nguyện về làm con nuôi của cô khi Nguyện được mười tám tháng.

Trong giấc ngủ chập chờn, mấy ngày nay bà Đoan thường mơ về cái biến cố năm 1975 ấy. Một đêm hè, nóng nực, bà mở toang cửa cho gió trời lùa vào trong nhà. Mẹ chồng nằm giường bên với cu Nguyện đã ngáy o o. Bỗng một người đàn ông đứng ngay đầu giường, lặng im như pho tượng. Bà Đoan giật mình, hét lên: “Ma!”. Bà nhắm nghiền hai con mắt, chắp tay vái lia lịa:

- Anh Kiệt ơi! Anh sống khôn thác thiêng, về phù hộ độ trì cho mẹ và em! Anh đừng về bắt em.
- Hả! Anh đây mà! Chồng em bằng xương bằng thịt đây mà? Sao lại sống khôn thác thiêng? - Rõ ràng là tiếng nói của người chứ không phải ma.

Bà Đoan mở choàng mắt, hốt hoảng. Nguyện vẫn ngồi bên cạnh, dùng cả hai tay nắm chặt bàn tay trái của mẹ đang run lên. Cánh tay phải của bà Đoan đã liệt hẳn, không còn cử động được nữa.

- Con đây mà! Mẹ cứ ngủ đi.

Bà Đoan lại nhắm nghiền mắt. Đúng là ông Kiệt, chồng bà đã trở về, sau bốn cái giỗ bà thờ cúng chồng đều đặn. Sau ngần ấy thời gian, bà khóc chồng cạn cả nước mắt. Cái giấy báo tử cất trong đáy hòm vẫn còn nguyên vẹn kia, dù nó đã ngả sang màu ố vàng. Lấy nhau được ba tháng thì Kiệt xung phong lên đường tòng quân. Hạnh phúc vợ chồng ngắn chưa tày gang thì người ta truyền tin về làng rằng anh Kiệt đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, bị trúng bom nên tan xác. Chính quyền địa phương cũng đã làm lễ truy điệu, đưa đồng chí Vũ Đình Kiệt vào nghĩa trang liệt sĩ của xã. Mẹ chồng Đoan thì ngất lên ngất xuống bởi hết chồng hy sinh nay lại đến con trai mất tích. Cái quách đặt ở nghĩa trang làm gì có tí xương cốt nào. Cảnh mẹ chồng nàng dâu, hai người đàn bà góa bụa thắt lưng buộc bụng, rau cháo, chăm sóc lẫn nhau khiến cả làng Hạ thương cảm.

Mãn tang chồng, bị mẹ chồng giục giã “đi bước nữa” nhưng Đoan nhất định không nghe. Bởi ngoảnh đi ngoảnh lại, trong làng làm gì còn đàn ông độc thân mà lấy một tấm chồng. Khi ấy, lệnh tổng động viên dồn dập, trai tráng tiếp tục Nam tiến. Tất cả dồn sức cho miền Nam ruột thịt. Bộ đội hành quân, dừng chân nghỉ lại qua đêm ở làng Hạ liên tục. Cô Đoan nhanh nhẹn, xung phong vào đội quân cấp dưỡng. Sau những lần mang cơm cấp dưỡng, cái bụng của Đoan cứ to dần lên. Mẹ chồng mừng rỡ ra mặt. Người làng xì xèo to nhỏ mà đến tai bà là bà chống nạnh, chửi vổng lên: “Tiên sư bố chúng nó chứ! Cá vào tay ai thì người ấy được. Đừng có mà ghen ăn tức ở nhá!”.

Giấc mơ lại chập chờn đến với bà Đoan. Bà ôm chầm lấy người chồng đứng ngay đầu giường, rồi sờ lên mặt, lên đầu. Đúng là anh Kiệt bằng xương bằng thịt đây rồi:

- U ơi! Anh Kiệt còn sống! Anh Kiệt về rồi u ơi!

Người mẹ già nhổm dậy, giụi mắt:

- Thật không! Trời ơi! Đúng là ông trời có mắt! Tiên sư bố chúng nó! Thế mà chúng nó dám bảo con bà chết mất xác à.

- Con về đây rồi u ơi! Chiến tranh mà u! Nhầm lẫn mà u.

Sáng hôm sau, tỉnh dậy, Đoan không thấy mẹ chồng và cu Nguyện đâu. Thì ra, cả đêm bà cụ trằn trọc, nghĩ suy và một mình quyết định. Bà lặng lẽ bế thằng bé đi cho cô Thi trên chợ huyện từ tờ mờ sáng. Cô ấy cũng là người làng Hạ, mới lên chợ huyện buôn bán, chứ không phải ai xa lạ. Về nhà, trong lúc Kiệt đi thăm hỏi họ hàng, làng xóm thì bà cụ kéo Đoan vào buồng, chắp tay xin lỗi con dâu:

- U xin con! U lạy con! Hãy tha lỗi cho u! Vì hạnh phúc của vợ chồng chúng mày. Rồi những đứa con khác sẽ ra đời.

Hồi ấy bà Đoan chỉ biết khóc thầm khóc vụng. Nước mắt chảy vào trong, đau lắm. Vết thương lòng ấy không bao giờ ăn da non được. Đêm đêm, nằm bên chồng mà bà cứ hình dung tiếng gào khóc của cu Nguyện xé cả ruột gan, lòng dạ bà đau như cắt. Từ đó, tuần nào bà cũng cắp thúng đi chợ huyện ít nhất một lần, và lần nào cũng lén lút gặp Nguyện. Mẹ chồng biết, người làng Hạ cũng biết nhưng tuyệt nhiên không ai nói gì trước mặt ông Kiệt. Không ai muốn động vào nỗi đau mà chiến tranh gây ra. Cái làng Hạ bé tí mà đếm sơ sơ cũng chừng dăm chục cái mộ “Tổ quốc ghi công”, không kể biết bao trai tráng làng Hạ còn nằm rải rác ở các nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh khác. Người trở về lành lặn như ông Kiệt đã là may mắn lắm rồi. Hãy để quá khứ ngủ yên, đừng đào xới lên làm gì để người khác phải tổn thương. Biết mẹ nuôi rất yêu thương Nguyện, chăm bẵm nó chu đáo nên bà Đoan cũng phần nào yên tâm.

Hai năm sau, bà Đoan đẻ sòn sòn hai cậu con trai, cách nhau chưa đầy một tuổi. Ông Kiệt đặt tên con là Thống và Nhất, để kỷ niệm cho cái ngày ông trở về sau bao năm vào sinh ra tử. Việc chăm chút các con và mẹ chồng đau yếu nằm liệt một chỗ đã choán hết thời gian đi chợ huyện của bà Đoan. Những cuộc gặp gỡ với mẹ Đoan thưa dần khiến Nguyện thắc mắc với mẹ Thi:

- Mẹ Đoan đi đâu? Mẹ Đoan đi tìm cha cho con có phải không?

Mẹ Thi ôm Nguyện vào lòng, vỗ về:

- Con ngoan nào! Mẹ Đoan bận việc đồng áng chứ đi đâu được mà đi. Cha con là liệt sĩ, tìm làm sao được mà tìm.

Nguyện nhớ cái ngày ông Kiệt mất, mẹ Thi dẫn Nguyện về chịu tang. Năm ấy, Nguyện mười chín tuổi. Lần đầu tiên gặp Thống và Nhất, Nguyện thấy mình chẳng giống chúng nó chút nào dù cùng một mẹ đẻ ra. Nguyện cao nghều còn Thống và Nhất thì thấp lùn. Người làng Hạ chẳng hề ngạc nhiên nhưng ông trưởng tộc họ Vũ thì nhất định không cho Nguyện để tang, không cho Nguyện mũ gậy. Thì đương nhiên rồi. Ông Kiệt có phải là cha của Nguyện đâu. Mẹ Đoan thổn thức bắt Nguyện dập đầu lạy ba lạy y hệt như mẹ trước linh cữu của ông Kiệt. Lạy xong, Nguyện òa khóc nức nở. Mọi người xung quanh chứng kiến cảnh ấy cũng khóc theo. Ai cũng thầm hiểu, từ nay bà Đoan có thể công khai đi lại, chăm nom Nguyện mà không sợ điều tiếng. Khi ấy mẹ Thi nắm chặt bàn tay Nguyện, khẽ nấc lên. Người mẹ ấy chỉ sợ đứa con nuôi tuột khỏi vòng tay của mình. Nguyện cảm nhận rất rõ điều đó nên Nguyện thường ôm lưng mẹ Thi thủ thỉ: “Con có hai người mẹ, mãi mãi là như thế”.

Nguyện biết cái bản di chúc mà ông Kiệt lập trước khi mất không có phần của anh trong đó. Nhà cửa, đất cát, tài sản chia đều cho Thống và Nhất. Anh đâu có cần những thứ đó bởi anh không muốn những thứ không thuộc về mình. Mỗi lần Nguyện về thăm mẹ Đoan là Thống và Nhất lại nhìn anh bằng ánh mắt hằm hè. Chúng sợ anh cướp mất mẹ Đoan không bằng. Chúng sợ mẹ giấm giúi tiền bạc cho anh không bằng.

Thành ra Nguyện ít về hơn.  

 Nguyện học lái xe, quyết tâm rong ruổi tuyến đường Bắc Nam, hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được người cha thực sự của mình. Hy vọng một ngày nào đó mẹ Đoan sẽ nói ra sự thật. Biết bao lần Nguyện gặng hỏi về gốc gác của mình nhưng bà Đoan bảo rằng: “Mẹ trót hứa với người ta rồi! Sống để bụng, chết mang đi”. Lần nào mẹ cũng thở dài và đoán già đoán non: “Chắc ông ấy cũng hy sinh rồi. Hồi ấy đi B, mấy ai trở về”.

Bà Đoan lại mê sảng, mồ hôi vã ra hai bên thái dương. Nguyện lấy khăn mặt thấm từng giọt mồ hôi của mẹ. Anh ghé tai gần hơn, cố lắng nghe tiếng mẹ thì thào: “Anh Tự! Xuống hầm đi! Chúng nó thả bom đấy”. Giấc mơ chập chờn hiện hữu trong hơi thở mệt nhọc của bà Đoan. Căn hầm sâu và tối. Người đàn bà ôm ghì lấy người đàn ông như tìm sự chở che. Hai người quấn lấy nhau trong hơi thở hổn hển. Trên bầu trời, bom Mỹ dội như sấm rền. Mặt đất ầm ầm rung chuyển.

Bà Đoan mở choàng mắt. Ánh nhìn mờ đục dõi vào hư vô. Ký ức xa xưa như quầng sáng lóe lên trong giây lát. Bà quơ bàn tay trái, níu lấy bàn tay Nguyện, ra hiệu đòi ngồi dậy. Nguyện luồn cánh tay dưới gáy mẹ, từ từ đỡ bà ngồi dậy.

Anh nhìn thấy trong quầng mắt thâm đen của mẹ ẩn chứa bao nỗi day dứt. Day dứt vì bà không thể bù đắp được những thiệt thòi mất mát mà Nguyện phải gánh chịu. Day dứt vì từ ngày ông Kiệt mất, một tay bà nuôi Thống và Nhất ăn học, trưởng thành, dựng vợ, xây nhà, trông nom con cái cho chúng nhưng bà không làm được điều đó với Nguyện. Nguyện cũng đâu cần điều đó bởi anh là người đàn ông biết tự lập từ rất sớm. Anh thành lập một công ty du lịch, tiền bạc kiếm được cũng không phải là ít. Anh xây cho mẹ Thi một ngôi nhà khang trang. Thi thoảng về thăm mẹ Đoan anh lại biếu ít tiền để mẹ tiêu vặt, chứ nhất định anh không tơ hào một chút của cải nào của Thống và Nhất. Anh chỉ trăn trở một chuyện, ấy là không biết cha anh đang ở đâu, còn sống hay đã chết. Càng lớn tuổi, niềm trăn trở ấy càng giày vò anh.

- Nước! - Giọng bà Đoan yếu ớt. Hơi thở mệt nhọc, vồng ngực bà nhô lên phập phồng.
Nguyện một tay đỡ mẹ, một tay với cốc nước, kề sát miệng bà Đoan. Nhấp một ngụm nước trắng, bà thều thào:

- Ông ấy… về đón mẹ đi… đấy! Ông Kiệt ơi! Nguyện ơi! Mẹ… có lỗi với con.

- Mẹ nằm nghỉ đi, đừng nghĩ ngợi gì nữa! Nguyện nghẹn ngào, vừa nói anh vừa đỡ mẹ nằm xuống nhưng bà Đoan lấy hết sức lực để vùng dậy. Từ hôm nằm liệt một chỗ, chưa lúc nào bà tỉnh táo như lúc này. Mắt bà như sáng hẳn lên, đầu óc minh mẫn trở lại. Tiếng nói ngắt quãng nhưng tròn trịa:

- Đi tìm… cha đi! Hoàng…Văn Tự. Mẹ… giao giả con… cho ông ấy. Quê quán…, đơn vị, tất cả… ở trong đáy hòm kia… - Chừng như bà Đoan muốn nói nữa nhưng miệng đã cứng lại. Cơn xúc động đột ngột khiến bà xỉu đi trên cánh tay của Nguyện. Anh nuốt nước mắt, cổ họng ầng ậc, rồi gào lên, giật giọng:

- Thống ơi! Nhất ơi! - Tiếng gọi thất thanh của Nguyện khiến vợ chồng Thống và vợ chồng Nhất ở hai nhà kế bên chạy sang.

Bà Đoan đã hôn mê. Nguyện đề nghị các em cho mẹ ngậm sâm, để cố chờ anh đi tìm cha anh về. Nhưng Thống không nghe:

- Hãy để mẹ ra đi thanh thản.

Đêm hôm ấy, bà Đoan về với cõi vĩnh hằng. Bà chìm vào giấc ngủ dài và không bao giờ dậy nữa. Nguyện ngồi phủ phục bên đầu giường mẹ, như hóa đá, lặng đi. Không khóc. Bởi khóc thì mẹ ra đi thanh thản làm sao được.

Lo xong tang lễ cho mẹ chu toàn, Nguyện lên đường lần theo địa chỉ ghi trong mảnh giấy mà bà Đoan cẩn thận gấp làm tư cất ở đáy hòm. Dù còn một tia hy vọng nhỏ nhoi anh cũng sẽ đi tìm cha bằng được.

***
Bây giờ, Nguyện đang đứng ở nghĩa trang. Trong bạt ngàn ngôi mộ hàng nối hàng kia, cha anh đang ở hàng nào?

Trần Thúy Lành


 

;
;
.
.
.
.
.