Điện than ở châu Á

.

Những quốc gia giàu có tăng cường đầu tư năng lượng tái tạo trong nước để đáp ứng Hiệp định biến đổi khí hậu Paris 2015 nhưng chính họ lại đẩy những nhà máy điện than sắp sửa hết hạn sử dụng quốc tế sang các nước đang phát triển. Nhiều tổ chức tài chính từng bước rút vốn khỏi điện than. Riêng Ấn Độ đẩy mạnh kế hoạch hạn chế phụ thuộc điện than bằng năng lượng tái tạo.

Thủ đô Jakarta ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Thủ đô Jakarta ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

“Xanh” ở quê nhà, đẩy “đen” ra nước ngoài

Trong trận chiến cuối cùng chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu, ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hứa sẽ giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ba quốc gia giàu có này ở châu Á thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo ở quê nhà nhưng chính họ lại đang tài trợ hàng chục nhà máy điện than ở nước ngoài. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện của họ nằm ở Đông Nam Á và châu Phi. Đó là những quốc gia đang phát triển cần điện với giá rẻ.

Các nhóm hoạt động môi trường đặt câu hỏi về lời cam kết của ba đại gia châu Á này. “Xuất khẩu ô nhiễm” ra nước ngoài cũng là một trong những cách làm suy yếu cam kết của họ về Hiệp định biến đổi khí hậu Paris 2015. Than chính là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất làm cho hành tinh nóng lên.

Các nhà phân tích cho rằng khi thế giới đi theo xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời thì 3 nước nói trên cố bảo vệ doanh nghiệp trong nước xuất khẩu tua-bin hơi nước, nồi hơi. Melissa Brown là cố vấn tài chính năng lượng tại Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng (Mỹ) cho rằng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có rất nhiều thiết bị chạy than sẽ không còn giá trị quốc tế trong 3-5 năm nữa nên tìm cách đẩy nhanh. Đối tác là các nước như Indonesia, Bangladesh, Nam Phi… quan tâm tới phát triển kinh tế mà không đặt nặng tác động môi trường, nhất là đối với than.

Nhu cầu sử dụng than ở Trung Quốc không tăng, và than đang có xu hướng giảm ở các nước phương Tây. Ngược lại, nhiều nước châu Á lại sử dụng than nhiều hơn khiến lượng khí thải carbon tăng 2% trong năm ngoái là mức tăng cao nhất từng được Cơ quan năng lượng quốc tế ghi nhận.

Nhóm vận động chấm dứt sử dụng than EndCoal.org cho biết trong 67 GW (Gigawatt - năng suất điện) nhà máy điện than mới trên toàn thế giới nhận tài trợ từ nước ngoài thì hơn 80% từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về điện than với 36 tỷ USD ở 23 quốc gia. Các cam kết tài trợ điện than của Hàn Quốc, Nhật Bản vốn lớn được bảo lãnh bởi các cơ quan tín dụng xuất khẩu.

Indonesia thu hút đầu tư điện than

Indonesia dự kiến sản xuất 16 GW từ điện than trong thập niên tới, ngang bằng với sản lượng điện của cả Colombia, nhờ tài trợ từ ngân hàng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ năm 2017, tổ chức Greenpeace đã cảnh báo chính phủ Indonesia về chất lượng không khí ở thủ đô Jakarta ngày càng tồi tệ, cộng thêm nạn cháy rừng và 8 nhà máy điện than.

Tổng thống vừa tái đắc cử Joko Widodo vẫn tiếp tục phát triển điện than cho nền kinh tế khi dựa vào hàng tỷ tấn than còn chưa khai thác. Trong suốt năm 2018, hoạt động đào núi lấp biển bên cạnh nhà máy điện Suralaya để tiếp tục xây dựng nhà máy điện than khác. Ngư dân vùng này cho biết việc đánh bắt thủy sản bị tác động nghiêm trọng. Sức khỏe người dân trong vùng cũng gặp các trục trặc về ho và nhiễm trùng đường hô hấp. Các nhà máy điện than lập một phòng khám miễn phí để người dân tới khám chữa bệnh.

Nhiều dự án điện than ở Indonesia có tài trợ từ Hàn Quốc nhưng một số gặp khó khăn về tài chính như Doosan hay tập đoàn xây dựng Huyndai gặp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân. Doosan ngay tại Hàn Quốc làm ăn khó khăn cố bám víu ở Indonesia nên việc đổ tiền sang Indonesia gặp trở ngại lớn. Đại diện Huyndai từng thừa nhận chi tiền cho một quan chức địa phương để dẹp một cuộc biểu tình phản đối xây dựng nhà máy điện than.

Nhiều ngân hàng châu Á bắt đầu từ chối tài trợ

Ít nhất 6 tổ chức tài chính châu Á thông báo rút khỏi tài trợ nhà máy điện than trong một tháng rưỡi qua. Hai ngân hàng lớn của Singapore là DBS Group Holdings, United Overseas và một công ty cho vay lớn thứ hai Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore tuyên bố ngừng tài trợ các nhà máy điện than trong tháng 4 vừa qua.

Ngân hàng OCBC và Tập đoàn Đầu tư và phát triển Nhà nước (SDIC) tuyên bố rời mảng đầu tư điện than từ cuối tháng 3. Tập đoàn tài chính Mitsubishi của Nhật Bản cũng quyết định rời khỏi kế hoạch đầu tư điện than trong tháng 4.

Ấn Độ được cho là “mẫu mực” về nỗ lực thoát khỏi than. Từ quốc gia đứng đầu về sử dụng than, chính phủ Ấn Độ tìm cách thoát khỏi nỗi lo nhập khẩu than bằng mục tiêu sản xuất 275 GW điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2027 và hiện tại đã tăng được từ 20 tới 40 GW điện từ năng lượng tái tạo hằng năm.

Chính phủ nước này tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo như khuyến khích đầu tư, chuyển đổi công nghệ với chi phí thấp. Tata Power là một công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ấn Độ đã có những động thái tích cực như rút vốn khỏi các nhà máy điện than mới để trở thành nhà đầu tư năng lượng tái tạo hàng đầu ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

ANH THƯ (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.