Đồng nghiệp của tôi

.

Nhận quyết định chuyển bộ phận công tác - rời bỏ một vị trí quen thuộc cả về chuyên môn và thời gian gắn bó - cũng là lúc tôi còn cách ngày dự sinh khoảng một tháng. Có lẽ cộng với những thay đổi tâm sinh lý tự nhiên của cơ thể người phụ nữ đang mang thai, tâm trạng tôi không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định. Những gì đã có và đã mất trong suốt những tháng ngày nỗ lực vừa qua khiến tôi cảm giác muốn thu mình lại, ít cởi mở hơn trước.

Một mình ì ạch thu dọn và khệ nệ bưng bê dần đồ đạc, bỗng mọi mệt mỏi như được xoa dịu khi một giọng nói cất lên: “Chị, để em cắm điện và nối máy tính cho chị nhé?” - đồng nghiệp nam ngồi bên cạnh hăng hái. Tôi mỉm cười: “Cảm ơn em”. Sau khi ổn định, nhìn quanh, bộ phận chỉ có tổng cộng… vỏn vẹn hai nữ mà mọi người vẫn thường đùa nhau là “cặp đôi số 10 hoàn hảo” - tôi và chị ngồi ở hai bàn đối diện nhau.

Đang trong quá trình bàn giao công việc để chuẩn bị nghỉ sinh, có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, thỉnh thoảng tôi cũng muốn tới bàn chị hỏi thăm, trò chuyện cùng chị, nhưng rồi lại chần chừ. Như người ta vẫn thường nói - “chim sợ cành cong” - những va vấp trong các mối quan hệ trước đây như một bàn tay vô hình ngăn cản, khiến tôi hoài nghi về chữ “tình” nơi công sở. Chẳng phải ngoài kia mọi người vẫn thường nhắc nhau rằng, đừng tin vào tình bạn ở nơi làm việc đó sao? Chẳng phải ngoài kia, bao nhiêu người đã thay đổi hẳn thái độ với tôi sau việc chuyển đổi vị trí này đó sao?!

Thế rồi những ngày đầu làm quen cứ trôi qua nhẹ nhàng, tĩnh lặng. Đôi lúc chị chủ động hỏi thăm tình hình sức khỏe tôi. Khi các thủ tục điều động của tôi gặp vướng mắc, chị vội vàng tìm cách xử lý để kịp giải quyết cho tôi trước ngày sinh. Ngại ngùng đến gần chị, tôi áy náy nói lời cảm ơn. Chị cười vui vẻ. Nhìn chị cười, nghe chị nói - sẽ chẳng có ai có thể ngờ rằng, chị đã từng phải đứng trước lằn ranh sinh tử. Chị kể cho tôi nghe chị đã phải đối diện với việc đó như thế nào, chị đã vượt qua như thế nào và chị cảm nhận rõ giá trị sống từng ngày như thế nào. Tôi thấm từng lời chị kể và bỗng nhiên tôi tự vấn chính mình - phải chăng tôi chưa biết cảm nhận hạnh phúc đích thực trong cuộc sống?

Rồi cứ như vậy, tôi gắn bó với chị lúc nào không hay. Thậm chí mỗi khi đến cơ quan, chị có việc nhà nghỉ phép, tôi cảm thấy rất trống trải. Có chị, mỗi ngày đến nơi làm việc của tôi như vui hơn. Có chị, tôi như có điểm tựa tinh thần ở nơi mà không thể không tồn tại đâu đó sự tranh giành quyền lực, lợi ích. Chị chững chạc, tâm lý, chị hiểu và phân tích thấu đáo sự việc, giúp tôi nhận ra đúng - sai, nên - không nên, giúp tôi hòa nhập tốt hơn với môi trường mới, những đồng nghiệp mới. Tôi nghĩ, người đàn ông của đời chị đã thật sự may mắn và sáng suốt trong chọn lựa của mình.

Sau khi tôi sinh, chị thường xuyên gọi điện thăm hỏi tôi. Chị động viên, nhắc nhở tôi giữ tinh thần tốt và giúp tôi giải quyết những công việc phát sinh ở cơ quan. Một lần nữa, tôi lại hoài nghi về chữ “tình” nơi công sở - nhưng không phải nỗi hoài nghi về việc có hay không, mà là hoài nghi về quan niệm của nhiều người khi cho rằng, không thể tồn tại tình bạn, tình chị em với đồng nghiệp. Rõ ràng, với tôi, tôi đã và đang có cái “tình” đó. 

Chị nói, khi đối diện với sinh tử, bao nhiêu sân hận, yêu ghét, đúng sai, vinh hoa, tủi nhục… đều trở nên vô nghĩa. Suy cho cùng, mỗi một điều từng xảy ra, mỗi một người mình gặp gỡ trong cuộc sống đều có một ý nghĩa riêng nào đó, điều quan trọng là cảm nhận của bản thân, cứ luôn tâm niệm thiện tâm và buông xả mọi sân si để định hướng suy nghĩ, hành động của mình.

Nhìn lại những gì đã qua, thật ra, tôi cũng đã từng có khoảng thời gian ấm lòng trước những giọt nước mắt của người đồng nghiệp cũ khi con tôi trải qua đợt ốm nặng hay trước câu hỏi giản dị nhưng ẩn chứa yêu thương - “tiền phẫu thuật nhiều không em? Chị rút tiền đưa cho em nhé” - khi tôi vào phòng mổ… Dù sau này, có nhiều thay đổi xảy ra, tôi vẫn biết ơn và trân trọng những gì đã có. Giữ những kỷ niệm đẹp và luôn tin vào con người, cuộc sống - chị - đồng nghiệp của tôi - đã giúp tôi làm được điều đó.

Trong một cuốn sách nổi tiếng tôi đã từng đọc, tác giả sau hành trình khám phá về Phương Đông ẩn diệu và kỳ bí đã khẳng định: “Định mệnh con người luôn luôn có những thay đổi lớn, mặc dù không thấy rõ nhưng chúng ta vẫn vô tình tiến đến mục tiêu đã vạch sẵn”. Con người, dù mạnh mẽ đến đâu cũng không thể đứng một mình giữa đất trời.

Ở một khía cạnh khác của hạnh phúc, chúng ta cần gia đình và trên bước đường lập nghiệp, không thể thiếu bóng dáng của những người đồng hành - đồng nghiệp. Vì lẽ đó, thuận tự nhiên, dù ở môi trường nào, hoàn cảnh ra sao, con người rồi cũng sẽ mở lòng đón nhận và sẻ chia cùng nhau trên cơ sở sự chân thành, ấm áp - như những gì mà tôi và chị - đồng nghiệp của tôi đang cố gắng gầy dựng và gìn giữ mỗi ngày.

ĐỖ LAN HƯƠNG
 

;
;
.
.
.
.
.