KỶ NIỆM 129 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5)

Bác Hồ cảnh báo sự tha hóa của quyền lực

.

Quyền lực có xu hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối. Bài viết - thông qua vài mẩu chuyện viết báo của Bác - phân tích một số khía cạnh, nêu sự cảnh báo của Người trong việc lạm quyền, để cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc rằng có quyền mà thiếu lương tâm là hủ bại, tha hóa, liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1945. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1945. (Ảnh tư liệu)

Sự tha hóa của quyền lực

Cách đây 74 năm, sau khi cách mạng vừa thành công, Bác phải lo trăm công nghìn việc, trăm đầu nghìn mối, đều những việc mới lạ, để kiến thiết đất nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao… Nhưng nỗi bận tâm lớn nhất của Bác là khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Bác lo lắng vì quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối.

Đảng lãnh đạo toàn dân giành được chính quyền là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là Đảng, cán bộ, đảng viên sử dụng quyền lực như thế nào. Nếu dùng quyền lực để phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, thì đó là mặt tốt, mặt phải của quyền lực. Nhưng nếu dùng quyền lực để phục vụ lợi ích cá nhân, bộ phận, họ hàng, bà con… thì đó là mặt xấu, mặt trái của quyền lực.

Lo lắng, bận tâm như vậy, nên đúng 15 ngày sau Tuyên ngôn độc lập, cùng với nhiều hoạt động khác, Bác viết một bức thư gửi các đồng chí tỉnh nhà. Gửi cho tỉnh nhà nhưng ý nghĩa trên phạm vi cả nước. Nội dung thư đề cập nhiều vấn đề, nổi lên là “Đề phòng hủ hóa”.

Người cảnh báo có cán bộ hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, độc hành độc đoán, “dĩ công dinh tư”, dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đảng. Tính từ ngày 17-9 đến ngày 17-10, trong vòng một tháng, cùng với bao công việc bộn bề khác, Bác viết 25 bài báo với nhiều nội dung khác nhau, trong đó nổi bật là chỉ ra những căn bệnh của Đảng cầm quyền và đề nghị phải lấy lòng “chí công vô tư” để lập tức sửa đổi ngay.

Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Bác là Chính phủ, Đảng, cán bộ, đảng viên phải là đầy tớ, công bộc của dân. Bác nói phải chọn những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi quần chúng, có năng lực làm việc đưa vào chính quyền địa phương. “Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các Ủy ban đó”. Bác đã cảnh báo hiện tượng “bán ngôi thứ”.

Đó là hành động “làm cho đầu óc người ta đen tối thêm, có hại cho sự tiến hóa của dân”. Người cũng chỉ rõ cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền của một số cán bộ, họ nắm được chút quyền trong tay thì hay lạm dụng, đè đầu dân, cưỡi cổ dân, vác mặt làm quan cách mạng. Đó là những lầm lỗi như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo.

Tất cả những sự hủ bại, hủ hóa đó - dưới nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau - đang hiện hữu như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và thực tế chỉ ra. Chẳng hạn Bác viết “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu ra mình để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”. “Lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, rồi đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công”. “Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài”.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) nêu cái mới là “chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, thế mà 74 năm trước đây, Bác đã nói với chúng ta về sự suy thoái đó. Sự linh cảm đặc biệt về sự tha hóa của quyền lực khi cái quyền đó trao vào tay những người không giữ được đạo đức. Đó là cách làm “trao trứng cho ác”.

Gần hơn một chút, 72 năm trước, vẫn sự linh cảm đặc biệt về chính trị với sự trải nghiệm già dặn hơn, ngay sau khi cả dân tộc vừa bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, viết về Đời sống mới, Bác cảnh báo rằng “những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.

Người nói rõ đời sống mới trong công sở là từ Chủ tịch đến nhân viên là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước. Tức là mình làm việc công, phải có công tâm, công đức. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Chớ lên mặt làm quan cách mạng.

Chỉ trong 8 tháng - từ tháng 3-1947 đến tháng 10-1947 - Bác viết nhiều tác phẩm bàn về tư cách của một Đảng chân chính cách mạng cô đúc và trọn vẹn nhất, hoàn chỉnh nhất là tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Trong tác phẩm này, Bác đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống các căn bệnh, những sai lầm, khuyết điểm (ngày nay ta gọi là suy thoái) về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Hiện nay, tất cả những căn bệnh đó vẫn đang tái phát ở các biểu hiện, mức độ trầm trọng khác nhau. Có những bệnh mới trầm kha. Có những bệnh cũ nhưng lại ít được nhắc đến như thói ba hoa, dài dòng rỗng tuếch; báo cáo giả dối, thành công ít, suýt ra nhiều; bệnh hay nói chữ như tục ngữ nói “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”; không học cách nói của quần chúng, lại nói như giảng sách. Có những bệnh bây giờ đang nghiên cứu, tìm hiểu, xem xét, thế mà trong Sửa đổi lối làm việc Bác đã nói rõ, đó là bệnh xu nịnh, a dua. Tức là có những người “trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái”. Hoặc là bệnh giấu giếm khuyết điểm. Bác nói rất rõ rằng “nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng.

Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Rồi bệnh xa nhân dân; nghị quyết một đường, thi hành một nẻo; bệnh xem thường nhân dân, không hiểu quyền hành, lực lượng, trí tuệ, của cải ở dân, nên không thèm học hỏi, bàn bạc, giải thích cho dân...

Liền mạch tư duy, cuối thập kỷ bảy mươi, cách đây đúng 70 năm, trong 5 tháng, Bác viết hàng chục bài báo, trong đó nổi bật là hai tác phẩm: Cần Kiệm Liêm Chính (6-1949) và Dân vận (10-1949). Chữ “Liêm” trong tác phẩm Cần Kiệm Liêm Chính là sự tiếp nối tư duy phê phán về sự tha hóa quyền lực. Tác phẩm chỉ rõ sự bất liêm của cán bộ thể hiện ở nhiều chỗ, nhiều việc, nhưng đặc biệt là tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút. Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm).

Cái nguy hại của bất liêm là ở chỗ “người mà không liêm, không bằng súc vật”; “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”. Một luận điểm có tính chất đúc kết về xu hướng tha hóa của quyền lực, đó là “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

Làm thế nào để chống tha hóa quyền lực

Đã bất liêm là có tội với nước với dân thì phải dùng pháp luật xử lý. Pháp luật không có khái niệm “vùng cấm”. Nói đến những kẻ bất liêm - như Bác Hồ đã chỉ ra - “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì”.

Có quyền mà thiếu lương tâm là hủ bại, suy thoái, biến chất, tha hóa. Có nhiều biện pháp để giải quyết, cần đặc biệt chú ý trui rèn đạo đức một cách liên tục, bền bỉ, thật sự, hằng ngày, suốt đời. Bởi vì, thiếu một phẩm chất nào đó của đạo đức là không thành người. Mặt khác, tính xấu của một người thường, chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của đảng viên, của cán bộ, của người đứng đầu, của các chức vụ vị trí cao sẽ có hại đến Đảng, đến nhân dân.

Điều này đã được Bác đúc kết trong Di chúc. Người viết rằng “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đây là biện pháp nói đến việc cá nhân tu dưỡng, nhất là người đứng đầu phải nêu gương, gương mẫu. Ai cũng biết “thượng bất chính hạ tắc loạn”; ngược lại “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Hiện nay, nghị quyết Đảng nói rõ rằng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương gương mẫu, nêu gương, thì có sức lan tỏa lớn trong Đảng và toàn xã hội. Đó là nguồn cảm hứng cho công cuộc đổi mới.

Một biện pháp khác rất có hiệu nghiệm, đó là dùng nhiều hình thức và phương pháp kiểm tra, kiểm soát từ dưới lên để nhổ đi nhổ lại cho sạch hết cỏ rác. Từ dưới lên tức là quần chúng kiểm soát sự sai lầm của lãnh đạo. Cách này là tốt nhất; là “cái lồng nhốt quyền lực” - từ dùng của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta hiện nay - chắc chắn nhất.

Phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, bảo đảm tính khoa học của bộ máy, đặc biệt là xây nền dân chủ. Dân chủ là người dân dám nói, dám bàn, dám làm, được kiểm tra, được quyết định. Muốn thế, phải công khai minh bạch; điều “trưng cầu dân ý” trong Hiến pháp phải được luật hóa. Tất cả những điều đó là cái chìa khóa vạn năng, là động lực. Bài học lịch sử cho thấy lúc nào, ở đâu mất dân chủ là khó khăn, dẫm chân tại chỗ, đi đến thất bại.

Một điều rất quan trọng là Đảng phải luôn luôn kiểm tra những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Như Đảng ta đã chỉ ra, trong Đảng những năm qua, có những khuyết điểm, yếu kém kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục. Phải trả lời được câu hỏi lớn đặt ra ở đây là “vì sao?”. Phải tìm ra được cái gốc của vấn đề để “đào tận gốc”. Xử lý ngọn cũng cần nhưng không căn bản. Bài toán chưa có lời giải đúng là chưa xong.

Tất cả những biện pháp nêu trên đã được các nghị quyết của Đảng gần đây nêu lên. Trong đó chú trọng nêu gương, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Điều còn lại là nói đi đôi với làm với một quyết tâm chính trị cao, thật sự, kiên quyết, kiên trì.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng, ngày 25-6-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”. Đó có thể coi là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay.

PGS.TS BÙI ĐÌNH PHONG

;
;
.
.
.
.
.