Mùa hoa gợi nhớ...

.

Trong vô vàn những hoài niệm của một thời khó quên, song để lại ấn tượng nhiều nhất với tôi có lẽ là gương mặt rầu rĩ của bà, khi bà ngồi hoang hoải dưới mái hiên giữa trời trưa oi ả. Với chiếc quạt nan phe phẩy những ngọn gió nhuộm rát những sợi nắng vàng, kể dăm ba mẩu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa. Nhưng thẳm sâu sau những trầm tư ấy, là niềm hy vọng mong mỏi về một bóng hình xa khuất giữa mùa hoa khế bung biêng nở.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bao năm rồi, tôi cũng không nhớ nữa, cây khế trước sân đến mùa vẫn trổ những cánh hoa mơn man trắng, điểm xuyến chút tím u buồn. Tựa như ánh mắt của bà. Cái thân cây xù xì gân guốc thuở ấy trong mắt đám trẻ con chúng tôi vốn như những con “quái vật” hiện hữu giữa những miền cỏ cây hiền hòa xanh mướt, nhưng lại trổ những cánh hoa nhỏ nhắn, dịu dàng và đằm thắm biết bao. Đặc biệt là khi gặp phải trận gió đủ lớn xô qua, những cánh hoa li ti kia liền nối tiếp nhau rơi xuống xoay xoay, hệt như trận mưa sao băng nơi khoảng trời về đêm lâu lắm mới xuất hiện một lần.

Loài hoa tưởng chừng chẳng có gì đáng nhớ như những nhánh hoa bưởi thơm lừng hay những chùm hoa xoan tím hoang hoải. Nhưng với bà tôi, mỗi mùa hoa khế nở không chỉ là dấu mốc trong vòng xoáy của cuộc đời hay điềm báo của những phút giao mùa, mà đó còn là khoảng trời nung nấu bởi những hy vọng, về gương mặt và dáng vẻ của dì. Người đã bỏ nhà ra đi theo sự mách bảo của trái tim thay vì lý trí, để làm tròn bổn phận của một người mẹ lỡ làng tìm cha cho đứa con vừa mới tạo hình trong bụng. Mặc bà tôi hết lời ngăn cản, mặc giọng ông tôi khản đặc chạy đuổi theo dì, sau khi đã trót đặt vào gương mặt dì lằn vết của những ngón tay thô ráp, chỉ vì không thể làm chủ được cảm xúc nhất thời của bản thân.

Mỗi lần nhìn những cánh hoa khế li ti rơi tím khoảng sân, tôi lại có cái cớ để hồi tưởng về những ngày xa xưa trôi ngang chầm chậm. Nơi mỗi sáng nghe tiếng gà le te thức dậy, đã thấy dáng bà liêu xiêu chống gậy, men theo bến sông đìu hiu tím cánh lục bình. Rồi lại thất thểu trở về  trong tuyệt vọng, nhưng vẫn không ngừng hy vọng, về một ngày tương phùng để tha thứ, hóa giải mọi lầm lỗi trong khắc giây nông nổi mà thành ra nguyên cớ.

Ngần ấy năm trôi qua, tin tức của dì vẫn mông lung như những trận gió trước ngõ. Kéo theo đó là những ân hận của ông tôi, chỉ vì trong phút chốc “giận quá mất khôn” mà ông đã đẩy máu mủ, ruột rà của mình thành người xa lạ; biến khoảng cách giữa những người thân trong gia đình thành bức tường kiên cố của sự im lặng suốt một khoảng thời gian dài. Nhưng hơn hết là biến những mùa hoa khế ngoài vườn mỗi mùa trôi qua lại trở thành chuỗi ngày đánh thức nhức nhối của người ở lại bằng những niềm đau.

Rồi ông cũng mất sau những mùa hoa khế lao xao, mang theo những trăn trối, ân hận khi xưa vẫn còn dang dở, canh cánh. Chỉ có bà tôi thì vẫn ngày ngày cần mẫn ra vườn, gióng ánh mắt về phía những con đường làng trải dài dưới những hàng tre xanh hun hút, rưng rưng mong ngóng dì về. Bởi bà luôn tin dù có thế nào đi chăng nữa, thì thời gian và tình mẫu tử rồi sẽ thay nhau xoa dịu những vết thương lòng.

Song Ninh

;
;
.
.
.
.
.