Nhân cách và địa vị

.

Nhân cách của mỗi cá nhân được hình thành trong các mối liên hệ xã hội và sự tự ý thức, tự nỗ lực tu dưỡng bản thân trong mọi lĩnh vực của đời sống: giao tiếp, ứng xử, học tập, làm việc, kinh doanh; trong tình cảm cha, mẹ, vợ, chồng, con cái; quan hệ thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, đồng bào...

Nhân cách chính là nền tảng và giá trị cốt lõi nhất giúp con người biết sống lương thiện, tử tế, có trách nhiệm với chính mình và xã hội. Có lẽ cũng vì vậy mà trong 5 đức tính của người quân tử: “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” theo Nho giáo, chữ “Nhân” vẫn luôn đứng đầu để nhắc nhở con người dẫu rơi vào bước đường cùng vẫn phải bảo vệ phẩm giá, giữ gìn khí tiết, ngay cả khi đối diện với cái chết vẫn phải thể hiện được sự trong sạch và tôn nghiêm.

Trải qua quá trình dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã được tôi luyện, rèn đúc để trở thành những con người có nhân cách văn hóa, có bản lĩnh vững vàng, khí phách hiên ngang chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm. Bước vào thời kỳ Đổi mới, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bản lĩnh, nhân cách con người Việt Nam tiếp tục được thử thách, bồi đắp để ngày càng thích ứng với yêu cầu phát triển đất nước và nhịp sống của thời đại.

Tuy nhiên, trước những thách thức lớn lao của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, nhân cách con người đang chịu những tác động nhiều chiều, có những thay đổi, thích nghi và diễn biến phức tạp. Bên cạnh những tấm gương cao cả, nghĩa hiệp của những người chính trực, dũng cảm, cao thượng, sống vì đại nghĩa, tận tâm cống hiến cho quê hương, đất nước, thì cũng có không ít những kẻ thấp hèn, ti tiện, tham lam, ích kỷ, chà đạp lên đồng loại. Đôi lúc chúng ta phải bàng hoàng tự hỏi, phải chăng sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa về nhân cách đang ở mức đáng lo ngại?!

Có lẽ, xã hội đang phải đối diện với những mặt trái của nền kinh tế thị trường - khi mà đôi lúc đôi nơi, lợi ích cá nhân và đồng tiền được coi là thước đo. Có những người mải mê chạy chức chạy quyền bằng mọi giá, người ta quan niệm địa vị xã hội là tiêu chuẩn đánh giá mức độ thành công của đời người mà quên rằng, nhân cách sống mới chính là tấm gương phản ánh rõ nét sự trưởng thành thật sự trong xã hội. Để rồi có những vị quan chức dần lộ diện với tội danh tham nhũng, “mua quan bán chức”, cố ý làm trái quy định của Nhà nước, hay thậm chí là gây tổn hại đến thân thể, tinh thần của người khác…

Những hành vi vi phạm, tội ác đó chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng điều còn đọng lại và buộc chúng ta phải day dứt, nghĩ suy chính là nhân cách con người có luôn song hành cùng địa vị? Người không có lòng nhân đức mà ở địa vị cao thì sẽ gieo rắc cái xấu cái ác cho người khác. Vì vậy, phải coi tu thân tu đức là việc coi trọng hàng đầu, cũng là tiêu chuẩn quan trọng để tuyển chọn và sử dụng cán bộ?

Ngược dòng thời gian, năm xưa, Nguyễn Khuyến không chịu luồn cúi chốn quan trường mà lui về ở ẩn, sống cuộc sống thanh bần nơi thôn dã. Khi triều đình hết năm lần bảy lượt mời ra làm quan, ông vẫn một mực khước từ, chọn giữ gìn nhân cách và phẩm giá của mình. Như những dòng sông đi qua để lại một lớp phù sa, nhân cách và những vần thơ của Nguyễn Khuyến đã, đang và sẽ lưu mãi cùng hậu thế. Như vậy, không phải tiền tài, không phải địa vị, cũng không phải quyền lực hay gia cảnh bề thế, mà chính những phẩm cách được tu dưỡng, tôi rèn mới khiến con người thật sự là Người, mới khiến con người trở nên cao quý và tôn kính.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Không thể phủ nhận, giá trị của con người phải bao gồm cả Tài và Đức để bổ sung, hỗ trợ nhau, giúp con người hoàn thiện mỗi ngày và cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, trong ý kiến đó chữ “Đức” vẫn được đề cao hơn vì một khi “vô dụng” nghĩa là con người không còn được sống đúng nghĩa nữa mà chỉ đơn giản là tồn tại. Một người có thể đứng ở vị trí cao vững chắc, không hẳn chỉ dựa vào tài năng, càng không phải dựa vào quan hệ, toan tính và thủ đoạn, mà chính là nhờ nhân cách và đức hạnh.

Còn nhớ cách đây không lâu, hình ảnh hàng trăm cán bộ, y bác sĩ và bệnh nhân của một đơn vị đã xếp thành hàng dài để tạm biệt vị viện trưởng về hưu khiến nhiều người không khỏi xúc động. Không khó để bắt gặp những cái nắm nay bịn rịn, những cái ôm thật chặt hay những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt những người ở lại. Đó là những giá trị vô hình, chỉ có thể có nhờ nhân cách sống đáng trân trọng của một con người. Rõ ràng, giữa bộn bề cuộc sống, danh vọng, quyền lợi rồi cũng sẽ qua đi, chỉ riêng một chữ “Nhân” là sẽ luôn còn mãi cùng lòng người và tình người…

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.