Tại “Festival Khoa học công nghệ trong sinh viên Đại học Đà Nẵng 2019” do Đại học Đà Nẵng phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật thành phố tổ chức, sản phẩm “Hệ thống gieo hạt và làm vườn tự động” của hai sinh viên (SV) Dương Nhật Zôn và Trần Xuân Mẫn, khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chế tạo đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Dương Nhật Zôn (bên phải) và Trần Xuân Mẫn cùng sản phẩm “Hệ thống gieo hạt và làm vườn tự động” tại Festival Khoa học công nghệ trong sinh viên Đại học Đà Nẵng 2019. (Ảnh: Nhóm sinh viên cung cấp) |
Đây cũng là một trong những sản phẩm đoạt Giải khuyến khích tại Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đoàn trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức trước đó.
Vốn yêu thích lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp sạch, Dương Nhật Zôn và Trần Xuân Mẫn nhận thấy nhu cầu muốn tự tay trồng một vườn rau sạch, bảo đảm sức khỏe của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, đa phần trong số đó lại không có thời gian chăm sóc cũng như không có nhiều kiến thức về nông nghiệp trồng trọt. Từ đó, đôi bạn trẻ nghĩ đến ý tưởng về một hệ thống có thể gieo hạt và làm vườn tự động, giúp mỗi gia đình dễ dàng tiếp cận với nông nghiệp sạch qua việc tự tay trồng, chăm sóc, thu hoạch vườn rau nhỏ nhà mình.
Dương Nhật Zôn cho hay hệ thống sẽ tự động giúp người dùng gieo hạt, bón phân, tưới nước, kiểm tra chất lượng đất trồng và chất lượng thời tiết ngay tại khu vực trồng rau. Sau đó, tất cả các thông số sẽ gửi về điện thoại qua một phần mềm được cài sẵn trên điện thoại thông minh để người dùng tiện theo dõi.
Bên cạnh đó, thông qua phần mềm này, người dùng còn có thể đặt lịch bơm nước và điều khiển từ xa. Đặc biệt, ứng với mỗi loại rau, nhóm xây dựng một thư viện đi kèm được tích hợp trong phần mềm điều khiển gồm quy trình trồng trọt, chăm sóc cùng với lượng nước tưới, lượng phân bón phù hợp với mỗi giai đoạn sinh trưởng của loại rau đó.
Hệ thống gieo hạt và làm vườn tự động. |
Hệ thống gieo hạt và làm vườn tự động bao gồm phần mềm được tích hợp trên smartphone; bộ điều khiển trung tâm; cảm biến đo lường để đánh giá chất lượng thời tiết và đất trồng; mạch điều khiển di chuyển CNC (dòng máy mini 3 trục); nguồn, cơ cấu truyền động, 3 động cơ gắn 3 trục; bơm chân không hút hạt giống; bơm nước tưới cây; camera từ xa.
Với quy mô hộ gia đình, đặc biệt là những gia đình có nhà mặt phố, hệ thống sẽ được thiết kế đơn giản, có khả năng tùy biến cao để thuận tiện cho việc lắp đặt ở các không gian khác nhau như trên ban công, sân thượng hay sau sân nhà. Còn với quy mô lớn hơn thì hệ thống sẽ gắn theo luống, một máy có thể quản lý một luống cây trồng với thông số: độ rộng luống tối đa 3m, độ dài luống không giới hạn…
Trong quá trình hoàn thiện hệ thống này, cái khó nhất mà nhóm gặp phải là xác lập các quy trình gieo trồng và chăm sóc cho từng loại rau rồi sau đó tích hợp vào bộ điều khiển trung tâm để tự hoạt động. Do có rất nhiều loại rau nên việc tạo ra các quy trình này rất phức tạp. Hiện sản phẩm đã áp dụng thành công trên rau muống và cải đắng. Được biết, nhóm đã mất một tháng để tìm hiểu những vấn đề thực trạng và hơn ba tháng để nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm.
Trần Xuân Mẫn chia sẻ: “Cả hai chúng tôi đều được sinh ra trong những gia đình thuần nông, từ nhỏ đã quen với việc trồng trọt nên dẫu là dân kỹ thuật nhưng chúng tôi cũng khá thuận lợi trong việc nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống. Tuy nhiên, những kiến thức mà chúng tôi tích lũy được vẫn còn hạn hẹp nên thời gian tới nhóm sẽ tham khảo thêm các tài liệu, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp sạch để hoàn thiện thêm hệ thống. Từ đó sẽ tiến hành khảo sát thêm một số loại rau được trồng phổ biến để nghiên cứu, xác lập quy trình gieo trồng, chăm sóc cũng như sẽ áp dụng trên các loại cây ăn quả. Nếu kết quả khả quan thì nhóm sẽ nghĩ tới việc thương mại hóa sản phẩm này”.
KHÁNH QUYÊN