Trở về Đông Nam Á khởi nghiệp

.

Rất nhiều người dân Đông Nam Á sau thời gian làm việc và học tập ở nước ngoài đã trở về quê hương xây dựng sự nghiệp nhờ sức hút công nghệ trong nền kinh tế Internet đang bùng nổ ở khu vực.

Grab và Go-Jek được những người từ Mỹ trở về sáng lập.
Grab và Go-Jek được những người từ Mỹ trở về sáng lập.

Bỏ Mỹ dù được thung lũng Silicon mời gọi

Hai “kỳ lân” nổi tiếng Grab và Go-Jek được sáng lập bởi những người học từ Mỹ trở về. Đó chính là tấm gương để nhiều sinh viên Đông Nam Á sau khi tốt nghiệp đại học, thạc sĩ… từ Mỹ trở về quê nhà lập nghiệp. Không ít người được các công ty công nghệ ở thung lũng Silicon mời ở lại làm việc nhưng vẫn từ chối vì lấn cấn chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump.

Ví dụ điển hình nhất là Levana Sani. Cô gái Indonesia này rời thủ đô Jakarta 9 năm trước để học tại Đại học South California (Los Angeles). Tốt nghiệp đại học năm 2014, Sani tiếp tục học thạc sĩ sau đó 2 năm tại Đại học Harvard. Trong giai đoạn học tại Harvard, Sani cùng 3 người bạn thành lập đơn vị Nalagenetic chuyên phát triển thử nghiệm di truyền để giảm các phản ứng bất lợi của thuốc. Cô làm việc bán thời gian để học thạc sĩ.

Sau khi tốt nghiệp Harvard, Sani quyết định trở lại Indonesia để quản lý Nalagenetic toàn thời gian dù được một công ty công nghệ ở thung lũng Silicon mời ở lại làm việc. Nalagenetic của Sani có trụ sở tại Jakarta và Singapore nhận được đầu tư từ công ty đầu tư mạo hiểm Intudo Ventures. Công ty này hiện diện ở thung lũng Silicon từ lâu và chọn đầu tư vì đánh giá cao tiềm năng của Nalagenetic.

Bùng nổ công nghệ ở Đông Nam Á

Google và công ty đầu tư Temasek của Singapore phối hợp điều tra thị trường Internet năm 2018 cho thấy tổng giá trị hàng hóa lên tới con số kỷ lục 72 tỷ USD. Con số này chiếm 2,8% GDP của khu vực. Dự báo kinh tế Internet của Đông Nam Á sẽ tăng lên 240 tỷ USD vào năm 2025, sẽ chiếm 8% GDP. Thương mại điện tử đã giúp Đông Nam Á có 14 kỳ lân danh tiếng.

Dòng tiền đầu tư toàn cầu giảm vì nỗi lo Brexit (Anh rút khỏi EU), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhưng riêng Đông Nam Á vẫn thu hút dòng vốn đáng kể. Năm 2018 có tới 7,8 tỷ USD đầu tư trên 327 giao dịch. Thương mại điện tử năm ngoái cũng đã hút được 100.000 chuyên gia công nghệ ở Đông Nam Á và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025.

Kỹ sư phần mềm đang được săn lùng nhiều nhất vì khó kiếm. Nhân viên quản lý sản phẩm, khoa học dữ liệu và cả công nhân lành nghề cũng đang được chào mời với mức lương hấp dẫn. Mức lương trong ngành công nghệ cao gấp 3-5 lần mức lương bình thường ở Đông Nam Á.

Go-Jek có trụ sở ở Jakarta đã có 500 kỹ sư phần mềm song vẫn cần tuyển thêm 500 kỹ sư nữa vào cuối năm nay. Go-Jek đã nhận 200.000 đơn xin việc nhưng tuyển chọn đúng người không hề dễ dàng. Bên cạnh Go-Jek, các “kỳ lân” danh tiếng khác ở Jakarta như 2 trang web thương mại điện tử Tokopedia, Bukalapak và web đặt phòng du lịch Traveloka cạnh tranh thu hút nhân tài rất quyết liệt.
“Kỳ lân” Bukalapak phát động chiến dịch mời gọi người Indonesia từ nước ngoài, nhất là Mỹ, trở về Indonesia làm việc. Họ có hẳn một nhân viên cao cấp đi tới các trường đại học danh tiếng Mỹ để thuyết phục đồng hương về nước làm việc.

ANH THƯ (Theo Nikkei Asian)

;
;
.
.
.
.
.