Biến rác thành vật dụng hữu ích

.

Sáng tạo các mô hình từ vật liệu phế thải là cách mà đoàn viên thanh niên (ĐVTN) muốn truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, phân loại rác, chống rác thải nhựa, giảm sử dụng túi ni-lông.

Mô hình Khu du lịch Bà Nà của các đoàn viên, thanh niên Đoàn Trường THPT Ngô Quyền. Ảnh: T.T
Mô hình Khu du lịch Bà Nà của các đoàn viên, thanh niên Đoàn Trường THPT Ngô Quyền. Ảnh: T.T

Mới đây, các bạn học sinh Trường THPT Ngô Quyền sáng tạo ra mô hình Khu du lịch Bà Nà tận dụng từ vỏ lon bia, nước ngọt, giấy báo, ống hút, que kem...  Bạn Võ Như Quỳnh, học sinh Trường THPT Ngô Quyền cho biết: “Chúng em đã dùng vỏ lon bia xếp chồng thành 4 tầng làm trụ cáp treo, dùng dây chỉ mảnh cố định trên đó, những ca-bin thì làm bằng nhựa. Về dòng thác, em dùng nước màu tái hiện, bên dưới là các tảng đá được tạo nên từ việc gắn kết các viên sỏi với nhau. Những ống hút chúng em sử dụng làm thân cây, tán lá được làm bằng bông gòn, những ngọn núi được dựng nên bởi những chai nhựa đã qua sử dụng”.

Như Quỳnh nói thêm, điều đặc biệt nhất của mô hình là đã tái hiện được biểu tượng cầu Vàng. Với mô hình này, các bạn dùng bao tay đã qua sử dụng, nhét bông gòn vào bên trong và bên ngoài được phủ sơn rất tinh tế. Mô hình Khu du lịch Bà Nà không chỉ tái hiện cảnh đẹp của Đà Nẵng, mà qua đó, các em muốn truyền đi thông điệp sáng tạo vì một thế giới không rác thải.

Trong khi đó, các bạn học sinh Trường THPT Sơn Trà lại sáng tạo ra các thùng rác với thương hiệu “ST Bin” từ những thùng sơn cũ đã qua sử dụng. Anh Ngô Lữ Thanh, Bí thư Đoàn trường THPT Sơn Trà cho biết: “Sản phẩm được thiết kế dựa trên một vấn đề cấp thiết hiện nay, đó là rác thải và phân loại rác thải. Lâu nay, chúng ta chỉ để ý đến việc bỏ rác thải vào thùng chứ chưa coi trọng việc phân loại rác thải ngay sau khi sử dụng, vì thế các công nhân vệ sinh phải mất thêm nhiều thời gian để làm việc này. Xuất phát từ lý do đó, đoàn trường đã tạo nên “ST Bin”, thùng rác phân loại với phương châm là bỏ rác đúng thùng”.

Thùng rác “ST Bin” phân ra 3 loại để đựng rác vô cơ, rác hữu cơ và rác có thể tái chế. Điều đặc biệt là thùng rác “ST Bin” có khả năng xử lý mùi hôi và xử lý nước rác trong quá trình sử dụng nhờ đáy thùng được đục lỗ và có thêm một lớp than hoạt tính để chống mùi hôi. Ngoài ra, dưới đáy thùng, các bạn còn đấu nối thêm các ống lọc nước để nước thải sau khi qua thùng được lọc sạch hơn và có thể tái sử dụng để tưới cây.

Một sáng tạo hữu ích từ rác thải nhựa nữa phải kể đến là mô hình hệ thống tưới nước tự động của Trường THPT Thanh Khê. Với ý tưởng bạn là người bận rộn, thường xuyên đi công tác nhưng lại vô cùng yêu cây xanh, đôi khi bạn phải vắng nhà nhiều ngày, cây không có ai chăm sóc thì giờ đây bạn chỉ việc đổ nước đầy bình, cây xanh sẽ được hệ thống tưới nước này tự tưới.

Vật liệu để làm mô hình từ các khung sắt, vỏ chai nhựa, ống hút nhựa và dây truyền dịch đã qua sử dụng. Nguyễn Thị Bích Vân, học sinh Trường THPT Thanh Khê, người trực tiếp làm mô hình cho biết: “Với mô hình này, các bạn chỉ cần đổ nước đầy bình, sau đó điều chỉnh tốc độ chảy của nước sao cho phù hợp với từng loại cây. Nếu cần, có thể thêm các dưỡng chất vào bình để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây”.

Có thể nói, bằng niềm đam mê, các bạn học sinh, đoàn viên ở các cơ sở Đoàn đã khéo léo biến những vật dụng tưởng chừng vô dụng trở thành vật hữu ích với mong muốn hướng cộng đồng đến việc lựa chọn một lối sống có trách nhiệm hơn với môi trường.

Thanh Tình

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.