Chào em bé!

.

Hội họa là thứ mà tôi thường ví rằng, ngắm tranh giống như khi đọc thơ, đừng cố hiểu một cách rõ ràng, cụ thể nội dung của nó. Một bài thơ có thể nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau, một bức tranh cũng có thể nhận được nhiều cảm nhận trái ngược. Trước một bức tranh hay trước một bài thơ, hãy mở hết mọi cánh cửa cảm xúc của mình ra, và yên lặng để nó tự ngân rung. Vậy là đủ.

Bức tranh “Giấc mơ đỏ” của Hoàng A Sáng.
Bức tranh “Giấc mơ đỏ” của Hoàng A Sáng.

Tôi và A Sáng làm bạn với nhau đã lâu, nhưng dường như tôi chưa khi nào hết ngạc nhiên về bạn. Thỉnh thoảng Sáng lại khiến tôi giật nảy, chỉ vì một bức tranh vừa hoàn thiện, và nó chạm tới cái vùng tâm thức nào đó vốn rất yên tĩnh của tôi.

Hoàng A Sáng là người Tày Trùng Khánh (Cao Bằng). Sáng không phải con nhà nòi. Nhưng từ bé, Sáng đã luôn tin rằng mình sẽ làm một việc gì đó liên quan đến nghệ thuật. Giống như tôi, không phải con nhà nòi, và tôi luôn mơ ước tự viết được những cuốn sách. Một ngày nào đó, Sáng một mình từ Cao Bằng về Hà Nội.

Sáng kể với tôi kỷ niệm mà anh không bao giờ quên, đấy là khi đi tìm thầy để ôn thi vào Trường Sư phạm Nhạc – Họa. Thầy hỏi: Cậu mang theo gì? Sáng lôi từ trong túi vải ra một bó… bút chì màu. Sáng bảo, thầy tôi cười đến mấy phút không nhịn được. Cho đến tận lúc ấy, Sáng vẫn chưa biết toan, sơn, chổi, bay… là gì hết.

Vậy mà, tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật, Sáng nhanh chóng trở thành một họa sĩ… trình bày báo, và thỉnh thoảng vẽ tranh minh họa. Rồi áp lực tồn tại khiến Sáng nhảy sang viết báo, rồi phụ trách cùng lúc vài tờ báo bán khá chạy trên thị trường. Bẵng đi có lẽ hàng chục năm làm báo miệt mài như vậy, bỗng một ngày Sáng thình lình tổ chức triển lãm tranh cá nhân.

Một sự bất ngờ đối với cả giới họa sĩ lẫn công chúng Hà Nội. Hóa ra, trong rất nhiều năm, Sáng đã lầm lũi mày mò, vật vã tìm lối đi cho riêng mình. Triển lãm Miền A Sáng khi đó đã được đón nhận nồng nhiệt ngoài dự kiến.

Sáng hay gửi cho tôi xem những bức tranh mà anh vừa hoàn thành lúc… nửa đêm về sáng.
Bức em bé Mông này khiến cho tôi sững người mất một lúc khi nhìn thấy lần đầu tiên (ảnh).
Có một lần tôi nói với Sáng cái điều mà tôi nghĩ, rằng tôi mong chờ sự rực rỡ từ tranh của cậu. Sáng ít khi dùng màu nóng, mà thường nghiêng về những màu lạnh, u buồn, trầm tĩnh. Dễ hiểu, vì Sáng hướng mình, và hướng người xem tới cái mà Sáng gọi là “tranh thiền”. Cũng khá gần với tính cách của Sáng. Một sự dữ dội luôn ẩn sâu bên dưới cái bề mặt hồn nhiên đầy chất rừng núi của anh.

Riêng về tài dùng màu một cách biến ảo, tôi phục Sáng.


Thiền hay không phải thiền tôi không bàn, vì cảm nhận thế nào là từ người ngắm tranh. Là cái tinh thần của bức tranh mà mình chạm tới, hay đúng hơn là mình nghĩ rằng mình đã chạm tới. Đôi khi, thông điệp mà người nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng muốn gửi gắm, lại hoàn toàn chẳng liên quan gì tới cái điều mà người tiếp nhận cảm thấy. Nghĩa là, mỗi tác phẩm đã có những số phận riêng, câu chuyện riêng, cuộc đời riêng, tùy thuộc vào… người tiếp nhận.

Bức này, Sáng đặt tên là Giấc mơ đỏ. Dường như Sáng đang dịch chuyển cảm xúc từ màu lạnh sang màu nóng, và rõ ràng là anh đang làm chủ được nó. Tôi cảm thấy, làm chủ màu sắc là thứ có thể gây ám ảnh đối với họa sĩ. Là nói liều thế thôi, chứ có vẽ vời gì bao giờ đâu mà biết khó nhất là cái gì. Nhưng tựu trung, có lẽ cũng tựa như văn chương, làm nghệ thuật nói chung, khó nhất, hơn nhau nhất, là ý tưởng.

Muốn làm gì thì làm, trong đầu anh phải có ý tưởng. Anh không nghĩ ra được ý tưởng gì mới mẻ hay ho, cứ loanh quanh luẩn quẩn như bị bỏ tù, cồn cào gào thét vì đầu óc tối mịt tối mò tối như bưng, và sốt sình sịch vì đồng nghiệp cứ liên tục có tác phẩm mới… thì khổ sở vô cùng.

Tôi tin rằng Sáng chẳng thiếu gì ý tưởng. Nhưng Sáng cũng nói, đầy bức vẽ dở rồi anh cũng vứt, thậm chí vẽ xong rồi cũng vứt quách đi. Cái sự quẫy đạp của nghệ sĩ nó đày đọa tra tấn người ta ghê gớm nếu không tìm được lối đi như vậy đấy.

Tôi thích màu đỏ của Sáng, tất cả những bức khoảng vài ba tháng trở lại đây. Những khoảng tròn quen thuộc, những đường viền mờ hầu như không có ranh giới, sự uyển chuyển của đậm nhạt, sự bí ẩn khi đối lập với các mảng đen thẫm… nó cho thấy là Sáng luôn làm chủ được rực rỡ, kiềm chế được chói lóa lòe loẹt không cần thiết và vô nghĩa, đối với ý tưởng mà anh muốn hiện thực.

Tôi thích bức này. Trên facebook của Sáng tôi bình luận (comment): Em bé Mông nhà tôi.

Tôi nhớ những em bé Mông mà tôi đã gặp trong suốt những năm tháng tuổi trẻ. Những em bé mặt nhọ nhem thò lò mũi, má tròn và căng, tóc thưa và vàng, và rối bù, và đầy mùi khói bếp. Một chiếc áo len đã dãn hết cỡ, vài lỗ thủng, chân đi đất, và đôi khi là không có quần. Bọn con trai thì hay ở truồng hơn, các bé gái thường mặc váy. Những chiếc váy xòe, cũ, những cái đầu gối tím tái.

Tôi cũng nhớ những bé gái, lớn một chút, sắp dậy thì, cũng sắp lấy chồng, phiên chợ lúc lắc theo mẹ xuống chợ huyện. Mẹ đặt quẩy tấu đầy rau cải xuống đất, và em đứng cạnh đó, mắt mở to ngắm nhìn người qua lại…

Em bé này của A Sáng mang tới một cảm giác thân thương tột độ. Trong ký ức của tôi, các em bé Mông hiếm khi có một chiếc váy đẹp đến thế, chân quấn xà cạp tử tế chỉn chu đến thế. Cũng chưa bao giờ được ngắm một con ngựa với cái bờm mượt mà lấp lánh quyến rũ trẻ thơ đến vậy. Tôi không nhớ Sáng đã mô tả thông điệp của bức tranh là gì, tôi cũng không muốn nhớ. Tôi chỉ thấy những sợi cảm xúc của mình ngân lên, run rẩy, ngập tràn một cảm giác thương mến.

Em gái ấy, em bé gái nào đấy, trong bức tranh này, đang thật là hạnh phúc với một hoặc vài niềm mơ ước bé nhỏ, trong trẻo, xinh xắn - có lẽ vậy. Một phiên chợ với đầy người là người, vô số những thứ mà em rất muốn, nhưng em phải nhìn xem mẹ có bán hết rau không. Em phải nhìn xem mắt mẹ em hôm nay lấp lánh niềm vui, hay trĩu nặng ưu phiền. Em thích một chiếc vòng tay được xâu bằng những hạt nhựa, nhiều màu, vừa vặn với cổ tay em. Em thích một đôi giày vải, một đôi tất. Em thích một chiếc gương. Phải rồi. Em đủ lớn để có thể soi gương vào mỗi buổi sáng, mỗi buổi tối rồi ấy chứ. Em cũng có thể thích một gói kẹo, thôi, giản dị là một chiếc kẹo cũng được. Ngọt và thơm, và tan thật chậm trong miệng…

Sáng sớm hôm ấy em thức dậy, váy áo tươm tất, khăn vấn gọn gàng, và em tạm biệt chú ngựa nhỏ. Tôi đã có bao nhiêu người bạn là chó, là mèo, là gà, vịt, lợn nữa, tôi chỉ chưa bao giờ có bạn là một chú ngựa.

Tôi thích cảm giác này - cảm giác thân ái ngọt ngào tự nhiên lan tỏa từ em bé. Cảm giác này, phải chăng chính là cảm giác mà A Sáng đã có khi đặt những vệt chổi cuối cùng lên bức tranh?

Đỗ Bích Thúy
 

;
;
.
.
.
.
.