Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở Quảng Ngãi

.

* Trên quốc lộ 24B đoạn qua huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, tôi thấy có một tấm biển ghi “Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định”. Xin cho hỏi, vị anh hùng này đã lập nên chiến công gì và vì sao lại có đền thờ ở Quảng Ngãi? (Lý Thị Thành, Hải Châu, Đà Nẵng).

Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tọa lạc tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: V.T.L
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tọa lạc tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: V.T.L

- Trương Định (1820 - 1864) hay Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, là võ quan nhà Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859 - 1864 trong lịch sử Việt Nam.

Ông sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ úy ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị.

Theo Báo Quảng Ngãi điện tử (baoquangngai.vn), năm 24 tuổi (1844), ông theo cha vào Nam, chiêu mộ dân cày, khẩn hoang lập ấp và trở thành bậc tiền hiền khai mở vùng đất Tân An - Định Tường. Nước nhà nguy biến, năm 1854, ông xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản Cơ. Tháng 2-1859, khi quân Pháp tấn công thành Gia Định, ông đem quân đồn điền tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.

Năm 1862, triều đình ký Hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhậm chức Lãnh binh ở An Giang. Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại Nguyên Soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống giặc Pháp.

Ngày 19-8-1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám Lá Tối Trời, nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Bản doanh thất thủ, Trương Định bị trọng thương (gãy xương sống). Để bảo toàn khí tiết, ông đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công) vào rạng sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864. Khi ấy, ông 44 tuổi. Con ông là Trương Quyền đã rút lên vùng Châu Đốc tiếp tục chống Pháp thêm 6 năm nữa.

Hay tin Trương Định tuẫn tiết, vua Tự Đức sai truy tặng ông phẩm hàm, và năm 1871 lại cho lập đền thờ ông tại Tư Cung (Quảng Ngãi), nơi ông sinh trưởng và giao cho các quan tỉnh Quảng Ngãi tế tự hàng năm. Tuy nhiên trong chiến tranh, ngôi đền đã bị hư hại.

Trương Định là hình ảnh tiêu biểu của nhân dân Gò Công, nhân dân Nam Bộ bất khuất chống giặc Pháp xâm lược vào thời điểm chúng vừa đặt chân lên đất nước ta. Ông cũng là người con ưu tú, góp phần làm rạng rỡ quê hương Quảng Ngãi kiên cường.

Sau khi Trương Định tuẫn tiết, thi hài ông được gia đình và nhân dân mang về an táng rất trọng thể tại một địa điểm nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1964, ngôi mộ được tu bổ khang trang và giữ nguyên dáng dấp. Đến năm 1972 đền thờ ông cũng được xây dựng trên đất Gò Công.

Năm 2007, thể theo nguyện vọng của nhân dân và để tỏ lòng tri ân người anh hùng đã hy sinh vì nghĩa lớn, huyện Sơn Tịnh và tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng lại đền thờ Trương Định để làm nơi hương khói, thờ phụng người anh hùng.

Năm 2014, Di tích lịch sử Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Hằng năm, từ ngày 17 đến 19-8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Trương Định.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.