Đi chữa bệnh như là đi chơi

.

Nằm giữa tầng 10, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, có một căn phòng nhỏ đầy màu sắc tươi vui với vô vàn sách, báo và đồ chơi trẻ con, là nơi các ông bố, bà mẹ thường xuyên đưa con mình đến vui chơi, giải trí với niềm mong mỏi chúng sẽ vơi bớt nỗi đau sau mỗi đợt điều trị bằng thuốc và hóa chất…

Bệnh nhân và mẹ trong căn phòng thư viện, sinh hoạt cho bệnh nhi tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng
Bệnh nhân và mẹ trong căn phòng thư viện, sinh hoạt cho bệnh nhi tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng

Ngồi tỉ mẩn mặc đồ, chải tóc, sửa tư thế đứng, ngồi cho búp bê, khuôn mặt cô bé N.T.T.H (5 tuổi), quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam ánh lên niềm vui. Thỉnh thoảng, bé ngước lên, nở nụ cười, nhìn vào mắt ba như chờ đợi một lời khen.

Ba bé, anh N.V.L dường như chỉ chờ giây phút đó, ôm hôn trán con một cái thật dài, rồi tấm tắc khen: “Ôi con gái ba giỏi quá, mặc đồ cho búp bê gọn tưng mà đẹp quá trời luôn”. Khi con gái tiếp tục bị cuốn vào trò chơi búp bê công chúa, anh L. lại xoa lưng con bé, thỉnh thoảng hôn vào mái tóc mềm mại, mỏng mảnh của con.

Trong suốt gần 30 phút ngồi quan sát hai cha con anh L. ngồi chơi trong căn phòng này, chúng tôi chưa thấy lần nào anh cầm vào chiếc điện thoại. Anh vứt điện thoại nằm chỏng chơ dưới sàn nhà, tập trung nhìn ngắm và chơi cùng con gái. Nếu không được anh cho biết, hẳn chúng tôi sẽ không thể biết rằng, cô bé trắng trẻo, hồng xinh và liến thoắng, vui vẻ kia đang là bệnh nhi ung thư máu.

“Con bé đẹp quá phải không em?”, anh L. hỏi, trước khi trải lòng, giọng rơm rớm: “Nó mới có biểu hiện bệnh thời gian gần đây, gia đình anh đưa đi khám thì mới biết con bị ung thư. Nó chưa hiểu bệnh ung thư là gì đâu, nên vẫn ăn ngon, ngủ yên, vui vẻ, liến thoắng vậy đó. Nó tưởng ba mẹ đưa nó tới bệnh viện điều trị cảm sốt thông thường như mọi khi, nhà xa nên phải ở lại bệnh viện thôi. Nó khoái căn phòng này lắm, hay bảo sao mấy anh chị đang chữa bệnh cùng phòng nó không đến đây mà chơi, vui và nhiều đồ chơi vậy mà”.

Ngồi cách đó vài mét, hai cậu bé P. và K. đang thi nhau chơi xếp hình lego xem ai nhanh hơn, mặt tràn sự háo hức. Có lẽ, chỉ khi đặt chân đến căn phòng này, chúng tôi mới cảm nhận hết tình yêu thương mà ba mẹ dành cho con trẻ. Giữa “khoảng nghỉ” của những đợt truyền thuốc, chích thuốc, họ luôn cố gắng dành thời gian đưa con đến đây với mong mỏi con được chơi, được chuyện trò cùng những đứa trẻ khác. Bởi biết đâu đến một lúc nào đó, khi cơ thể nhỏ nhắn, xinh yêu kia không còn gượng nổi trước nỗi đau bệnh tật, thì các con cũng đã được chơi, được chăm sóc và yêu chiều”.

Một bà mẹ ngồi đó, nói với chúng tôi rằng, mẹ con chị đã ở đây gần 3 tháng, chứng kiến nhiều đứa trẻ từng đến ngồi chơi rồi mất hút sau hành lang bệnh viện, sau những chuyến xe đưa bé về nhà. Vậy nên, ai bước vào căn phòng này, lòng cũng sẽ mềm ra, chan chứa yêu thương và mong muốn mình có thật nhiều quỹ thời gian để dành cho con, để chăm sóc, nuôi dạy chúng thành người. Sẽ thật ích kỷ và đáng xấu hổ nếu ai đó vào đây mà vẫn dán mắt vào điện thoại, mà không chịu chơi và trò chuyện cùng con.

Căn phòng vui chơi rộng chừng 50m2, sạch sẽ, đầy màu sắc tươi vui và có đầy đủ đồ chơi búp bê, ô-tô, cầu trượt, xe lắc, bộ xếp hình, giấy, bút vẽ, phù hợp với sở thích của trẻ nhỏ. Tất cả được hình thành bởi những tấm lòng thiện nguyện. Mỗi em bé được vào đây vui chơi, vẽ tranh, ghép hình mà không phải chi trả một khoản phí nào.

Bác sĩ Trần Văn A, khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho hay, với những bệnh nhi ung thư, các em phải ở lại bệnh viện từ ngày này qua tháng khác, rất mệt mỏi và thèm chơi. Sau khi xem xét mong muốn, nhu cầu của bệnh nhi, bệnh viện đã quyết định dành một căn phòng tại tầng 10 làm phòng thư viện, sinh hoạt cho trẻ em, để các em sống trong cảm giác đi chữa bệnh cũng là đi chơi. Sau khi thành lập, căn phòng này đã nhận được sự quan tâm, chung sức của cộng đồng, từ việc trang trí, bổ sung những bộ đồ chơi mới phù hợp với sở thích và xu hướng vui chơi của trẻ. Không chỉ đóng góp đồ chơi, nhiều tình nguyện viên còn dành thời gian đến dọn xếp và chơi cùng trẻ.

Chị Nguyễn Thị Vân (21 tuổi), một thành viên nhóm từ thiện trẻ ở Liên Chiểu cho hay, mỗi tuần một đôi lần chị cùng bạn bè thu xếp việc nhà để đến bệnh viện vui chơi cùng các em. “Một lần vào thăm người nhà nằm điều trị tại đây, tôi đã bị cuốn vào căn phòng nhỏ nhắn với những em bé đáng yêu này. Nhìn tụi nhỏ vui chơi trong ồn ào hoặc im lặng vì những cơn đau rấm rức mà thương đứt ruột. Thỉnh thoảng có tiền thì tôi mua qua đây vài bộ đồ chơi, còn không thì mang cho các em ít cái bánh, cây kẹo rồi ngồi chơi với các em như vầy cũng thấy vui lắm rồi”, chị Vân kể.

Không chỉ có đầy đủ đồ chơi, căn phòng này còn là thư viện nhỏ với hơn 3.000 đầu sách gồm truyện tranh, truyện cổ tích, những câu chuyện giáo dục nhân cách, lối sống… giúp bệnh nhi thỏa sức đọc và tưởng tượng về một thế giới thần tiên. Chị  Nguyễn Thị Minh Thu, công tác tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, đó là món quà mà những bạn trẻ thuộc nhóm CLB Máu nóng yêu thương, CLB Tâm sáng… dành cho những em nhỏ đang điều trị tại đây.

Có thể nói, giữa nỗi đau bệnh tật, một căn phòng vui chơi trở thành thiên - đường - cảm - xúc của nhiều bệnh nhi ở độ tuổi lên 5, lên 10. Tại đó, trẻ không chỉ được vui chơi, chăm sóc mà còn có thêm những giây phút được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của ông bà, ba mẹ và hơn hết là của đội ngũ y, bác sĩ cũng như những nhóm từ thiện, chung sức vì cộng đồng.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.