Điệu valse ngày mưa

.

1.Lần nào đến, chị dâu cũng mang theo thức ăn. Những món ăn quen thuộc từ cái ngày xa lắc khi chị về gia đình tôi làm dâu. Những món ăn mà khi ăn, trong lòng phải ngập tràn ký ức xưa cũ, cảm nhận được bàn chân mát lành giẫm lên cỏ mềm mỗi trưa hè, mùi mạ non phảng phất xen kẽ khói chiều đồng nhà ai vừa đốt… mới thấy ngon.

Mà không phải lúc nào trong lòng cũng trải rộng thênh thang để ký ức tươi tắn ấy ùa về cho được, nhất là giữa ngồn ngộn công việc của hiện tại, của những lo toan tất bật cho kịp dòng chảy hối hả của cuộc sống nơi Sài thành. Có lúc tôi thấy mình ngụp lặn trong những bi quan, không ít khi lòng dạ cũng hẹp hòi với những tủn mủn của con người. Khi ấy, chỉ biết tự khuyên mình bằng lời trong bản nhạc buồn chất chứa của người nhạc sĩ tài hoa Vũ Thành An: “Hãy cứ yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua!”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đứng trong căn hộ giữa khu sầm uất nhất nhì của thành phố, tôi chỉ tay về phía những tòa nhà cao tầng, nói với chị: “Chị thấy không, có rất nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị lớn bé đủ cả ở quanh đây, chỉ vài bước chân là thứ gì cũng có nên chị đừng mang đồ ăn lên cho em mà cực thân”. Tôi nói xong lập tức thấy những cái bánh tét, bánh giò chị tự tay gói, luộc cả đêm còn nóng hổi bỗng trơ ra, thừa thãi đến tội nghiệp, và cả thấy mình lỡ lời.

Từ ngày bố mẹ mất, tôi như trôi giữa dòng đời, dù rằng kể cả khi còn bố mẹ, tôi vẫn “trôi” không khác gì. Nhưng ít nhất tôi còn một nơi để về, để yên tâm rằng dẫu cuộc sống có khó khăn ngột ngạt đến đâu thì mâm cơm mẹ nấu luôn chờ sẵn nơi góc bếp, cái võng bố mắc bên hông nhà như một bàn tay vỗ về chờ đợi. Tôi ít về nhà hẳn. Chị dâu là người hiểu được cú sốc tâm lý ấy nên chị thường xuyên lên thăm tôi, dặn dò những thứ cần thiết.

Tôi mở tủ lạnh lấy cho chị ly nước mát, thoăn thoắt chọn một đòn bánh tét cắt ra, ngồi ăn. Bánh chị gói nếp mềm, dẻo, nhân đậu xanh và thịt heo nhà nuôi từ rau, cám nên mùi vị ngọt, thơm. Chỉ có điều, tôi xót khi nghĩ đến cảnh chị dâu vất vả gói bánh. Chị thì bảo: “Ở ngoài có đủ nhưng ăn không an toàn bằng ở nhà làm em ạ!”.

Tôi hiểu, nó ngon còn vì nhiều lẽ lắm, trên hết cả là cái tình của người làm ra nó, mà dù có tiền cũng không thể mua được.

2.Dù nghĩ vậy nhưng tôi đã không nói ra. Ngôn từ mà tôi muốn nói với chị được thay bằng hình ảnh miếng bánh cuối cùng trong đĩa hết nhẵn, dù tôi biết sau khi chị về, tôi phải hì hục chạy bộ trên máy để giảm cân. Lượng tinh bột của đòn bánh tét bằng với số khẩu phần ăn mấy ngày của tôi.

Chị sẽ chẳng hiểu người thành phố bây giờ ngoài cơm áo gạo tiền còn phải chật vật với việc ăn uống sao cho khoa học, cho khỏe mạnh. Có những người bạn của tôi đang đi giữa thanh xuân, tương lai phơi phới, đành phải dừng lại, đứng bên lề đến héo hắt do một va chạm nhẹ nhưng làm ảnh hưởng đến hoạt động của nửa thân người. Vài năm trời chỉ để tập những bước đi, tập cầm nắm những thứ đồ trẻ con ngày xưa chơi.

Cũng có những người chẳng va chạm gì, cũng phải dừng lại vài năm để làm cái việc mà thế hệ trước chẳng bao giờ phải làm là giảm cân. Cũng mất đâu cả năm hơn mới hoàn thành được nhiệm vụ. Số thời gian đó, nếu tính ra tiền thì sốt ruột lắm. “Người cứ phải đầy đặn, mỡ màng một chút nhìn mới tươi tắn, cứ nhìn mấy cô người mẫu cao lêu nghêu trên truyền hình mà… đau tim vì không biết lúc nào thân hình đó đổ sập xuống”, chị nói vậy khi biết tôi ăn uống kiêng khem để giữ cân nặng ổn định.

“Cô sống một mình, dù gì cũng phải giữ sức khỏe”, tôi hiểu ngọn ngành cái câu nói của chị nhất, sẽ có 2 vế, một là nhắc nhở sức khỏe, vế còn lại là khuyên nhủ lấy chồng đi. Khi ấy, tôi cảm giác cái bao mình đang vác trên vai như nặng hơn, nó làm lưng tôi muốn còng xuống, cơ chân run lên báo hiệu nó có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Nếu không nhìn ra bầu trời xanh với những vệt mây như vảy cá khổng lồ ngoài song cửa, tôi đã nghĩ mình không tồn tại.

Nhưng cũng có lúc tôi nằm sập xuống nền nhà, nghiêng đầu ngắm nhìn đám “vẩy cá” đang lững lờ khuất vào những tòa nhà trọc trời, lại thấy người mình trơ ra, cổ họng khô khốc. Khi ấy, tôi thèm đến cháy bỏng một áng mây trôi giữa không trung, nơi chỉ có núi đồi, sông nước, cánh đồng mà không có bất cứ khối bê-tông vô cảm nào chắn ngang.

3. Dù ngán ngẩm đến vậy nhưng mỗi sáng, tôi vẫn bị khối bê-tông ấy nuốt vào trong tòa nhà hơn 30 tầng nơi làm việc. Dưới hầm xe, những con người khô queo làm việc như một cái máy: quẹt và đưa thẻ, ngày nọ qua ngày kia, không thấy ánh mặt trời.

Tôi họp ở tầng 18, đó là một căn phòng họp theo dạng bàn tròn thân thiện, vẫn đỡ hơn những buổi họp mang tính tầm cỡ nhưng không có sự tương tác khi mà chỉ có người trên bục được nói. Phòng họp máy lạnh mát rượi nhưng vẫn chẳng làm sáng bừng lên những khuôn mặt còn ngái ngủ, phần nhiều trong số đó dán mắt vào màn hình điện thoại cả lúc đi đứng hay đã yên vị. Có thể là giải quyết công việc dang dở hay vừa mới phát sinh trên đoạn đường đến đây, cũng có khi chỉ là game, hay tệ hơn nữa là vì chẳng muốn giao tiếp cùng ai. Tôi nằm ở số “tệ” đó!

Dù vậy, không ít lần trong cuộc họp, tôi tự hỏi mình rằng những khuôn mặt đồng nghiệp đó, trạc tuổi nhau đó, sao chúng mình không thể mời nhau đi ăn, hay uống tách trà nóng với nhau ở một không gian ấm cúng khác; để nói với nhau nghe những chuyện chẳng dính đến công việc; hay chỉ là hỏi thăm về nhau như tận đáy lòng từng mong muốn… Điều đó từ bao giờ trở nên quá khó. Nhất là khi những khuôn mặt đó ít nhiều gì đã để lại trong lòng nhau những vết xước sau va chạm công việc, tuy nhỏ thôi nhưng ai nấy co rúm người lại trong trạng thái đề phòng để tránh mang phiền phức về cho mình. Mỗi người đều tỏ ra tất bật cả khi họ nhàn rỗi nhất, như một thông điệp chối từ bất cứ cuộc hẹn ngoài công việc nào. Khi ấy, tôi thèm một tiếng gọi giữa bãi xe mênh mông.

4. Những khi người tôi khô khốc ra với nỗi ám ảnh bê-tông và những khuôn mặt lạnh, Khải - ở tuổi ngoài 40, anh đủ từng trải để biết cách cất cánh cho lời khuyên, kéo tôi ra những bi quan. Khải nói: “Đến một tuổi nào đó mối quan hệ của mỗi người đều co cụm lại, không có nghĩa là họ cô độc mà nên như vậy. Chỉ cần nhích hơn con số “một mình” là được. Chúng ta cũng đâu có thời gian cho quá nhiều!”. Anh còn bảo: “Anh sẽ lo được cho em cuộc sống với mảnh vườn, đàn gà…”.

Tôi cũng từng nghe về viễn cảnh đó, một ngôi nhà đơn giản giữa những lùm cây, nơi có thể nghe tiếng suối chảy róc rách và tiếng lá đổ khi thay mùa. Với Khải, tôi càng có niềm tin mãnh liệt vào người đàn ông này.

Nhưng niềm tin đó vụt tắt trong ánh đèn nhập nhòa nơi quán cà-phê guitar mà Khải vừa là chủ quán vừa là tay đàn chính. Tôi vẫn còn nhớ những ngón tay chai sần của anh còn hằn sâu những dây đàn cho bản guitar classic khi đang luồn chúng qua những ngón tay tôi, ở một góc khuất kín đáo, khi ấy, người phụ nữ xuất hiện và điều khiển anh rời chỗ ngồi chưa kịp ấm đó.

Anh lách mình qua cánh cửa gỗ khép hờ, một phần mái tóc của anh rũ xuống, đẹp mê hồn như những lần anh chào khán giả khi vừa kết thúc bản nhạc. Vẻ nghệ sĩ đó đã cuốn hút tôi từ lần gặp mặt đầu tiên. Thì ra, tôi không phải ngoại lệ mà còn nhiều cô gái khác cũng cùng cảm xúc.

Tôi có một nguyên tắc với mình, đó là không bao giờ để mình trở thành người thứ ba. Điều đó chắc chắn là không tốt cho cả ba. Đến khi người phụ nữ ấy xuất hiện, tôi có thêm chiêm nghiệm dẫu đã rất quen thuộc: thứ gì không thuộc về mình thì mãi mãi không phải là của mình. Tôi chặn đứng mọi liên lạc với Khải.

Tôi bỏ hẳn thói quen ngồi cà-phê. Ngoài giờ làm việc, giải quyết những công việc bên ngoài, tôi chỉ mong thật nhanh về nhà, ngả người trên chiếc giường quen thuộc, gảy mấy phím đàn đã gần ráp thành bài hát mà tôi tự học sau những buổi tối nhàn rỗi khi trống những cuộc hẹn, nghe một điệu nhạc và nếu có mưa nữa thì càng hay, chỉ có vậy.

5. Tôi không hẳn là có khiếu cho môn guitar, dù thật lòng yêu nó. Khi những dây đàn rung lên, từng âm thanh luôn gợi lại cho tôi về một ký ức thân thương mà tôi không tài nào nhớ ra cho ngọn nguồn, chỉ biết là nó ngọt ngào và trìu mến lắm! Những đêm mưa, tôi sẽ không biết làm gì để thời gian trôi qua nếu không có tiếng đàn.

Nhưng giờ đang là mùa mưa nên những cơn mưa dai dẳng nối sang ngày.

Một buổi tối, tôi quyết tâm ôm đàn đi học. Tôi nghĩ mình cũng nên đàn cho ra ít nhất là một bản nhạc trọn vẹn, nghe được. Tôi đã kịp nhìn thấy bảng hiệu dạy đàn ở khu cư xá cũ mà vài lần tôi có đi ngang, tiếng guitar thu hút sự chú ý, dẫn ánh mắt tôi quay vào. Đó không hẳn là một lớp học, chỉ là căn phòng lụp xụp nằm trong cư xá đã xuống cấp. Nền nhà bằng sát với vỉa hè và lòng đường nên chỉ cần có cơn mưa lớn là nước ngập lênh láng.

Hôm tôi đến, cái bảng hiệu lệch hẳn sang một bên, dòng chữ được ghi bằng tay đã nhòe nét bởi bụi mưa tạt vào. Riêng hôm ấy trời không mưa và không có một học viên nào. Tôi đã lưỡng lự quay về nhưng nghĩ đến công đi bộ đến đây nên tôi nán lại.

Phía sau bức rèm, người đàn ông có mái tóc dài như nghệ sĩ, đang loay hoay tập đánh vần cùng đứa trẻ.
Thấy có tiếng động, người đàn ông đi ra. Bốn mắt chạm nhau ngỡ ngàng. Là Khải.

Cái khoảnh khắc ấy thật lạ, tôi vẫn nhìn thấy Khải tóc dài, cặp mắt đa tình lúc nào cũng như đang cười nhìn xuống hàng ghế khán giả, cả khi những ngón tay điệu nghệ của anh chạm vào dây đàn, Khải như một ông chủ đầy quyền lực để những dây đàn răm rắp nghe theo anh, ngân lên những giai điệu đầy mê hoặc, nhấn chìm cả không gian vào những bản tình ca bất hủ. Để rồi, khi nốt đàn cuối cùng vừa dứt, cả không gian cũng ngưng đọng, ngỡ như có bàn tay nào đó vừa nhẹ nhàng đặt vào những góc khuất thầm kín nơi con tim mình mà vỗ về, yêu thương. Đấy, tôi đã nhìn thấy một Khải như thế, tại khoảnh khắc mà không gian và thời gian đều khác xa này.

Đứa trẻ tuột khỏi thành giường sau bức màn khép hờ, chạy ra, khuôn mặt bầu bĩnh của nó nhìn tôi không chớp mắt. Vẻ như cái miệng bé xíu xinh xinh của nó sắp bật ra một câu hỏi nào đó, Khải đã nhanh hơn:

- Cô My đến thăm mình nè con!

Giọng của Khải như thể tôi là khách thường xuyên đến nơi này. Điều đó khiến tôi hơi bối rối, nhưng không hiểu sao tôi lại bật lên một câu hỏi, khẳng định những gì Khải vừa nói với con bé:

- Cô My nè, con nhớ cô My không?

Vừa dứt câu, tôi nhận ra mình lừa con bé. Chúng tôi chưa từng gặp nhau. Có chăng chỉ là khi người phụ nữ ấy xuất hiện, đứa trẻ khi ấy chỉ mới kịp hình thành.

Cả tôi và Khải cùng nhìn con bé, chờ đợi. Nó chớp đôi mắt to tròn:

- Con quên rồi… nhưng mình làm quen lại từ đầu nha cô?

Khải và tôi nhìn nhau, ngỡ ngàng.

Hôm ấy, cơn mưa nặng hạt kéo dài đến tận khuya. Con đường phía trước nhà Khải biến thành dòng sông không một bóng người qua lại.  

6. Nghe tôi đưa bạn về nhà, chị dâu mừng lắm. Chị gọi điện mấy lần chỉ để hỏi có nên ra thị xã thuê cái bàn về kê lên nhà trên ngồi ăn cơm cho lịch sự không, chứ gian bếp nhà mình có mỗi tấm phản vậy, để khách ngồi ăn cơm có hơi ngại.

Tôi nói không cần, tôi thích ngồi trong căn bếp ấm áp đó, giống như ngày xưa mỗi lần về. Hơn nữa, Khải với bé Na giờ cũng đâu phải là người ngoài.

Chuyến xe về quê hôm ấy rộn rã tiếng cười của trẻ nhỏ. Bên vệ đường, từng chùm nhãn chín mọng, đu đưa theo từng đợt gió trong làn mưa bụi, nếu có thể nghe được thanh âm đó, tôi đoán sẽ là một giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn như điệu valse chẳng hạn.

La Thị Ánh Hường
 

;
;
.
.
.
.
.