Kỹ năng an toàn mạng xã hội cho giới trẻ

.

Việc tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm, ngày hội về an toàn mạng đã giúp nhiều thanh niên, học sinh (HS) trang bị kỹ năng, kiến thức tham gia mạng xã hội (MXH) trong giai đoạn hiện nay…

Học sinh Sơn Trà tìm hiểu về Luật An ninh mạng qua các tờ rơi.  Ảnh: T.T
Học sinh Sơn Trà tìm hiểu về Luật An ninh mạng qua các tờ rơi. Ảnh: T.T

Tại buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề an toàn mạng cho HS diễn ra tại Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà) giữa tháng 5 vừa qua có sự tham gia của nhiều HS các trường THPT trên địa bàn quận. Trong vai trò là người trả lời những thắc mắc của các bạn về vấn đề an toàn mạng, Phan Mai Thảo Hà (học sinh lớp 11) đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc truy cập vào các trang MXH.

Theo Thảo Hà, MXH đã mang đến cho HS các cơ hội được học hỏi, giao lưu, kết bạn. Không những thế, các bạn còn có thể tận dụng MXH để tìm kiếm thông tin hoặc kết nối với ba mẹ, người thân nếu có sự cố xảy ra mà không liên lạc được bằng điện thoại.

Ngoài những mặt tích cực thì Thảo Hà cũng nhìn nhận rằng, tham gia MXH tiêu tốn khá nhiều thời gian cũng như khó kiểm chứng thông tin và dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo… “Các bạn không nên chia sẻ quá nhiều thông tin lên MXH cũng như không click vào những thông tin vô bổ, độc hại và kiểm soát được thời gian “lên mạng” mỗi ngày”, Thảo Hà nói.

Tham gia thảo luận về chuyên đề an toàn mạng do Cung Thiếu nhi Đà Nẵng tổ chức hồi tháng 4, Nguyễn Thụy Huyền Trân (HS lớp 8, Trường THCS Hoàng Diệu, quận Thanh Khê) cho biết: “Em học được cách sử dụng MXH an toàn thông qua các trò chơi và chia sẻ của chuyên gia, biết được những lợi ích cũng như rủi ro, hiểu thêm về Internet để từ đó sử dụng hiệu quả MXH và bảo vệ chính mình”.

Bên cạnh đó, Huyền Trân mong muốn trong tương lai sẽ trở thành một tuyên truyền viên để truyền đi thông điệp cũng như những hiểu biết mà mình được nghe, được học cho bạn bè để cùng nhau sử dụng MXH hiệu quả.

Trong thực tế hiện nay, việc HS truy cập vào các trang mạng để lấy dữ liệu và tìm kiếm thông tin là việc làm khá thường xuyên. Tuy nhiên, việc các em lên mạng một cách thường xuyên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập. Đó là chưa kể, hiện nay có rất nhiều trò chơi điện tử lôi cuốn sự tò mò của trẻ cũng như nhiều website “đen” chứa các nội dung phản cảm gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ mà người lớn không thể kiểm soát hết.

Trước những thách thức, nguy cơ gây ra cho giới trẻ từ MXH, thời gian qua, đồng loạt các quận, huyện Đoàn trên địa bàn thành phố đã chủ động nhập cuộc, tận dụng lợi ích của môi trường mạng để tuyên truyền, định hướng lối sống trong thanh thiếu niên; từ đó chủ động xây dựng các chương trình về an toàn mạng, tổ chức các buổi tọa đàm, các sân chơi phù hợp để trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng cho thanh niên, HS.

Thành Đoàn Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Cung Thiếu nhi Đà Nẵng và dự án “Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng” (thuộc World Vision Việt Nam) tổ chức nhiều diễn đàn đối thoại để thanh niên, HS có cơ hội trao đổi kỹ năng phòng chống tình trạng xâm hại trẻ em qua mạng.

Là đơn vị triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông về an toàn mạng cho HS, anh Phạm Đình Nam, Bí thư Quận Đoàn Sơn Trà bày tỏ: “Việc nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên, HS về an toàn mạng là một trong những nội dung được Quận Đoàn Sơn Trà tập trung thực hiện trong năm 2019. Bằng việc đổi mới hình thức tuyên truyền, với điểm nhấn là làm thay đổi nhận thức, cách tiếp cận của thanh niên đối với MXH, chúng tôi hy vọng sẽ giúp thanh niên, HS hiểu rằng họ phải là chủ nhân chứ không phải là nạn nhân của các trang MXH”.

Bà Nguyễn Lê Hồng Phúc, cán bộ dự án “Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng” khẳng định: “Không phủ nhận MXH có nhiều ưu điểm nổi trội, song, mặt trái của nó đã gây ảnh hưởng đến thanh thiếu nhi, trong khi hiện nay, nhiều trường học chỉ mới dạy cho HS kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chưa dạy về cách sử dụng mạng an toàn”.

Bà Hồng Phúc cũng cho rằng, việc bảo vệ trẻ khỏi bị tổn thương trước những nguy cơ từ MXH cần có sự chung tay của cả cộng đồng, gia đình, nhà trường và chính bản thân các em. Bởi, nếu bản thân các em biết cách bảo mật thông tin, nghiên cứu kỹ các trang MXH trước khi sử dụng, nhà trường có những khuyến cáo, nhắc nhở thuyết phục, gia đình có những kiểm soát nhất định thì các tác hại ngoài mong muốn của MXH sẽ ít có nguy cơ xảy ra.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.