Ký ức ga xưa

.

“Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay”! Đời người, hẳn ai cũng đôi lần làm hành khách trên cuộc hành trình dọc sân ga, dù ngắn dù dài. Trong cuộc đời của mình, sân ga không đếm được đã đón và đưa bao nhiêu lượt người đi về với muôn vàn trạng thái: bình an hay âu lo, nụ cười và nước mắt… Chỉ có một điều chắc chắn rằng, qua tháng năm, sân ga vẫn vậy, nhẫn nại và bao dung với những cuộc tiễn đưa, tao ngộ trùng phùng!

Chiếc đèn dầu trên sân ga Huế . Ảnh: P.V.Y
Chiếc đèn dầu trên sân ga Huế . Ảnh: P.V.Y

Cuộc sống tất bật, không phải ai cũng có thời gian để ngồi lại với sân ga nhưng hẳn sẽ không ai hối tiếc nếu một ngày nào đó, dành đôi phút ngồi lại nơi này, nghe tiếng còi tàu vang vọng, nghe tiếng bước chân lữ khách và tiếng chào mời đon đả của những hàng quán nhỏ nhắn với những người bán hàng chất phác, câu chuyện bên cốc nước chè xanh, điếu thuốc lào hay cái kẹo lạc cỏn con sẽ thấy lòng mình thênh thang đến lạ.

Như mọi bận, những ngày lòng ngổn ngang, tôi lặng lẽ nhảy chuyến tàu cuối chiều, xuôi Hải Vân trở về, lặng lẽ chọn một góc quán cóc quen bên sân ga Huế. Cơn mưa rào ban chiều vẫn còn vương hơi ẩm ướt. Ngọn đèn dầu của góc quán hàng nước chỉ đủ soi rõ cốc trà ướp vội, ngắm dòng chữ Ga Huế đỏ đằm trên ngôi nhà ga đã cũ, nôn nao nhớ về một thời quá vãng. Nghe tiếng còi tàu vang chói, tiếng bánh tàu nghiến vào đường ray ken két, giọng cô nhân viên ngòn ngọt cất lên thông báo tàu về ga... Ký ức xưa ùa về thật gần như vừa mới qua những tháng năm sinh viên trọ học.

Tàu dừng ga Huế không lâu. Chừng dăm bảy phút vỏn vẹn tàu đến rồi đi. Nhưng tôi đồ rằng, trên sân ga ấy hẳn có thật nhiều kỷ niệm. Những cuộc tiễn đưa buồn bã và hy vọng; những cuộc trở về lâng lâng cảm xúc hạnh phúc, lặng thầm… Ở đó, tôi từng gặp một người đàn bà khắc khổ, quê tận Hà Nam, đôi bàn tay không còn móng có lẽ do vật lộn với cuộc mưu sinh trên đồng ruộng. Giữa thời đại công nghệ số, bà không có điện thoại. Bà để nhỡ chuyến tàu trước đó tầm dăm bảy phút, nên phải đợi đến 5 tiếng sau mới có chuyến tàu gần nhất để trở về quê. Tôi không biết những giờ phút đợi chờ của bà trên sân ga ấy lâu đến chừng nào đối với một người nông dân lần đầu đi xa, nhưng tôi biết, bà cũng như sân ga đều có chung sự nhẫn nại đợi chờ…

Ở đó, tôi bắt gặp những phận người vất vả với áo cơm bằng nghề bán thuốc lào, kẹo lạc, thuốc lá, cà-phê cóc hoặc vài thứ quà vặt khác như bánh bèo, nậm, lọc, mè xửng... Họ bán buôn với giá cả phải chăng, đôi khi đáp trả sự ngạc nhiên của lữ khách về mức giá rẻ của những món quà vặt bằng cái giọng Huế thật ngọt: “Lời hung cũng không giàu bền!”. Tôi không biết họ bằng lòng với cuộc sống đó hay đời sống bắt họ phải thế. Nhưng tôi biết, với họ, sân ga đã gần như cuộc đời để gắn bó, như lời một bà lão ngoài 70 tuổi bên chiếc thúng và ngọn đèn đơn sơ bán trứng vịt lộn cho khách đêm: “Ngày còn khỏe mạnh, mệ chạy hàng trên những chuyến tàu chợ ra miệt Quảng Trị, Quảng Bình, một ngày tròn như rứa thì về lại Huế.

Nay đôi chân không còn theo kịp, mệ bày thúng trứng bán cho khách để kiếm thêm thu nhập. Phần khác cũng là thú vui tuổi già. Cả đời mệ gắn với sân ga, với tiếng còi tàu rồi, chừ một ngày không đến ga một lần thấy nhớ lắm”. Mệ vẫn đều đặn đến sân ga mỗi chiều cho đến tận đêm khuya, cũng như những người từng gửi cả thanh xuân lại Huế như tôi, thi thoảng lặng lẽ trở về góc quán nhỏ bên sân ga, lắng lòng sau những âu lo tất bật của kiếp mưu sinh. Duy chỉ có những chuyến tàu chợ đã trở thành quá vãng.

Câu chuyện của mệ bán trứng vịt lộn về tàu chợ dẫn tôi quay về những tháng năm trên ghế giảng đường đại học. Những chuyến tàu chợ chậm rì, lòng người hối hả. Tàu mang tôi về với âu lo của cha những ngày vắt áo lên vai chạy quanh làng vay tiền cho tôi đóng học phí. Tàu mang tôi đi với ánh mắt đầy kỳ vọng của cha về chốn giảng đường giúp tôi thành đạt xứ người. Ngày đó từ miền đất nắng gió Quảng Trị đến Huế chỉ 50 cây số nhưng phải đi qua 10 sân ga.

Tàu chợ với đầy đủ nghĩa thực: khách đông, ghế gỗ cứng ngắc, điều hòa là gió trời xuyên qua ô cửa sắt hình vuông… Mỗi sân ga, tàu dừng cả chục phút để đón tiễn khách lên xuống. Có khi tránh một chuyến tàu ngược chiều, khách phải chờ đến cả tiếng đồng hồ mới tiếp tục hành trình.

Ngày ấy, sinh viên nghèo chúng tôi hay trốn vé, cũng có khi chỉ mua chặng đường ngắn hơn ga Huế đến dăm ba ga để tiết kiệm tiền. Thi thoảng nhân viên toa phát hiện ra điều ấy nhưng chẳng mấy ai nỡ bắt chúng tôi xuống giữa đường, chỉ dặn “lần sau nhớ mua đủ ga đi”, mà chưa chắc cái lần sau ấy họ còn nhớ mặt chúng tôi...

Tàu chợ để lại trong ký ức chúng tôi những dĩa cơm gà vàng rộm, thơm phức khiến lòng nôn nao nhưng không bao giờ dám phung phí món tiền ăn cha cho cả tháng để mua và một hành trình luôn sẵn sàng hai chữ: “đợi tàu”!

Ngày đó, sinh viên chúng tôi tiết kiệm cho nhau bằng cách đứa ở lại cọc cạch đạp xe lên sân ga đón đứa về quê vào. Trên sân ga đêm, dưới cái rét buốt da thịt, cả lũ bạn lúc ấy túm tụm vào nhau, tíu tít xem bạn về quê mang theo được bao nhiêu khoai, sắn, bột lọc, chuối xanh… để ngày mai tan giờ học có thể thỏa thích chế biến ra những món ăn thật tuyệt cho thỏa lòng những ngày mượn tạm nhau gói mì. Sân ga những đêm ấy chứng kiến sự rộn ràng cười vui của những đứa sinh viên xa nhà.

“Chuyến tàu cuối rồi, về thôi con”, mệ chủ quán với tay tắt ngọn đèn dầu, sửa soạn đồ đạc gọn gàng vào đôi quang gánh, cất giọng trầm ấm. Tôi từ chối lời mời mọc của người lái taxi để đón một cuốc xích lô cũ mèm đầy bụi đường trở về điểm trọ.

Ga Huế bây giờ, ngoại trừ những chiếc taxi xanh, vàng, vẫn mang dáng dấp xưa cũ, cũ cả màu sơn. Bánh xích-lô quay chầm chậm, đều đều. Sân ga lùi dần lại. Tôi thầm nghĩ, đời người cũng giống như những đoàn tàu trên hành trình qua những sân ga - nơi ấy luôn chất chứa đủ cả những vui buồn. Tàu không dừng lại mãi mãi nhưng nhất định phải ngang qua. Sân ga là một phần ký ức.

Phan Vĩnh Yên
 

;
;
.
.
.
.
.