Một giọt máu đào

.

Nhung đang lơ mơ ngủ trưa bỗng bị thức giấc bởi tiếng rì rầm ở nhà ngoài, hình như có cả tiếng khóc. Nhung bước xuống giường, hé mắt nhìn qua cánh cửa, nỗi bực bội như trào lên ngực. Ngoài phòng khách, mẹ Nhung đang ngồi đối diện với người đàn bà đó. Người đàn bà mà chỉ cần nghe đến tên thôi đã khiến Nhung căm ghét huống chi là thấy mặt, mà lại là thấy ở trong nhà mình.

“Bố mình mất rồi, mụ ấy còn tới đây làm chi nữa?”. Cái suy nghĩ vì mụ mà mẹ Nhung phải chịu bao sầu khổ, chị em Nhung phải nghe bao lời xì xầm bàn tán đầy mặc cảm tủi hờn khiến đã có lúc trong đầu nó xuất hiện bao suy nghĩ độc ác. Thậm chí, ngày bố mất vì một tai nạn bất ngờ, nó còn không khóc. Lúc đó nó chỉ nghĩ, bố làm khổ mẹ con nó vậy đủ rồi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nó cứ đứng đó cho đến khi những lời trò chuyện dừng lại, người đàn bà đó quẹt nước mắt ra về khuất sau cánh cổng rồi nó mới chạy ra hỏi mẹ:

- Bà ấy đến đây mần chi rứa mẹ?

- Con trai cô ấy bị tai nạn, nghe nói mất máu nhiều, cô ấy đến xin mấy đứa có trùng nhóm máu thì tiếp máu cứu thằng bé.
- Nó có chết cũng liên quan chi đến con.

Mẹ nhìn nó, ánh mắt thôi hiền dịu, rành rọt từng tiếng một: Thằng bé là em con đó, con hiểu chưa?
Nó chạy ra sau vườn, ngồi khóc ấm ức. Người lớn thật không thể nào hiểu nổi. Chẳng lẽ mẹ quên vì ai mà mẹ khổ. Mẹ sinh ba đứa con gái rồi vì sức khỏe không thể sinh thêm. Bố nó vì luôn thèm khát một thằng con trai mà dan díu với người đàn bà đó, dan díu ngay trong làng, ngay trước mặt mẹ. “Em không đẻ được con trai thì tôi nhờ người khác đẻ. Tôi chỉ cần một thằng con trai để sau này nối dõi chứ nhất định không bỏ mẹ con em”. Nó đã nghe bố nó nói rõ ràng với mẹ như thế, như thể hành động đó là một điều rất bình thường, không có gì xấu xa, không có gì phải hổ thẹn.

Hai đứa em còn nhỏ, còn nó thì đã đủ lớn để biết tủi hờn. Nó thương mẹ, nó căm ghét bố và cả người đàn bà đó nữa. Bà ta không lấy chồng nên không hiểu cảm giác của một người có chồng phản bội như mẹ nó đau đớn ra làm sao. Những lời bàn tán xì xầm, những lời trêu chọc của lũ bạn về việc bố nó có một thằng con trai riêng, nó có một đứa em trai cùng cha khác mẹ khiến nó tức đến nghẹn cổ. Trong suy nghĩ của nó, thằng bé là đứa con rơi, đứa con ngoài giá thú, vô thừa nhận. Nó muôn đời cũng không thừa nhận đó là em mình.

Ngày nó chớm vào tuổi dậy thì, biết đỏ mặt tương tư nhung nhớ cũng là ngày bố nó trở về nhà, khuôn mặt rạng ngời niềm hân hoan vì có một đứa con trai. Sự ra đời của một thằng bé mang cùng dòng máu khiến nó cảm thấy tột cùng xấu hổ. Nó đã từng bị bố tát đến tím mặt chỉ vì nói hỗn với bố. Nó đã từng ước giá mà bố mình đi đâu đó thật xa không xuất hiện trước mặt nó nữa. Và rồi bố nó đi thật, vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện trước mặt nó.

Ngày đưa tang, thằng bé được người đàn bà đó đưa đến nhà. Chính tay mẹ Nhung đã chít lên đầu thằng bé vành khăn trắng. Không ai hiểu mẹ Nhung nghĩ gì, nhiều người còn bảo mẹ Nhung là gỗ đá không biết đau. Khi bị bà ngoại hờn trách vì sự bao dung, mẹ Nhung nói với bà: Thằng bé nó có tội gì đâu, nói gì thì nói đó cũng là cha của nó.

Bố Nhung không còn, mọi bàn tán xì xào cũng dần lắng xuống. Hai người phụ nữ vì một người đàn ông, nay người đàn ông đó không còn thì chẳng có gì liên quan đến nhau nữa. Phận ai người nấy lo, con ai người nấy dưỡng.

Đôi bận trên đường đi học về, Nhung đi qua nhà người đàn bà đó. Thực ra thì Nhung có thể đi vòng đường khác, nhưng đường đó xa hơn. Để tiện đường nó thường cố đạp nhanh qua ngôi nhà ấy. Đôi bữa, nó gặp thằng bé đứng ở ngõ, thằng bé có mái tóc vàng hung, cái miệng giống hệt cô em gái út ở nhà. Có lần Nhung thấy thằng bé bị mấy thằng con trai lớn hơn bắt nạt, chúng gọi thằng bé là con hoang và bị đánh. Thằng bé ngồi bệt giữa đường, mặt lấm lem vì bụi bẩn và nước mắt. Nhung định dừng lại nhưng rồi vẫn đạp xe đi, lòng tự nhủ “Nó bị bắt nạt thì liên quan chi đến mình”.

Điều Nhung không hiểu nhất là mẹ. Mẹ bị bố phản bội, ngang nhiên có con với người đàn bà khác, thế nhưng chưa một lần mẹ đi đánh ghen, chưa một lần nói câu nào xúc xiểm đến người đàn bà đó. Lúc nào mẹ cũng dặn chị em Nhung đừng để tâm thiên hạ nói gì, trẻ con chưa hiểu chuyện người lớn. Lúc nào mẹ cũng nói ông trời có mắt, ai đúng ai sai, ai tử tế hay xấu xa trời xanh nhìn thấy cả. Mẹ luôn nói như thể mẹ không đau, không khổ, nhưng đã bao đêm Nhung thấy mẹ ngồi khóc co ro một mình, nhất là những đêm trời mưa gió, bố lại không có nhà. Có lẽ cái suy nghĩ bố đang ấm êm bên người đàn bà khác khiến mẹ càng thêm tủi thân, cô quạnh. Nhung hận bố mười phần thì giận mẹ đến năm phần, không hiểu tại mẹ quá hiền hay mẹ lo sợ điều gì mà cam chịu khổ đau, Nhung thật lòng không hiểu.

Khóc chán, Nhung bước vào nhà, mẹ vẫn còn ngồi ở đó. Mẹ bảo Nhung ngồi xuống ghế, nhẹ nhàng nắm lấy tay Nhung. Đó là lần đầu tiên mẹ nói với Nhung về mẹ con người đàn bà đó mà không có thái độ cáu gắt hay bực bội như mỗi lần trước đây: Con gái, con là chị cả trong nhà, con nhiều tuổi hơn các em, mẹ nghĩ con là người hiểu chuyện. Mẹ thực sự đau lòng khi nhìn các con lớn lên trong tủi hổ vì gia đình không hạnh phúc. Là bố không tốt, mẹ không tốt, cô ấy không tốt. Nhưng thằng bé, nó tuyệt nhiên không có lỗi chi, nó cũng giống như con, không được chọn bố chọn mẹ, không được chọn nơi mình sinh ra. Nhưng dù có nói chi đi nữa thì có một sự thật không thể thay đổi, nó chính là em con. Thằng bé hôm qua chạy chơi ngoài đường, bị xe máy tông phải, mất rất nhiều máu. Bố không còn, nó chỉ còn cách trông cậy vào các con vì các con là chị của nó. Con hãy cùng mẹ đến bệnh viện, nếu kết quả kiểm tra cùng nhóm máu, con có thể cứu thằng bé qua cơn nguy. Một giọt máu đào quý hơn ao nước lã chính là vì những lúc như thế này.

Mẹ còn nói: người đàn bà đó cũng có nỗi khổ tâm, mẹ cô ấy bị điên, đàn ông sợ gien di truyền nên không ai dám lấy. Cô ấy không có ý định giành chồng với mẹ, giành bố của chị em Nhung. Cô ấy chỉ cần có một đứa con để làm nguồn vui, làm lẽ sống cho cuộc đời mình, mặc kệ mọi lời đàm tiếu dèm pha, mặc kệ cả đời không danh phận. Không phải là mẹ không giận bố, không phải mẹ không đau khổ, nhưng có hằn học dằn vặt nhau thì chuyện cũng như thế rồi không thay đổi được nữa. Nếu bố thực lòng vì mẹ, vì các con thì bố đã không làm thế.

Mẹ hận thì ích gì, mẹ khóc thì ích gì, khi mà càng để tâm càng khiến mẹ thêm mệt mỏi. Nỗi hận thù nó đáng sợ lắm, nếu mẹ không thể vứt bỏ nó đi, nó sẽ lủng lẳng trong tim, nó sẽ hành hạ mẹ, và rồi cuối cùng nó sẽ phá hoại cuộc đời của mẹ, cuộc đời các con. Mẹ không muốn mình suốt đời phải khổ sở vì sai lầm của người khác.

Nhung lúc đó không biết nói gì, không định hình được mẹ đúng hay sai, nên hay không nên. Mẹ có thể rút ruột gan ra mà nói với Nhung như vậy có lẽ là vì mẹ coi Nhung là một người lớn. Chả phải mẹ từng nói sau này Nhung lớn mẹ sẽ nói cho Nhung hiểu nguồn cơn mọi chuyện đó sao. Nó để mẹ kéo nó ra xe, chở đến bệnh viện, trong đầu chỉ hình dung đến việc bác sĩ sẽ chọc kim tiêm vào da thịt nó, rồi hút máu ra, chắc sẽ đau lắm, kinh khủng lắm. Nhung sợ, cảm giác bủn rủn ớn lạnh cả người.

Thằng bé nhìn mẹ con Nhung nở một nụ cười yếu ớt. Nhung không nghĩ đến tình huống đó, không nghĩ rằng với một cái đầu được bó trắng toát với thân hình bé nhỏ đang yếu ớt vô cùng vì thiếu máu lại có thể nở một nụ cười vào lúc này. Chỉ một nụ cười mà khiến nó bối rối. Thằng bé nói rất nhỏ: “Mẹ em nói, sẽ có người đến cứu em. Chị đến rồi, chị giống như siêu nhân ý”. Nhung không khóc nhưng cảm giác mắt mình bắt đầu ướt. Không ngờ thằng bé dễ thương đến vậy. Tự nhiên Nhung muốn ngồi xuống, ôm thằng bé một cái, nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn kia một cái, nhưng Nhung không làm được. Trong tâm trí Nhung, thằng bé vẫn là minh chứng cho một nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai, vẫn là đứa em nó không bao giờ muốn thừa nhận. Nó biết rõ mình đến đây không phải vì người đàn bà đó, không phải vì thằng bé mà là vì mẹ, vì mẹ muốn thế.

Nằm nghỉ một lúc sau khi truyền máu, Nhung lại theo mẹ ra về. Khi hai mẹ con vừa tới cổng thì nghe tiếng gọi. Người đàn bà ấy chạy theo, ánh mắt chứa chan niềm biết ơn. Rồi bất ngờ Nhung bị bó chặt trong vòng tay của người đàn bà nó đã từng rất căm ghét: “Cô cảm ơn con, cô có lỗi với con”. Nhung vùng ra, trèo lên xe giục mẹ về, có cảm giác người đàn bà ấy vẫn đứng đó nhìn theo cho đến khi mẹ con Nhung đi khuất.

Chiều nay Nhung đi học về, thấy thằng bé đứng chờ trước cổng. Trên tay nó cầm một bọc kẹo nhỏ. Nó mừng rỡ khi thấy Nhung, chạy đến đón xe Nhung vội đến nỗi suýt ngã. Nhung hỏi nó, giọng lạnh lùng:
- Mi mần chi ở đây rứa?

- Mẹ dặn em đừng đến đây, chị sẽ không thích nhưng tối qua sinh nhật em, em để dành kẹo cho chị.
Thằng bé nói xong, lúi húi mở chiếc túi ni-lon nhỏ có rất nhiều kẹo sô-cô-la trong đó ra khoe. Rồi như sợ Nhung không nhận, nó bỏ nhanh vào giỏ xe đạp rồi ù chạy. Nhung nhìn theo nó, dáng lũn cũn loắt choắt trông vừa buồn cười vừa đáng yêu. Nó nhận ra từ hôm gặp thằng bé ở bệnh viện, nó không còn thấy khó chịu với thằng bé nữa. Điều đó thực sự khiến nó cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Mẹ nói đúng rồi, tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ nhưng ít nhất nó có thể khiến tương lai tốt đẹp hơn. Tha thứ là cách nhẹ nhàng nhất để chữa lành những vết thương thay vì khoét sâu nó ra bằng thù hận.

LÊ GIANG
 

;
;
.
.
.
.
.