Nỗi quê

.

“Con cá gô bỏ vô gổ, kêu gột… gột…”

Anh Thậm quơ cây gài cửa, vọt ra ngõ. Mấy đứa nhỏ chòng ghẹo vội ù té chạy. Thường những lúc như vậy, chị Ba Cần Thơ chỉ ngồi tỉnh rụi, đã thế miệng lại có vẻ cười cười. Do vậy lâu dần, câu nhại của bọn trẻ về cách chị Ba phát âm theo người miền Tây lại thành ra châm chọc ngay anh chồng, một người địa phương chính hiệu!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Năm đó, đùng cái chúng tôi khám phá ra trong xóm chài mình ở, có một người không phải dân gốc địa phương. Đó là một phụ nữ đẹp, hiền lành và ít nói. Tuy không có khăn rằn luôn vắt vai, nhưng theo cách phát phụ âm rờ thành gờ… như “Con cá gô bỏ vô gổ, kêu gột… gột… !”, chúng tôi biết chị người Nam bộ. Rõ ràng hơn là ở “Tây Đô” với cách gọi mãi thành tên sau này: Chị Ba-Cần-Thơ.

Chẳng biết bằng cách âm thầm nào, chị Ba đã lọt thỏm về giữa cái xóm chài đầy cục cằn hiếu động này như chiếc lá rơi vào biển sóng. Chỉ họa hoằn lắm, chiếc lá ấy mới lại trồi lên bởi sự trêu ghẹo quá quắt của bọn trẻ và cách trả đũa có phần cục cằn, náo động của anh chồng chị. Dưới mắt mọi người ở đây, việc nhập cư về xóm chài của chị với lý do giản dị là “theo chồng”. Tôi ở sát nhà anh chị trong xóm Chồ(*), hai bên chỉ cách nhau một vách ván nên biết rất rõ. Nhà có ngạch, vách có tai, qua những lần cãi cọ, bóng gió giữa hai vợ chồng, tôi còn biết mang máng thêm rằng: Trước đây gia đình chị Ba làm việc trong chế độ cũ, chồng đi học tập cải tạo sao đó, chị lấy anh và theo ra ngoài này…

Trên trời có cây hóa kiểng… ơ… hờ… !
Dưới biển ờ… có cá hóa long…
Con cá lòng tong… ẩn móng ăn “gong”… hờ…ờ…
Anh đi… Lục tỉnh giáp vòng… ờ…
Tới đây trời khiến ơ hơ hờ… đem lòng… đem lòng mà thương em…!

Tiếng ru đứa bé bên kia vách ván vọng sang làm tôi buồn lây theo cái giọng khi lên bổng, lúc xuống trầm của chị Ba. Nỗi buồn không chỉ từ ý nghĩa thật lòng trong câu ca dao mà còn ngay ở âm điệu ru ngái ngủ đến mỏi mòn. Nghe loại câu ru này, tôi biết ngay là anh Thậm không có bên nhà. Có anh thì sẽ không có những câu ru đặc hiệu miền Tây “gạo trắng, nước trong” như vậy. Chị Ba chỉ được hát ru các câu nói về, thuộc về nơi chôn nhau cắt rốn đó của mình vào những lúc không có chồng!

Câu ru đang chơi vơi bỗng đứt quãng, như cassette hát bị ngắt điện giữa chừng. Bên nhà bỗng có tiếng anh Thậm ồm ồm vỡ ra: “Xe khách ế ẩm, về đến nhà còn nghe ru theo cái điệu… phát rầu !”. Liền sau câu nói đầy bực dọc kia là tiếng đập nón, rồi dường như cởi áo của anh Thậm. Chắc anh nghỉ đạp xích lô, vừa về tới thì “đụng” phải câu ru của chị Ba. “Gu vậy mà con bé cứ khóc nhèo nhẹo, không chịu ngủ, nữa là… !”, có tiếng chị ngập ngừng phân trần. “Ở sát mép biển mà ru thì đâu mãi… Lục tỉnh giáp vòng! Ru kiểu như bà, ông… nội tui cũng không ngủ được lận… kể chi nó!”. “Biết gì gu nấy, chớ… nói như anh !?”. Giọng chị Ba lại vọng sang nghe nhẫn nhịn. “Biết,  biết…! Tui thấy bà ở cái đất duyên hải này hằng bao nhiêu năm trời, có thèm biết, thèm hát hỏng gì nơi đây đâu? Hễ mở miệng ra thì hết Dáng đứng Bến Tre lại tới Lục tỉnh giáp vòng… Cần Thơ gạo trắng… Nhớ thì cứ nói nhớ mẹ nó đi cho rồi, còn bày đặt lý sự!”. “Ơ hay! Khi không cái vậy hè…?”. Bên này vách tôi biết, đã đến lúc hai vợ chồng bắt đầu cãi nhau.

Bao giờ cũng vậy, sự bất hòa giữa họ thường bắt nguồn bóng gió từ nơi chôn nhau cắt rốn của chị. Nơi mà gần đây có lần chị tâm sự với tôi: Chồng cũ chị cải tạo đã trở về, lỡ làng bởi chị và hiện vẫn còn thui thủi một thân. Và đó cũng chính là nguyên nhân xa xôi khiến từ sau giải phóng đến giờ, anh Thậm đã tìm mọi cách “bít đường” về thăm quê của chị. Chẳng những thế, anh còn tỏ ra ghen hờn, nghi ngại cả đến lời hát, câu ru dính dáng đến vùng đất ấy, con người ấy….

“Anh ghen bậy ghen bạ chớ đời nào tui lại như thế! Đàn bà khi đã lập gia đình gồi thì ví như ván đã đóng thuyền, một lòng một dạ với chồng con hiện tại…”. Xem ra thì anh Thậm trước sau gì vẫn không tin như lời chị tâm sự với tôi. Bằng chứng mới nhất là sự cãi cọ “xa xôi” đang tiếp tục phía bên kia vách. “…Ai không cho bà về? Nhưng bà về, cha con tui sẽ ra sao? Ai coi con Nhàn cho tui đạp xích lô nuôi tụi nó? Tất cả đi há? Tiền đâu tàu xe, chi phí cho cả ngần này người vào trong ấy?…”.

Và cũng như mọi lần, cả một lô lý lẽ chắc nịch, thuần kinh tế của người là chủ hộ ấy đã nhanh chóng dập tắt những hy vọng của chị Ba. Có còn chăng chỉ là tiếng khóc tấm tức lẩn chìm dần vào những câu ru mang đầy âm điệu, màu sắc của quê hương anh Thậm. Những ca dao, bài hát về vùng duyên hải phần nào khô khan mà tôi biết, anh đã làm như vô tình mua vứt đầy nhà, hòng tranh giành ảnh hưởng với hồi tưởng về quê hương nơi chị. Và cũng tất nhiên, chị chỉ hát ru mấy bài hát đó khi có anh ở nhà mà thôi!

Thật không gì thú vị bằng mình làm thơ, viết văn đăng báo lại có người láng giềng thích đọc báo, xem văn. Tôi có được cái sung sướng ấy. Ở xóm nhà Chồ này, ngoài những quan hệ cần thiết, chị Ba ít giao du với ai. Khác với anh Thậm nếu không đạp xích lô thì nhậu nhẹt, chị Ba thường trút hết giờ rảnh rỗi của mình vào việc đọc báo, đọc sách. Nhất là những sách báo có nội dung dính dáng về miền Tây Nam bộ, quê hương chị.

Biết được tâm trạng này, tôi thường cho chị mượn tất cả sách báo nào có dính dáng đến nỗi hoài hương của chị. Âu đó cũng là cách để gián tiếp giúp chị có được một thoáng quê nhà trong lòng cái xóm Chồ chát nồng nắng gió này.

Một tối, lúc tôi đang ngồi trước bàn viết lắng nghe thủy triều lên óc ách dưới chân nhà chồ thì bên kia vách, bỗng có tiếng khê nồng giọng rượu của anh Thậm: “Nhà thì xích lô mà lúc nào cũng cứ như là nơi ở của văn nhân, thi sĩ, sách vở đầy nhà!”. Rồi vẳng lên tiếng lạch phạch của mấy tờ báo phợp xuống mặt bàn. “Lại còn tờ gì đây nữa…? Ợ… Sông… Hậu…! Sông Hậu, sông Tiền cái… con c! Xác ở đây mà hồn lúc nào cũng tơ tưởng đến sông rạch với kênh ngòi!”.

Nghe giọng nói, bên này tôi biết rằng anh Thậm đã say và lại thấy lo giùm chị Ba, cùng “số phận” tờ Sông Hậu mình vừa cho chị mượn. “Thì… em cũng phải xem tí đỉnh cho… vui chớ!”, chị Ba nhỏ nhẹ nói. “Biết cho vui hay cho… buồn?! Vui sao tui thấy báo Duyên Hải tỉnh này, bà có bao giờ đọc đâu, hử ?”. “Thì… báo nào có trong nhà mà em chẳng đọc, giêng gì báo…”. “Thiệt hử? Được rồi, để mai tui đặt báo tháng An Ninh và Duyên Hải tỉnh này để xem bà có đọc không cho biết! Nhưng trước mắt thì… dẹp mẹ ba cái tờ báo thơ truyện lăng nhăng kia cho tui nhờ, có được không?”. Trả lời cho câu vừa hỏi vừa ra lệnh của anh là tiếng khóc tấm tức của chị Ba. Bên này vách ván nghe vậy, tôi cũng giật mình khẽ khàng buông viết. “Chẳng rõ anh Thậm có biết mấy tờ báo kia là của tôi cho mượn hay không?”.

Cũng phải nói thêm rằng vợ chồng anh Thậm, ngoại trừ những lần lục đục mang tính hờn ghen ra, họ rất thương yêu nhau. Nếu quá khứ là bóng mây thường hiện ra trên tình yêu họ, thì giận hờn lại giống như những cơn mưa chợt đến, chợt đi nơi vùng đất mà hai vợ chồng hay “đụng chạm” tới. Những buổi chiều rảnh rỗi, thuận hòa, nhìn mấy mẹ con chị tíu tít trên xích lô và anh vừa cười vui vẻ vừa nhoi người đạp, đưa cả nhà đi dạo phố, ai cũng phải thèm cái hạnh phúc đơn sơ, giản dị ấy! Hằng ngày anh vừa chạy xích lô, vừa “chạy… mánh” để nuôi gia đình. Còn chị Ba ngoài việc trông con ra, khỏi phải làm gì cả dù trước kia nghe đâu, chị cũng người buôn bán rất giỏi giang.

Nhưng để hạn chế đến mức tối đa sự quan hệ, “dòm ngó” từ cánh đàn ông trong xóm, trong vùng tới người vợ khá đẹp của mình, anh Thậm đã “bao sân” cho cả nhà về việc áo cơm, kinh tế. Dù có lúc anh khổ còn hơn… trâu! Bây giờ cùng với sự ghen bóng ghen gió, anh đã “bao” luôn cả… đời sống tinh thần cho chị. Quả thật vậy, chừng tuần sau buổi tối kia, thằng nhỏ con nhà anh đã kể cho tôi nghe tường tận chuyện một vụ án đăng trên báo An Ninh số mới nhất. Nghe vậy thằng bé kể và các sinh hoạt mang tính “cập nhật” những tin tức trên mấy báo ở đây cùng bạn bè trong xóm của nó, tôi biết rằng anh Thậm đã đặt mua báo tháng địa phương cho chị Ba rồi. Ghen hờn đến như anh, xét ra cũng có chút văn hóa, tôi vui mừng nghĩ về anh láng giềng của mình như vậy.

Kể từ hôm cho chị mượn tờ Sông Hậu, biết tôi viết văn viết báo lại chưa đến miền Tây, chị Ba kể cho tôi nghe rất nhiều về quê hương mình. Về miền đất dọc ngang kênh rạch, những vườn cây trĩu trái và đồng thẳng cánh cò bay; những người dân Nam Bộ nhân hậu, hiền lành với các cô gái trắng da, dài tóc… Ngoài việc muốn vùng đất ấy, con người ấy du nhập vào phong phú thêm trang viết của tôi, chuyện chị kể lể - tôi biết - cũng là cách để vơi đi niềm thương, nỗi nhớ lúc nào cũng như nấu như nung trong lòng mình. Nơi dù giờ thân quyến không còn ai, song cùng theo năm tháng mong hoài, tất cả đã biến thành máu thịt, ruột rà của chị.

Thật cũng không uổng công vẽ vời và mong chờ ngầm của chị Ba, trưa qua tòa soạn tờ Sông Hậu gửi ra số báo vừa đăng truyện ngắn tôi, nói về người có nỗi lòng như chị. Tôi mừng như bắt được vàng! Tuy truyện là tôi viết, song nội dung nó lại đầy ắp nỗi lòng xa xứ của chị. Sau khi đọc lại hết lượt truyện mình, tôi vội đem khoe chị ngay. Thấy tên tờ báo lại nghe có bài tôi, chị đã mừng rú lên và đón nhận bằng cả hai tay. Cách đón nhận như thể là tôi “bứng” cả thành phố Cần Thơ đưa cho chị. Trịnh trọng và quý yêu!

“Tao đã nói là không có Sông Tiền, Sông Hậu gì xuất hiện trong cái nhà này nữa hết!”. Tiếng quát nực nồng mùi rượu của anh Thậm lôi tôi ra khỏi trang viết của mình như giữa một giấc mơ. “Mày nghe rõ chưa… rõ chưa, rõ chưa…!?”, lẫn trong câu nói đầy hận thù là tiếng giấy bị nhàu vò. “Tờ báo của tui, của tui…! Anh không được động đến tờ báo của tui…!”. “Của mày hả?! Của mày nề, của mày nề… của mày…!”. Rồi có tiếng vật lộn hùynh huỵch và tiếng giằng khóc “hu… hu…” của chị Ba. “Thôi chết rồi! Sự say mê về cái truyện được đăng báo, khiến tôi đã vô tình làm hại chị Ba!”.

Phải mất gần một tuần sau, chị Ba với một bên mắt tím bầm mới gửi lại tôi tờ Sông Hậu.

Bẵng đi không lâu thì bên kia vách ván, một “biến cố” lại xảy ra. Thằng con trai lớn của anh, vì mãi lo diễn lại với bạn vụ án trong tờ báo anh mua, đã để cho đứa bé mới sinh sau, té từ trên võng treo khá cao xuống đất. Cú té làm đứa bé bị chấn thương đầu khá nặng, nên cứ khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm. Anh Thậm đã phải nghỉ chạy xích lô để phụ trông nom con cùng chị. Không khí u ám, buồn bã bên ấy đã tràn qua vách ván sang tôi.

Trưa nay, bên kia vách, giữa tiếng khóc nhèo nhẹo của đứa bé lại trồi lên giọng nói đầy ngái ngủ của anh Thậm: “Em ru đi chớ, để khóc hoài vậy chắc nó đau đầu chết mất. Mà anh cũng ngủ chút, chiều tối còn phải đi chạy xích lô…!”. “Thì gu nãy giờ đây mà nó đâu có chịu ngủ…!”, chị Ba trở mình trên võng nói.

Ư…ứ… ừ… Bá trạo này!
Hừ… ráng mà theo nhịp thanh… ba…
Nước săng, neo thẳng là hò ư… lơ!
Lần hồi mà phăng, là hò hơi lơ… lớ lợ…

Cùng với những câu hò bả trạo nơi vùng biển của anh chị ru, tiếng khóc đứa bé mỗi lúc một xoáy lớn hơn vào buổi trưa vốn đã oi nồng. “Chậc! Ru vậy anh ngủ còn không được, huống chi nó. Ru bài khác đi!”. “Tại nó hông ngủ, chớ anh biểu… còn bài nào gu nữa đâu!”. “Thì bài… bài gì mà… Lục tỉnh giáp vòng… ấy!”.

Thật là đột ngột!

Bên này vách, tôi đoán chừng chị Ba cũng bị bất ngờ bởi yêu cầu của chồng, nên lặng thinh mất một lúc lâu.

Trên trời… có cây hóa kiểng ơ… ơ… hờ…
Dưới biển ơ… có cá hóa long…
Con cá lòng tong… ẩn móng ăn “gong”… ờ… hờ…
Anh đi… i…í…
Anh đi… ớ… hớ… hơ… Lục tỉnh mà giáp vòng… ờ…

Câu ru bỗng cất lên, âm giọng trước còn nghe rụt rè nhưng sau thì cứ cao dần, cao dần…

Đứa bé con anh Thậm bỗng nín bặt như có phép mầu! Trong buổi trưa thanh vắng, ngột ngạt giữa xóm Chồ, lời ru của chị vút lên, nghe êm ái, ngọt ngào làm sao! Sự dồn nén bấy nay đã khiến cho âm điệu như bay cao hơn, bay cao bằng đôi cánh của tình thương, nỗi nhớ… Từ căn nhà Chồ thấp bé của chị, tiếng ru luồn qua vách ván sang tôi, rồi cứ thế lướt bay ra mặt biển rộng. Lơ lửng, chơi vơi…

Chắc giống tôi, bên kia vách anh Thậm cũng đang lắng nghe và uống lấy lời ru ngọt ngào của chị. Lời ru ấy nếu có mãnh lực làm “núm ruột” của anh nín khóc - tôi nghĩ, biết đâu rồi, nó cũng sẽ khiến anh trở nên nhân ái, vị tha hơn với chị, với miền đất kênh rạch nhiều cây ngọt, trái lành đã sinh ra người vợ đẹp đẽ của anh.

LÊ NGUYÊN NGỮ 

(*) Xóm (nhà) Chồ: Xóm nhà cất chồm ra mặt nước sông, trên những trụ gỗ, thường thấy nơi các cửa biển miền Trung.

;
;
.
.
.
.
.