Vì thành phố sinh thái

.

Vấn nạn rác thải, nhất là rác thải nhựa, đang làm “đau đầu” các nhà quản lý đô thị và cả những ai quan tâm đến môi trường nơi mình sinh sống.

Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” sau khi qua được chặng đường 10 năm (2008 - 2018), tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn năm 2045, với mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý môi trường bền vững, hướng đến xây dựng thành phố sinh thái.

Một khẩu hiệu nhắc nhở người xem pháo hoa đêm 8-6 vừa qua hãy giữ sạch môi trường.  Nguồn: FB Dọn rác Sơn Trà
Một khẩu hiệu nhắc nhở người xem pháo hoa đêm 8-6 vừa qua hãy giữ sạch môi trường. Nguồn: FB Dọn rác Sơn Trà

Từ nhóm dọn rác đến mô hình phân loại rác

Võ Thành An rời quê nhà Gia Lai đến sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng 10 năm rồi. Chàng trai Giám đốc Công ty Haven Event này tổ chức nhiều buổi dã ngoại về với thiên nhiên tươi đẹp của bán đảo Sơn Trà nhưng thấy đây đó vẫn còn lợn cợn rác, bèn cùng bạn bè kêu gọi mọi người tham gia dọn rác.

Lúc đầu chỉ lẻ tẻ một vài người, chẳng nhằm nhò gì so với “núi” rác du khách thải ra khắp các ghềnh, bãi.
Sau đó, qua mạng xã hội, anh huy động được 8 người và tổ chức “ra quân” lần đầu vào ngày 18-3-2019. Tuy nhiên, nhìn rác tràn lan trên bãi Đá Đen ai cũng ngán ngẩm, đông tay thì vỗ nên kêu, cả nhóm tiếp tục kêu gọi cộng đồng tham gia làm sạch môi trường.

 

Theo tính toán, nếu thành phố thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn thành 3 loại (rác tái chế, rác nguy hại, rác còn lại) thì bình quân sẽ giảm từ 12-18% lượng rác thải cần phải xử lý mỗi ngày.

Mới đây, việc các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp hưởng ứng phong trào “Nói không với chai nhựa”, từng bước tiến đến không dùng chai nhựa trong các cuộc họp, hội nghị là một thành công lớn của ngành TN&MT thành phố.

Vì môi trường, chúng tôi kêu gọi các cơ sở kinh doanh nước uống không dùng ly nhựa, ống hút nhựa; kêu gọi Hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ thành phố hưởng ứng phong trào, hỗ trợ, tài trợ kinh phí cho thành phố triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn; kêu gọi Hội Phụ nữ phát động phong trào các bà nội trợ sử dụng giỏ xách khi đi chợ…

TS.KTS Tô Văn Hùng,
Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng

Một bạn khác là Đặng Anh Tuấn từ Hội An ra Đà Nẵng mở một sudio trên đường Đinh Tiên Hoàng. Có lẽ do nghề nghiệp của mình nên Tuấn rất “ác cảm” với rác. Nghe lời “rủ rê” của “leader” (cả nhóm gọi thế) Thành An, Tuấn tham gia và cùng cả nhóm bắt đầu “xắn tay áo” từ ngày 24-3-2019.

Từ đó, trên Facebook xuất hiện nhóm “Dọn rác Sơn Trà” với số thành viên ngày một đông. Nhiều nhất có lần gần 200 người đăng ký, thực tế có hơn nửa số đó đi dọn rác. Họ phần lớn là sinh viên, nhiều người từ Quảng Nam ra, người cao tuổi nhất là 65 nhưng vẫn hăng hái tham gia để làm gương cho lớp trẻ.

Đến nay, nhóm đã tổ chức được 14 buổi dọn rác với “chiến lợi phẩm” là gần nghìn bao rác và sắp dọn sạch bãi Đá Đen trên bán đảo Sơn Trà.

Theo Thành An, số rác ước tính gần 10 tấn này thu gom không khó, nhưng vận chuyển mới cực. Có thể chuyền rác dọc đường núi đá, rồi dùng xe máy chở bao rác theo đường đèo núi Sơn Trà xuống nơi tập kết rác. Hoặc dùng SUP (Standup Paddle Board – Ván chèo đứng) chở dọc theo đường biển để đưa lên bờ, sau đó lại dùng xe máy chở tiếp xuống núi. Cuối cùng, thuê tàu cá đưa rác về cảng ở đường Như Nguyệt là cách nhanh, gọn gàng và an toàn nhất.

Ban đầu các thành viên tự bỏ tiền túi (thuê tàu chuyển rác, mua dụng cụ và bao đựng rác), sau đó lên dự toán chi phí gửi cả nhóm, nếu ai không có điều kiện đóng góp thì Thành An bù luôn. Nhiều nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp để nhóm có thể hoạt động ngày một tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

Là nơi có nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng, bán đảo Sơn Trà hằng ngày phải đối mặt với vấn nạn rác thải, trong đó có tình trạng rác thải làm mất vẻ mỹ quan của bãi Đá Đen.

Ông Đoàn Văn Đức, Trưởng phòng TN&MT quận Sơn Trà cho hay địa phương đã đưa ra các mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái chế rác thải sinh hoạt thuộc dự án “Đại dương không nhựa” trên địa bàn quận. Song song với các buổi tuyên truyền về tác hại của rác thải đối với môi trường, phát 5.000 tờ rơi và 5.000 tờ đề-can (tuyên truyền phân loại, giảm thiểu rác thải, hạn chế sử dụng rác thải nhựa dùng một lần), địa phương triển khai thực hiện mô hình phân loại rác đến từng khu dân cư.

Số liệu của Phòng TN&MT quận cho biết, việc thí điểm lúc đầu tại 4 khu dân cư chỉ thu gom, phân loại được 250kg nhựa, 6.508 lon các loại, 457,7kg giấy và 18,5kg rác tài nguyên khác; số tiền thu được từ bán rác cũng chỉ gần 3 triệu đồng. Khi nhân rộng mô hình ra 42 khu dân cư đã thu được 3.685,2kg rác thải nhựa, 87.482 lon các loại, 212,1kg kim loại, 2.802,1kg giấy; số tiền thu được lên đến trên 52,5 triệu đồng.

Riêng với “cuộc chiến” chống rác thải nhựa, từ tháng 12-2018 đến tháng 3-2019, các phường An Hải Đông, An Hải Tây và Thọ Quang thực hiện thí điểm phân loại túi ni-lông. Dự án đã hỗ trợ chậu chứa túi ni-lông tạm thời để khuyến khích các hộ dân tham gia phân loại, giảm sử dụng túi ni-lông. Kết quả, đã thu gom được 314,6kg túi ni-lông, tất cả được chuyển về cơ sở thu mua phế liệu ở đường Trần Cao Vân để chuyển đến cơ sở tái chế.

Theo ông Đức, quận Sơn Trà phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ có 100% dân cư trên địa bàn quận được tiếp cận với chủ trương phân loại rác, chống rác thải nhựa.

“Ô nhiễm trắng” đe dọa cuộc sống xanh

Cả thế giới đang “lên án” tác hại của rác thải nhựa. Tại Việt Nam, ước tính của ngành TN&MT, bình quân mỗi hộ gia đình thải ra môi trường hơn 1 túi ni-lông và 1 chai nhựa một ngày. Như vậy, ở nước ta có hàng triệu túi ni-lông, chai nhựa được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày.

Đối với thành phố Đà Nẵng, theo Sở TN&MT thành phố, hiện nay bình quân mỗi ngày thải ra môi trường hơn 1.100 tấn rác sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa chiếm đến 7-8%. Đáng chú ý là lượng chất thải nhựa này tăng theo từng năm. Đây chính là một “gánh nặng” cho môi trường thành phố, thậm chí, còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

TS.KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, nhận định rằng, tác hại của nhựa và túi ni-lông đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn, tuy nhiên đến nay con người chưa thể dùng các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn. Do vậy, để hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi ni-lông đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. “Việc có một số nhóm bạn trẻ cùng “xắn tay áo” tham gia phong trào giảm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, trên địa bàn Đà Nẵng là hành động rất đáng tuyên dương, hành động đó không chỉ góp phần giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường mà còn là tấm gương cho cộng đồng noi theo”, ông Tô Văn Hùng khẳng định.

Trở lại với nhóm “Dọn rác Sơn Trà”. Ngày thứ bảy 8-6 vừa qua, họ có 2 hoạt động vào chiều và tối: tuyên truyền giảm thiểu xả rác trước đêm pháo hoa và phát bao đựng rác cho những tụ nhóm ăn chơi đêm pháo hoa, dọn rác sau khi bắn pháo hoa.

Thu gom, vận chuyển rác thải tại bãi Đá Đen, bán đảo Sơn Trà. Ảnh: V.T.L
Thu gom, vận chuyển rác thải tại bãi Đá Đen, bán đảo Sơn Trà. Ảnh: V.T.L

Tại mỗi tụ đèn tín hiệu giao thông ở 3 cây cầu (Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Sông Hàn) dẫn đến khu vực xem bắn pháo, nhóm cử 3 người “đứng điểm” có mang mặt nạ bằng bao giấy hoặc bao ni-lông để gây chú ý (không sợ bị lộ danh tính) và cầm bảng khẩu hiệu với nội dung do các bạn trẻ tự “sáng tác”, rất dễ thuộc dễ nhớ: “Pháo hoa xinh đẹp sáng ngời/ Người xem không rác rạng ngời như hoa”, “Pháo hoa rực sáng ngời ngời/ Xem xong dọn rác giúp đời nghe hông”, “Người văn minh không xả rác linh tinh”, “Xem pháo bông nói không với rác”... Ngoài ra, họ còn chuẩn bị một khẩu hiệu phụ viết bằng 3 thứ tiếng Anh, Hàn, Trung, dịch từ câu “Hãy giữ vệ sinh khi đi xem pháo hoa”.

Bạn Đặng Anh Tuấn giải thích: “Sỡ dĩ bọn mình làm thêm hoạt động khẩu hiện là thay vì để người đi xem pháo hoa xả rồi mình dọn thì mình có thể nhắc nhở họ giảm xả rác hoặc vứt rác đúng chỗ”.

Thời gian qua, để hỗ trợ cho các hoạt động tự nguyện vì môi trường, Sở TN&MT đã yêu cầu Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thực hiện việc vận chuyển toàn bộ rác mà các nhóm này thu gom từ bán đảo Sơn Trà, từ các bãi biển. Ngoài ra, theo ông Tô Văn Hùng, Sở TN&MT cũng hỗ trợ kinh phí, cử cán bộ trực tiếp tham gia một số nhóm cấp phát dụng cụ, hướng dẫn cách phân loại, thu gom rác theo đúng quy định. Các hành động này, tựu trung, nhằm giảm thiểu “gánh nặng” cho môi trường thành phố, giảm nguy cơ dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng” để bảo vệ cuộc sống xanh.

VĂN THÀNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.