Chào đón những em bé khác màu da, quốc tịch

.

Một số bệnh viện, phòng khám tại Đà Nẵng điều trị vô sinh hiệu quả với giá thành thấp nên những năm gần đây có khá nhiều người nước ngoài đến đây tìm kiếm tiếng cười con yêu.

Tình mẫu tử thiêng liêng và hạnh phúc được làm cha, mẹ là những xúc cảm tuyệt vời của mọi con người, không phân biệt màu da, quốc tịch. TRONG ẢNH: Người thân của sản phụ theo dõi quá trình  bác sĩ siêu âm thai nhi. (Ảnh do Phòng khám Pasteur cung cấp)
Tình mẫu tử thiêng liêng và hạnh phúc được làm cha, mẹ là những xúc cảm tuyệt vời của mọi con người, không phân biệt màu da, quốc tịch. TRONG ẢNH: Người thân của sản phụ theo dõi quá trình bác sĩ siêu âm thai nhi. (Ảnh do Phòng khám Pasteur cung cấp)

Hạnh phúc bất ngờ

Có mặt ở phòng khám Pasteur (quận Liên Chiểu) một ngày cuối tháng 6, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy một sản phụ đi khám thai mà có cả chồng, ba mẹ chồng, ba mẹ ruột, anh chị em cùng đến. Họ cùng nhau ở trong phòng siêu âm nhìn màn hình và hào hứng chia sẻ: “Ôi, đó là đôi mắt của em bé”, “Ôi, đó có phải là đôi chân của em bé không?”… Sản phụ thì xúc động nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng. Đó là chị Madeline (33 tuổi, quốc tịch Pháp).

Madeline đang mang thai ở tháng thứ 5. Để đi đến đoạn đường này, với cả vợ chồng Madeline chẳng hề dễ dàng. Madeline đã từng chữa trị nhiều năm ở quê nhà. Lần đến Việt Nam này, cả hai vợ chồng đều xác định đi làm việc theo dự án, không mong mỏi gì thêm. Vậy mà, mối lương duyên khiến Madeline gặp ThS, BS Đồng Thị Hồng Trang (phòng khám Pasteur) và khát khao cháy bỏng được nghe tiếng khóc cười của trẻ thơ trong gia đình đã trở thành hiện thực. Nghe tin Madeline mang thai, gia đình cô bên Pháp đều đứng ngồi không yên. Họ nhanh chóng xin visa và bay qua Đà Nẵng chỉ để nhìn thấy em bé… trên màn hình máy tính.

Sau thời gian đi khắp nơi để chữa bệnh vô sinh, chị Angie (35 tuổi, người Mỹ gốc Mexico, chồng quốc tịch Hà Lan) không tin rằng mình lại có cơ hội làm mẹ nhờ những bác sĩ giỏi ở một đất nước nhỏ bé xa xôi, cách quê hương mình hàng chục nghìn cây số. Chị Angie là một trong số nhiều những bệnh nhân nước ngoài tìm đến với Khoa hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Chị mắc hội chứng bất thường nhiễm sắc thể số 1, gây khó khăn trong việc thụ thai.

Mặc dù cả hai vợ chồng đều đang công tác trong ngành giáo dục tại Đà Nẵng nhưng khi điều trị vô sinh, trước đó chị Angie chọn Thái Lan với lý do: “Thái Lan là đất nước hàng đầu về chữa hiếm muộn của khu vực với các mô hình trung tâm thụ tinh ống nghiệm được đầu tư mạnh mẽ về mặt cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại tương đương với các quốc gia phát triển trên toàn thế giới”. Dù vậy, lần ở Thái Lan ấy, hy vọng được làm mẹ của chị không tròn.

Những người bạn của chị ở Đà Nẵng đã khuyên chị hãy đặt niềm tin nơi Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Sau khi được thăm khám và làm các kiểm tra xét nghiệm, tháng 9-2017, chị Angie bắt đầu dùng thuốc làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Bác sĩ Trần Thy Yên Thùy là người chọc trứng chuyển phôi và thành công.

Một bé trai khác cũng đã chào đời từ phương pháp TTTON tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, bé Tony. Chị P.H (sinh năm 1981, trú quận Hải Châu) chia sẻ: “Cả hai vợ chồng đều đã ở ngoài thời điểm vàng để thụ thai. Ba Tony là người Thái Lan, sinh năm 1973, vì yêu em mà đến Việt Nam lập nghiệp. Anh ấy khá lớn tuổi nên rất mong có mụn con.

Hơn 2 năm vẫn chẳng có gì. Người nhà anh bên ấy muốn hai vợ chồng về Thái Lan chữa bệnh nhưng em động viên anh hãy làm ở Việt Nam trước. Trước hết vì chi phí rẻ hơn rất nhiều. Thật may mắn là ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên, chúng em đã đạt được ước mơ trở thành bố mẹ. Ba Tony đã bật khóc nức nở ngay khi em thông báo có thai”.

Niềm tự hào của ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam

Chia sẻ về những trường hợp này, bác sĩ Hồng Trang không giấu nổi niềm tự hào trong đôi mắt: “Vài năm trở lại đây, có nhiều bệnh nhân nước ngoài đã tìm đến chúng tôi, chứng tỏ họ đã biết và tin tưởng vào ngành hỗ trợ sinh sản của Việt Nam. Đó là điều chúng ta vô cùng hãnh diện. Tất cả bệnh nhân đến tham vấn về hiếm muộn, tôi đọc được khao khát được làm cha mẹ trong mắt họ. Đó là động lực để tôi không ngừng cố gắng, giúp họ đạt được ước nguyện thiêng liêng này”. Theo bác sĩ Hồng Trang, có rất nhiều phương pháp để chữa hiếm muộn.

Với chức năng của phòng khám như hiện nay, bác sĩ Hồng Trang thường tư vấn, theo dõi để bệnh nhân dùng thuốc, nếu chưa có kết quả sẽ tiến đến bước kết hợp với những bệnh viện lớn có đủ trang thiết bị để làm TTTON. “Thực tế, tỉ lệ thành công TTTON của Việt Nam khá cao. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang dẫn đầu tỷ lệ số ca thực hiện TTTON thành công. Số lượng người nước ngoài đến sống và làm việc tại Việt Nam cũng ngày càng tăng. Tôi hy vọng trong tương lai không xa, với tỷ lệ thành công cao, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt và chi phí cạnh tranh, chữa vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam sẽ trở thành địa chỉ tin cậy của các cặp vợ chồng hiếm muộn từ khắp nơi trên thế giới”.

Không chỉ người nước ngoài, một số Việt kiều cũng tin tưởng quê nhà là nơi chữa vô sinh. Chị P.T. (30 tuổi, chồng là người Hàn Quốc) đã 2 lần làm TTTON thất bại ở đất nước “củ sâm”. Sau khi về Việt Nam và đến với Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, thay vì kích thích buồng trứng thì chị được áp dụng kỹ thuật nuôi trứng non. Điều kỳ diệu đã xảy ra ngay lần đầu tiên.

Bác sĩ Trần Thy Yên Thùy cho hay, không ít trường hợp Việt kiều khi trở về Việt Nam thăm quê hương, “thử vận may” với nền y tế quê nhà và may mắn thành công. Cũng có không ít trường hợp bệnh nhân đi Đông, đi Tây chữa không thành công, tâm lý cả vợ chồng ít nhiều nản chí, đến khi “thử lần chót” với Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng thì may mắn lại mỉm cười với họ.

Lăn lộn 16 năm trong ngành chữa vô sinh hiếm muộn, tham gia điều trị TTTON từ những ca đầu tiên khi kỹ thuật này còn trong trứng nước tại Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thy Yên Thùy cho biết, tỷ lệ thành công của TTTON nước ta không hề thua kém các nước tiên tiến trên thế giới và số chu kỳ luôn dẫn đầu khu vực.

Trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam ngày càng được khẳng định với những bài báo cáo khoa học tạo được tiếng vang tại các hội nghị quốc tế, tham gia giảng dạy cho các bác sĩ đến từ nhiều quốc gia. Đặc biệt, các bác sĩ tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, các hội thảo khoa học tại các nước có nền y tế phát triển trên thế giới.

HẢI ÂU

;
;
.
.
.
.
.