Cùng nhau, dưới một mái nhà

.

Trong hành trình dài đi “tìm con”, không phải cặp vợ chồng nào cũng may mắn có được niềm vui làm cha, làm mẹ. Yêu, thương và cảm thông cho người bạn đời, nhiều lứa đôi vẫn tiếp tục chia ngọt sẻ bùi, đi bên cạnh nhau, cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc dù thiếu vắng tiếng nói cười của những đứa con…

Với ông Mai Xuân Mùi (đứng, bên phải), tình yêu con trẻ được ông dồn hết cho từng thế hệ học trò.
Với ông Mai Xuân Mùi (đứng, bên phải), tình yêu con trẻ được ông dồn hết cho từng thế hệ học trò.

Hơn 60 tuổi, ông Mai Xuân Mùi, Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Đà Nẵng vẫn giữ nụ cười ngượng nghịu khi nhắc đến từ “yêu”. Lập gia đình ở tuổi 40, ông bảo khi ấy mình đã qua cái tuổi rộn ràng, giận hờn vô cớ, chỉ biết là nhớ, là thương, là mong muốn được bảo vệ, chăm sóc người bạn đời. Vợ chồng, đâu thể nói chuyện muốn đến là đến, muốn đi là đi. Tình và nghĩa, như những sợi dây ràng buộc mỗi ngày.

Vợ chồng ông đến với nhau khi ông đã ở tuổi 40, “đường con cái” không thành, nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông xem đó là bất hạnh của cuộc đời mình. Ông còn bảo, đàn ông thì thế nào cũng được, chỉ sợ vợ buồn, tủi thân khi ngày ngày thấy bạn bè, đồng nghiệp rộn ràng chuyện chăm sóc, nuôi dạy con cái. Cũng may, vợ ông cũng làm nghề giáo nên niềm quan tâm, yêu thương con trẻ được hai vợ chồng dành hết cho đám học trò.

Lấy nhau, trải qua nhiều khó khăn nhưng chính sự tảo tần, yêu thương, chia sẻ từ người bạn đời đã giúp ông Mùi có thêm nhiều thời gian cống hiến cho phong trào thanh, thiếu nhi. Ông cho rằng, quan trọng là gia đình mình sống có hạnh phúc không. Con cái cần đó, nhưng không phải là tất cả. Suốt một đời gắn bó cùng phong trào Đoàn, Đội, ông Mai Xuân Mùi được nhiều thế hệ trẻ gọi bằng cái tên thân thương “bố Mùi” như một sự chia sẻ, cảm thông cũng như phần nào khỏa lấp niềm khao khát làm cha của ông. Thế nên, khi mọi người nhắc về đường con cái, ông thường cười lớn rồi nói: “Ai bảo tui không có con, con tui nhiều lắm, đi đâu cũng nghe chúng gọi “bố Mùi”, rứa là vui và ấm lòng lắm rồi”.

Trong đời sống hiện nay, có không ít cặp vợ chồng hiếm muộn đã toàn tâm, toàn ý vun vén hạnh phúc gia đình bằng sự quan tâm, lo lắng và cùng nhau quên đi niềm mong mỏi có được mụn con cho vui cửa vui nhà. Năm nay 61 tuổi, bà H.T.L, nhà ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cho biết cũng như nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khác, vợ chồng bà cũng từng tần ngần đứng nhìn những đứa trẻ con nhà hàng xóm mà không khỏi khát khao được một lần làm cha, làm mẹ. Nhiều năm trước, vợ chồng bà L. cũng từng vào Nam ra Bắc, từng chầu chực hàng giờ ở bệnh viện để khám, sàng lọc, kiểm tra chất lượng buồng trứng, tinh trùng, từng uống tất cả loại lá mà dân gian kêu là giúp tăng cường sinh lý. Nhưng tất cả đều thất bại.

Sau 12 năm ngược xuôi không đạt kết quả, vợ chồng bà L đành thu vén ước mơ, không bao giờ bàn tính tới chuyện có con, cũng không xem đó là nỗi buồn mà chỉ nghĩ rằng mình “thiếu duyên”, kém may mắn. Bà L. nhỏ nhẹ, nói: “Chỉ biết chồng tôi tinh trùng yếu, vợ lại bị thắt buồng trứng nên cả hai khó có con. Thời ấy làm chi có phương pháp thụ tinh ống nghiệm, mà có thì chắc gì đã đủ tiền để theo nên đành chấp nhận cuộc sống không con, dành dụm tiền bạc để lo cho sức khỏe về già”. Cũng theo bà L, may mắn là trước đây hai bên gia đình nội, ngoại không ai hối thúc, áp lực chuyện con cái nên vợ chồng bà nhanh chóng vượt qua nỗi buồn, dành nhiều thời gian cho nhau hơn.

Hôm chúng tôi đến, bà L. đang bận thu xếp quần áo để hai vợ chồng đi Đà Lạt du lịch cùng nhóm bạn. “Vợ chồng tôi có thói quen sáng sớm dậy đi biển bơi lội, tập thể dục và kết thân với một nhóm bạn có cùng sở thích. Nhóm bạn già chúng tôi mỗi năm tổ chức đi du lịch một đôi lần để ngắm cảnh, thư giãn và quan trọng hơn hết là để bên nhau, chia sẻ mọi cảm xúc trong cuộc sống. Ông nhà tôi nhiều năm nay đi làm luôn về nhà đúng giờ, có lẽ ổng sợ tôi ở nhà một mình buồn, nhờ thế mà cuộc sống vợ chồng luôn vui vẻ, chẳng bao giờ có lý do để giận hay to tiếng với ổng”, bà L. vui vẻ cho biết.

Tại Khoa Hiếm muộn và hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, nhiều bác sĩ cho biết không ít trường hợp các cặp vợ chồng chấp nhận vô sinh là một căn bệnh mà “trời kêu ai nấy dạ”. Bác sĩ CK1 Đinh Thị Tuyết Lan cho biết, hiện nay y học tiên tiến có rất nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn (TESE) và vi phẫu trích tinh trùng từ mào tinh (PESA)…

Trong đó, phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn được áp dụng khi người chồng có tinh trùng rất ít, di động yếu hoặc chất lượng kém. Do đó, khả năng có con của các cặp vợ chồng hiếm muộn cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa 100% cặp vợ chồng hiếm muộn được chữa trị đều thành công. Nhiệm vụ của bác sĩ, ngoài tư vấn, lựa chọn phương pháp phù hợp nhất thì cần động viên, chia sẻ, tạo niềm vui sống cho các gia đình chưa có may mắn được chào đón sinh linh bé bỏng.

Có thể nói, niềm vui về già của những cặp vợ chồng hiếm muộn là trở thành điểm tựa cho nhau. Bà làm cái này thì ông làm cái kia, ai đi đâu xa cũng mong sớm trở về nhà vì sợ người kia sẽ thui thủi một mình. Bên cạnh đó, niềm vui sống trong mỗi gia đình hiếm muộn, theo bác sĩ Lan, là tránh nói những vấn đề tại ông hay tại bà để giảm thiểu các tình huống dằn vặt nhau trong đời sống vợ chồng. Và, trong khi các cặp vợ chồng lớn tuổi thường chấp nhận chuyện không có con như cái duyên, cái nợ để sống an vui, thanh thản hơn, thì không ít cặp vợ chồng trẻ lại xem đó là bi kịch, lấy đó làm nguyên nhân để rời xa người bạn đời vốn đã rất buồn một - nỗi - buồn - hiếm - muộn của mình.

Huỳnh Lê

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.