Điểm liệt môn Văn

.

1. Kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa qua cả nước có 3.128 bài thi bị điểm liệt (từ điểm 1 trở xuống). Trong đó, môn Ngữ văn có số lượng bài thi bị điểm liệt nhiều nhất với 1.265 bài (riêng Đà Nẵng có 12 bài) đã khiến không ít thí sinh và phụ huynh ngậm ngùi…

Nếu làm một phép so sánh chỉ riêng môn Ngữ văn thôi thì con số này đã tăng hơn 1,6 lần so với năm 2018, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2017. Những con số ấy đã nói lên điều gì? Đề khó ư? Không thể nào, bởi rất nhiều thí sinh trên cả nước khi vừa thi xong môn Ngữ văn đã phát biểu rằng, đề thi năm nay tương đối “dễ thở”. Kiếm điểm 5, điểm 6 không khó. Ngay cả các thầy cô giáo có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm cũng nhận định rằng: “Không khó, không mới”. Vậy chỉ có một lý do duy nhất là nhiều thí sinh đi thi bằng cái đầu rỗng với tâm lý môn Văn chỉ cần “chém gió”, thể nào cũng kiếm được vài điểm lận lưng…

Mấy ngày nay các thầy cô giáo dạy Văn và những người yêu văn chương cảm thấy rất buồn. Con số 1.265 bài thi Ngữ văn điểm liệt cho thấy chúng ta chưa khắc phục được căn bệnh học lệch đã tồn tại trong học sinh nhiều năm qua. Thực trạng đáng buồn hiện nay là không chỉ học sinh mà đa số phụ huynh cũng xem nhẹ việc học môn Văn trong nhà trường. Hầu như chỉ học theo hướng đối phó. Vì vậy, ngoài một số thí sinh chọn thi khối C, D ráo riết học Văn thì  hầu hết các khối còn lại chỉ học cầm chừng, miễn sao “không liệt” là được. Số này lại chiếm tỷ lệ khá đông trong lớp học.

Chính vì cách suy nghĩ học để đối phó như thế đã đưa đến một hệ lụy là nhiều học sinh thừa điểm vào đại học nhưng lại rớt tốt nghiệp vì môn Văn bị điểm liệt, không chỉ khiến bao công sức đèn sách trở thành công cốc mà còn là cú “knock out” vào sự cố gắng không mệt mỏi của thầy, cô giáo dạy Văn đang kiên trì bám lớp.

2. Thế kỷ 21 cho thấy tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Điều đó lý giải vì sao học sinh hiện nay có xu hướng tìm đến Ngoại ngữ, Tin học và các môn khoa học tự nhiên như là một sự bảo đảm cho tương lai. Nhưng việc học sinh loại bỏ môn Văn ra khỏi hành trang tri thức vào đời là một việc làm sai lầm lớn. Bởi văn chương không chỉ giúp cho mỗi người nói và viết tròn vành rõ chữ tiếng mẹ đẻ và còn góp phần hình thành nhân cách sống.

Nghiêm túc mà nói rằng, việc 1.265 bài thi điểm liệt môn Ngữ văn năm 2019 không chỉ là niềm đau của riêng con trẻ mà còn là sự thất bại của người lớn. Chủ đề nóng nhất mấy ngày nay không phải là điểm chuẩn đầu vào các trường đại học mà là số bài điểm liệt môn Ngữ văn năm nay dẫn đầu và cao vọt ngoài sức tưởng tượng. Người ta đổ lỗi cho giáo viên, rằng dạy cái gì mà để cho học sinh liệt nhiều thế. Môn Văn mà để liệt thì không còn gì để nói…

Thực tế nhiều học sinh có điểm tổng kết môn Văn ở các năm học tương đối khá lại bị điểm liệt khi thi THPT quốc gia. Kết quả không như mong đợi này, ngoài nguyên nhân học sinh học để đối phó, còn phải kể đến sự kém hấp dẫn bởi chương trình học Văn ở bậc phổ thông khá nặng nề, và đâu đó vẫn còn không ít giáo viên chưa thật sự truyền được cảm hứng văn chương bằng sự tận tâm của mình để học sinh có thể yêu môn Văn mà học tốt hơn.

Thêm nữa, có một điều mâu thuẫn là ở bậc THCS, phụ huynh dùng đủ biện pháp từ khuyến khích đến bắt buộc con cái học thêm môn Văn để chạy đua vào các trường “top” đầu nhưng khi lên bậc THPT thì môn Văn lại bị xem nhẹ. Nhiều thầy, cô giáo dạy Văn ở các trường THPT trong thành phố đã từng gặp phải những tình huống dở khóc, dở cười. Đó là gần đến ngày thi, phụ huynh mới cuống quýt nhận ra rằng trong đầu con em mình môn Văn một chữ bẻ đôi cũng không có. Thế là năn nỉ ỉ ôi nhờ thầy, cô phụ đạo giúp. Với một yêu cầu duy nhất là: Chỉ cần đừng bị điểm liệt!

Đó cũng là vấn đề tồn tại âm ỉ từ lâu mà chưa có cách giải quyết thấu đáo để đến hôm nay con số hỏng tốt nghiệp vì liệt môn Văn làm chúng ta sực tỉnh…

Trước đây, đã từng có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét phương án đưa môn Ngữ văn có mặt trong tất cả khối thi của kỳ thi đại học, cao đẳng vì tính nhân văn của nó. Theo đó, những khối thi khoa học tự nhiên (A, B) môn Ngữ văn có thể được tính hệ số 1. Nhưng rồi ý kiến này rơi vào quên lãng bởi những tính toán thiệt hơn. Nếu như… vâng, lại “nếu như” biện pháp này được mạnh dạn áp dụng, chắc chắn rằng chất lượng dạy và học môn Ngữ văn ở các trường phổ thông sẽ có những biến chuyển tích cực hơn.

Trong khi chờ đợi một phương thuốc hữu hiệu cho việc dạy và học môn Văn, thì “đệ nhất buồn là cái hỏng thi” như cụ Tú Xương ngày trước sẽ làm mỗi người chúng ta suy nghĩ và rút ra nhiều bài học cho riêng mình.

Như Hạnh

;
;
.
.
.
.
.