Kháng thuốc chống sốt rét ở Đông Nam Á

.

Hai kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet cho biết nhiều vùng ở Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam có tới 80% loại ký sinh trùng sốt rét phổ biến nhất hiện nay đã có khả năng kháng lại hai loại thuốc chống sốt rét phổ biến nhất. Điều này dẫn tới tỷ lệ điều trị thất bại đáng báo động của loại bệnh này. Ký sinh trùng Plasmodium đã có sức đề kháng liên quan tới một nửa số ca điều trị thất bại.

Muỗi Anophele.
Muỗi Anophele.

Olivo Miotto là người đồng chủ trì nghiên cứu nhận định những phát hiện đáng lo ngại này cho thấy vấn đề kháng đa thuốc ở Plasmodium xấu đi đáng kể ở Đông Nam Á từ năm 2015 tới nay. Chúng có khả năng xâm chiếm khu vực mới và có được các đặc tính di truyền mới. Một sự kết hợp thuốc được biết tới là DHA-PPQ (artemisinin và piperaquine) lần đầu tiên được triển khai ở Campuchia năm 2008 có hiệu quả chống lại ký sinh trùng nhưng các bác sĩ nhận ra dấu hiệu kháng thuốc từ năm 2013.

Nghiên cứu gần đây về tỷ lệ thất bại của DHA-PPQ là 62% ở miền tây Campuchia, 27% ở phía đông bắc Campuchia, 53% ở vùng tây nam Việt Nam và lên tới 87% ở đông bắc Thái Lan. Roberto Amato, thành viên làm việc trong nhóm nghiên cứu cho biết đã phát hiện khả năng lây lan rất mạnh của loại ký sinh trùng sốt rét chủ đạo ở Việt Nam, Lào và đông bắc Thái Lan. Miotto cũng cảnh cáo nguy cơ lây lan ký sinh trùng này sang châu Phi, nơi đã có hàng triệu ca tử vong trong những năm 1980. Các số liệu cho thấy bệnh sốt rét giết chết hơn 400.000 người/năm, chủ yếu ở lục địa đen.

Giáo sư Tran Tinh Hien thuộc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (Anh) cho biết sẽ có những loại thuốc thay thế trong điều trị. Có thể phương pháp mới bao gồm sử dụng các loại thuốc khác nhau cùng với artemisinin hoặc sử dụng kết hợp ba loại thuốc để vượt qua sức đề kháng. Nếu không điều trị hoặc điều trị không thành công sẽ khiến người bệnh có các vấn đề về hô hấp và suy nội tạng. Các nghiên cứu kết quả phân tích di truyền của ký sinh trùng giúp các bác sĩ có hướng đi chọn phương pháp điều trị đúng đắn. Điều trị bệnh sốt rét không chỉ đơn thuần là chọn đúng phương pháp sau khi bị nhiễm bệnh mà còn có kiểm soát muỗi truyền nhiễm (muỗi Anophele cái).

Nỗ lực loại bỏ bệnh sốt rét của thế giới cơ bản đã có những thành công nhất định. Algeria và Argentina đã được công bố không còn bệnh sốt rét hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, nghiên cứu phát hiện khả năng kháng thuốc ở Đông Nam Á bị cho là nguy cơ cho sức khỏe toàn cầu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết từ năm 2000 tới năm 2015, số ca tử vong do sốt rét giảm 62% và giảm 41% số ca mắc. Gần đây, bệnh sốt rét cao trở lại như báo cáo năm 2018 của chính WHO cho biết tăng 2 triệu ca trên toàn cầu trong giai đoạn 2016-2017. Adrian Hill là Giám đốc Viện Jenner thuộc Đại học Oxford từng phát biểu rằng “Sốt rét là căn bệnh khó đối phó. Các công cụ của chúng ta có hiệu quả không cao, trong khi chỉ 10 tới 20 năm sau muỗi sẽ kháng thuốc. Nó buộc chúng ta phải kiên trì và hợp tác cùng nhau kiểm soát căn bệnh này”.

ANH THƯ (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.