Những "công dân toàn cầu"

.

Có một chương trình mô phỏng các hoạt động của Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 năm qua với sự tham gia của những đại biểu trong độ tuổi từ 15 đến 27. Điều đặc biệt, “đạo diễn” của chương trình là những bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Một phiên thảo luận tại DYMUN 2019. Ảnh: X.S
Một phiên thảo luận tại DYMUN 2019. Ảnh: X.S

Mang tên Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc tại Đà Nẵng - Danang Youth Model United Nations (gọi tắt là DYMUN), chương trình đã thu hút khoảng 300 bạn trẻ trong và ngoài nước tham gia. Đặc biệt, tại DYMUN 2019 khai mạc ngày 19-7 vừa qua với chủ đề “Nhìn lại phía sau” là sự có mặt của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam và blogger du lịch Rosie Nguyễn, tác giả cuốn sách nổi tiếng Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu.

Đây là lần thứ hai DYMUN được tổ chức tại Đà Nẵng. Năm 2018, chương trình lần đầu tiên diễn ra với sự xuất hiện của 3 Hội đồng mô phỏng Liên Hợp Quốc là: Hội đồng Xã hội, Văn hóa và Nhân văn (SOCHUM); Hội đồng Châu Âu (EC) và Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW).

Ban thư ký của DYMUN 2019 cũng là những người tạo nên chương trình từ những ngày đầu là Đào Duy Mạnh, Anna Le, Hoàng Tùng Quân. Tất cả đều ở độ tuổi 10x. Trong đó, Mạnh và Quân đang theo học tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng. Theo Mạnh, mô hình MUN đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới suốt gần 10 năm qua. MUN nhằm mô phỏng lại các phiên họp của Liên Hợp Quốc.

Tại đây, các bạn trẻ sẽ “nhập vai” thành những nhà ngoại giao, đại diện cho một quốc gia trên thế giới, cùng nhau tranh luận, đàm phán, thông qua nghị quyết và đưa ra giải pháp cho những vấn đề cấp bách toàn cầu được đề cập trong hội nghị. Tại Việt Nam, phong trào tham dự MUN đã thu hút được nhiều bạn trẻ có năng lực về ngoại ngữ và đặc biệt quan tâm đến các vấn đề toàn cầu liên quan đến an sinh xã hội, môi trường, công nghệ…

“Các phiên làm việc đều mô phỏng đúng theo quy chuẩn hoạt động của Liên Hợp Quốc với ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh. Sau đó, báo cáo có giải pháp hợp lý nhất sẽ được trình bày tại phiên bế mạc là phiên họp Đại hội đồng”, Mạnh cho hay.

Năm nay, DYMUN có điểm mới với sự xuất hiện của 5 hội đồng mới mô phỏng theo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); Quỹ Nhi đồng Quốc tế Liên Hợp Quốc (UNICEF); Văn phòng Liên hiệp về Phòng chống Ma túy và Tội phạm (UNODC); Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC). Những vấn đề “nóng” được trao đổi liên quan đến nạn ấu dâm, môi trường, vấn đề tiêm chủng, giới tính thứ 3 (LGBT)…

Các hội đồng được tổ chức vào từng khán phòng. Trong đó, mỗi hội đồng sẽ đưa ra 2 chủ đề. Những chủ đề được chia sẻ với các đại biểu từ trước khi DYMUN diễn ra khoảng 1 tháng để các bạn chuẩn bị, nghiên cứu, tìm kiếm thông tin thảo luận từ sách báo, Internet trước khi tranh luận. Đại diện các quốc gia có cùng mối quan tâm đến một chủ đề sẽ cùng nhau soạn thảo thành một bản nghị quyết hoàn chỉnh. Bất kỳ “đại diện quốc gia” nào có ý kiến thuận hoặc bất bình với điều khoản trong nghị quyết sẽ lần lượt giơ bảng để được mời lên chia sẻ.

Nhìn Đào Duy Mạnh phát biểu bằng tiếng Anh lưu loát, chững chạc tại phiên khai mạc DYMUN 2019, không ai nghĩ cậu thiếu niên này sinh năm 2002. Mạnh là một trong những thành viên sáng lập một cộng đồng về MUN tại Đà Nẵng. “Cơ duyên” của Mạnh với DYMUN bắt đầu khi cậu học trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được tham gia một MUN tại Hà Nội vào năm 2017 với tên gọi VYMUN 2017.

“Những ngày ở thủ đô, em được tiếp xúc với những bạn rất giỏi, những anh chị giàu kinh nghiệm, kiến thức về các vấn đề xã hội. Đó là lần đầu tiên có một sự kiện đòi hỏi người tham gia phải trau dồi thật nhiều kỹ năng như vậy. Chẳng hạn như thuyết trình, tranh luận bằng tiếng Anh, rồi phải làm một bản luận dài 4 trang A4 cũng bằng tiếng Anh để nói lên quan điểm của mình về 1 vấn đề nào đó”, Mạnh chia sẻ.

Về Đà Nẵng, cậu học trò 10x trăn trở về một mô hình tương tự. Thế là Mạnh cùng với người bạn Hoàng Tùng Quân và Anna Le (một du học sinh Đà Nẵng tại Mỹ) xây dựng kịch bản chương trình, tham khảo các mô hình MUN ở nơi khác để áp dụng tại Đà Nẵng với tinh thần “thử thách bản thân xem mình có làm được không”.

Mạnh kể lại những ngày đầu làm chương trình, những cô cậu học trò phải đi “gõ cửa” các doanh nghiệp xin tài trợ, đi liên hệ khách mời, chuẩn bị hồ sơ dự án để thuyết phục các bên tham gia, tìm địa điểm tổ chức. Trước sự non nớt của các bạn trẻ, hồ sơ dự án dễ dàng bị từ chối, Mạnh và các bạn phải tham khảo những người đi trước để tiến hành các thủ tục tổ chức. Dần dần, những hồ sơ dự án được hoàn thiện hơn, khâu tổ chức cũng được tổ chức bài bản, chỉn chu hơn.

“Năm nay, rất may mắn là chúng em mời được hai diễn giả nổi tiếng Rosie Nguyễn và Đỗ Nhật Nam. Mặc dù cả hai đều rất bận nhưng thông qua nội dung giới thiệu chương trình, cả hai đã nhận lời. Họ là những người truyền cảm hứng cho giới trẻ và đây cũng là mục đích của chương trình”, Mạnh cho biết.

Theo blogger Rosie Nguyễn, chưa bao giờ chị thấy một chương trình có nhiều bạn trẻ ở độ tuổi học sinh, sinh viên đứng lên chia sẻ quan điểm về những vấn đề toàn cầu như vậy và đây thực sự là một chương trình bổ ích với giới trẻ nói chung, thể hiện được trách nhiệm của các bạn đối với các vấn đề kinh tế-xã hội.

Lần thứ 2 tham gia DYMUN, bạn Nguyễn Trần Uyên Nhi, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đang du học tại Canada chia sẻ: “DYMUN không chỉ để lại cho mình những kỷ niệm đẹp, giúp mình nhận ra nhiều giá trị, nhiều bài học bổ ích về thế giới, giúp mình mở mang tầm mắt; đồng thời phát hiện được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cũng là cách để mình “lớn” hơn”.

Cũng như nhiều CLB, hội nhóm khác, DYMUN với nòng cốt là những em học sinh của nhà trường luôn được Ban Chấp hành Đoàn trường và nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện cho những hoạt động của các em được lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng. Với DYMUN, chúng tôi mong muốn chương trình sẽ là sân chơi tri thức không chỉ của người trẻ Đà Nẵng mà còn ở các địa phương khác”.

Cô Lê Thị Huyền, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.