Nụ cười viên mãn

.

Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ, nhưng với những cặp vợ chồng hiếm muộn, để người vợ được làm tròn thiên chức ấy, cả người vợ lẫn chồng phải trải qua một hành trình “chiến đấu” với đầy những khó khăn, thử thách. Và sau những tháng ngày gian nan ấy, không hạnh phúc nào lớn lao bằng việc có những đứa con ra đời sau thời gian dài đợi mong của bố mẹ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Chị T.T.L (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đang mang thai tuần thứ 33 trải lòng với chúng tôi về câu chuyện 7 năm đi khắp nơi để có thể được làm mẹ của chị: “Vợ chồng tôi kết hôn vào năm 2011. Lúc đó, cả hai vợ chồng cũng đã lớn tuổi nên trông con lắm. Đợi mãi đến 6 tháng vẫn chưa có tin gì nên vợ chồng tôi được ai chỉ chỗ nào có thầy chữa được là đều tìm đến. Có lần được giới thiệu về một ông thầy ở tận trong Vĩnh Long, chuyên chữa hiếm muộn và khả năng thành công cao, chồng tôi nhân tiện có việc trong thành phố Hồ Chí Minh liền tìm đến tận nơi, bốc thuốc cho cả hai vợ chồng”. Cứ vậy, nghe ai chỉ chỗ nào là vợ chồng chị lại tìm đến.

Uống thuốc của không biết bao nhiêu ông thầy nhưng vẫn không có kết quả. Năm 2013, vợ chồng chị đến khám tại Bệnh viện Trung ương Huế thì được kết luận vợ chồng anh chị khó có thai tự nhiên. Sau khi được các bác sĩ tư vấn về các phương pháp điều trị, nhận thấy số tiền cần đến vượt mức mà hai vợ chồng hiện có, hai bên nội ngoại cũng khó khăn, không nhờ được ai nên anh chị tạm gác lại việc điều trị, tập trung vào việc kiếm tiền.

Một năm sau đó, khi đã gom góp được khoản tiền đủ để trang trải cho quá trình điều trị, vợ chồng chị L. tìm đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Sau rất nhiều lần thụ tinh nhân tạo không thành công, vài lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại thì nay chị sắp được chào đón thiên thần của mình. 

2. Ở một câu chuyện khác, vợ chồng anh H., chị D., vừa sinh được một cặp song sinh với một bé trai và một bé gái vào tháng 2-2019 nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sau 7 năm kết hôn.

Anh H. chia sẻ: “Vợ chồng tôi kết hôn vào năm 2011. Lúc ấy, vợ tôi đã 28 tuổi còn tôi cũng đã 31 tuổi nhưng hai vợ chồng vẫn chưa muốn có con. Khoảng 1 năm sau ngày cưới, vợ chồng tôi muốn có con thì lại gặp khó khăn”. Và hành trình tìm kiếm con của vợ chồng anh H. chính thức bắt đầu vào năm 2013. Nghe đâu có thầy giỏi, thầy hay, anh H. cũng không ngại đường xa tìm đến.

Chờ mãi đến năm 2015, chị D. vẫn chưa có tin vui nên hai vợ chồng anh H. khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh, đến khám và điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ. Cứ ngỡ may mắn đã đến với hai vợ chồng nhưng sau một khoảng thời gian mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, hai vợ chồng vẫn không thể giữ con”.
Nghĩ “còn nước còn tát”, sau khi sức khỏe của chị D. dần ổn định, hai vợ chồng tìm đến điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Tại đây, hai vợ chồng anh H. dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo nhưng không thành công. Cũng tại thời điểm này, anh H. biết được rằng thói quen hút thuốc của anh có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến tinh trùng, dẫn đến việc chị D. khó có thể mang thai tự nhiên nên từ dạo ấy, anh bắt đầu cố gắng bỏ thuốc. Anh H. bảo: “Với một người thường xuyên hút thuốc lá như tôi, có khi 2 gói/ngày thì việc bỏ thuốc không phải là chuyện dễ. Nhưng cứ nghĩ đến con là tôi lại có động lực phải bỏ”.

Sau khi được bạn bè, người thân giới thiệu về Bệnh viện Mỹ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), một lần nữa, với hy vọng thành công, năm 2017, vợ chồng anh H. vào lại thành phố Hồ Chí Minh, điều trị tại Bệnh viện Mỹ Đức. Tuy nhiên, đến ngày chuyển phôi vào tử cung thì chị H. phát hiện có khối u phải cắt bỏ ngay nhưng may mắn là u lành. Ngày chuyển phôi phải dời lại.

Cuối cùng, sau 6 năm nuôi hy vọng, ngôi nhà nhỏ của anh H., chị D. giờ đây đã ngập tràn tiếng khóc, tiếng cười ngây thơ của trẻ con. Anh chị đặt tên ở nhà cho bé trai là Rubin, bé gái là Rubi. Đây cũng chính là hai cái tên mà anh chị dự định sẽ đặt có con trai, con gái của anh chị sau ngày cưới. Nhưng không ai biết được rằng, cái ngày được đặt tên cho con của anh chị lại phải trải qua một hành trình dài và khó khăn đến như vậy.

3. Trong câu chuyện về hành trình tìm kiếm con của anh H., chị D., chúng tôi còn bắt gặp những câu chuyện chưa vui. “Tính ra, vợ chồng tôi còn may mắn hơn những cặp vợ chồng hiếm muộn khác rất nhiều. Trong những lần đến bệnh viện này, bệnh viện kia để khám, điều trị, vợ chồng tôi gặp không biết bao nhiêu cặp vợ chồng phải bán cả nhà cửa, đất đai để có tiền đi điều trị. Những khó khăn mà vợ chồng tôi trải qua chưa là gì cả”, anh H. trải lòng.

Rồi chuyện về “xóm hiếm muộn”. Anh H. bảo: “Có đi nhiều nơi chúng tôi mới biết có nhiều cặp vợ chồng cũng không may như mình. Như lần vợ chồng tôi điều trị tại Bệnh viện Mỹ Đức, có rất nhiều cặp vợ chồng khác cũng đến điều trị. Nhiều đến mức mà ai nhìn vào cũng gọi là “xóm hiếm muộn”.

Rồi suốt khoảng thời gian hơn 1 năm từ khi chị D. mang thai đến ngày sinh, chị D. xin nghỉ việc rồi anh chị thuê một căn hộ nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh để ở cho tiện việc qua lại bệnh viện khám thai, phòng khi có trường hợp xấu xảy ra. Và chủ nhân của căn hộ ấy cũng chính là một cặp vợ chồng cũng bị hiếm muộn đã điều trị thành công.

Vì cũng từng ở trong hoàn cảnh ấy, hiểu được những khó khăn trong việc tìm kiếm một chỗ ở đầy đủ tiện nghi với giá “mềm” trong khoảng thời gian điều trị ở nơi đất khách quê người; đồng thời mong muốn chia sẻ một phần nào đó khó khăn, tiếp thêm động lực cho những cặp vợ chồng không may, cặp vợ chồng ấy đã xây những căn hộ tuy nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi để những cặp vợ chồng hiếm muộn đến thuê. Người này giới thiệu người kia. Nơi đây dần trở thành “xóm hiếm muộn”.

Cuối cuộc hẹn, anh H. chia sẻ: “Là đàn ông, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải yêu thương vợ. Với tôi, vợ tôi đẹp nhất là giai đoạn mang thai. Và đây cũng chính là giai đoạn mà người vợ cần chồng nhất”.

Còn chị L. thì nhắn gửi lời khuyên rằng: “Tôi nghĩ, các cặp đôi trẻ chuẩn bị kết hôn nên chuẩn bị sức khỏe thật tốt, nên đi khám tiền hôn nhân để sớm phát hiện được những khó khăn trong việc mang thai để nếu chẳng may không thể mang thai tự nhiên thì có thời gian để chuẩn bị tốt cả về tâm lý lẫn tài chính, để điều trị càng sớm càng tốt”.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.