Yên lặng để lắng nghe (*)

.

Đập vào mắt tôi là bìa sách màu xanh nhìn rất bình yên và mát mẻ, và hai từ “thủ thỉ” nghe thật dễ thương trong dòng tựa “Tiếng chim nào thủ thỉ dưới mái hiên”. Trong nhịp sống hối hả nhường này, mấy khi chúng ta thực sự tận tâm dành cho nhau đôi ba ngày lặng yên để nghe thiên nhiên hay cuộc đời thủ thỉ?

Ảnh: M.T
Ảnh: M.T

Là một tiến sĩ khoa học, là doanh nhân, Đinh Hoàng Anh có chiều sâu nội tâm của một người yêu thi ca. Chị có duyên với những trang thơ, trang viết nhẹ nhàng, bay bổng và đậm chất “thiền”.

Với lối viết mượt mà, tập tản văn Tiếng chim nào thủ thỉ dưới mái hiên được chia làm ba phần: Lời ru từ nhân gian, Lời ru từ trời đất và Lời ru từ bản thể. Mỗi phần có hơn hai mươi câu chuyện khác nhau. Đó chính là những tình huống ứng xử giữa người với người, là vẻ đẹp của thiên nhiên và tạo hóa, là những chiêm nghiệm cá nhân trong những phút lắng lòng yên dạ.

Nếu ai yêu thiên nhiên, có lẽ họ sẽ chọn đọc phần Lời ru từ trời đất đầu tiên. Những cái tựa như Trăng trong phố, Cây thông xanh hay Cánh đồng trong sương chiều tạc nên những bức tranh về cỏ cây, núi đồi thật đẹp đẽ, không ngừng đánh thức trí tưởng tượng của người đọc.

Nhưng đừng lầm tưởng tác giả chỉ đơn thuần dùng ngòi bút của mình rồi chấm phá về quang cảnh, về những khoảnh khắc giao hòa của trời đất. Đằng sau những nét phác họa thiên nhiên mộc mạc là những chiêm nghiệm về cõi người rất sâu sắc.

Một trích đoạn trong bài Sâu và hoa viết như thế này: “Có lần cây hoa hồng nhà tôi bị sâu ăn trụi hết lá. Tôi rất buồn, chỉ sợ cây chết. Anh làm vườn im lặng nghe tôi phàn nàn rồi thủng thẳng: Không sợ cây chết đâu cô ơi, cũng chẳng cần phun thuốc sâu nữa đâu. Sâu ăn hết lá sẽ tự rơi xuống và chết. Bây giờ lớp lá non khác sẽ mọc lên. Chỉ cần gốc rễ vẫn tươi tốt thì cây sẽ lại ra hoa”.

Trong Tiếng chim nào thủ thỉ dưới mái hiên của Đinh Hoàng Anh, tác giả đã trao gửi những câu chuyện và thông điệp một cách thật tự nhiên và gần gũi. Gần như hơi thở, gần như một tiếng nói chân thành từ đứa bạn thân.

Hoặc như một câu chuyện mà người bà kể cho đứa cháu nhỏ thiết tha hóng chuyện: “Trong một cuộc chiến tranh luôn cần những người y tá, những người phụ nữ hiền dịu để băng bó vết thương, hát ru cho người sống và cả cho người chết. Trong một trận thiên tai cũng cần những người ngồi tại nhà, đun lửa để sưởi ấm những ai mệt mỏi trở về từ gió bão. Và giữa những nhịp rối ren loạn lạc của nhân gian, càng cần hơn những trái tim khiêm nhường, bình thản, với đức tin và lòng nhẫn nại, không gì lay chuyển”.

Gần trăm bài viết với những chi tiết, cấu tứ khác nhau nhưng điểm chung của cuốn sách là bài nào cũng có cách mở đầu thật duyên dáng, khiến người đọc dễ dàng bắt nhịp và cảm thụ. Chúng trong veo, êm ái và tràn đầy năng lượng yêu đời như những tiếng chim ban sớm, cứ thủ thỉ thủ thỉ rót vào tai lữ khách, để rồi ai cũng dừng chân, tìm về với cõi lặng yên để lắng nghe nhịp đập của trái tim, tất cả lại quện hòa khiến cho cõi nhân gian thêm an yên, tĩnh tại.

Giữa dòng chảy tất bật của những áp lực, trách nhiệm, sai - đúng của nhịp sống hiện đại, tin rằng, những thông điệp nhỏ mà Đinh Hoàng Anh gửi đến độc giả là những món quà giá trị, giúp mỗi người định giá đúng hơn về những điều thiện mỹ, để rồi tìm lại được nhịp sống lành mạnh, cân bằng và nhân ái hơn với vạn vật vạn người xung quanh.

Mỗi chúng ta hãy bớt đi một vài nhịp ồn ào, để cùng yên lặng lắng nghe những thanh âm dịu dàng ngân vang từ cuộc sống. Một tiếng chim gù dưới mái hiên ban sớm hay một tiếng còi tàu xé vào cái nắng rát ban trưa, dù khởi đầu hay ly biệt đều ý nghĩa, thiết tha như nhau.

Minh Thi

(*) Đọc Tiếng chim nào thủ thỉ dưới mái hiên - Đinh Hoàng Anh - NXB Phụ nữ, phát hành năm 2018.

;
;
.
.
.
.
.