"Giải cứu" rạn san hô

.

Không thể làm ngơ trước hàng nghìn cụm san hô bị đạp gãy, bị cày xới bởi mỏ neo tàu du lịch và sẽ trở thành xương trắng sau mùa mưa bão nếu không được cứu hộ tạm thời, những ngày qua, tại bãi Nam thuộc Bán đảo Sơn Trà, các thành viên của nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã Sasa Team Marine Animals Rescue (Trung tâm cứu hộ sinh vật biển, gọi tắt là Sasa)đã không ngại trầm mình hàng giờ liền dưới làn nước lạnh buốt để dọn dẹp, loại bỏ các mối nguy hại cho san hô, cố định những cành san hô gãy vào giá thể...

Dũng và các thành viên trong nhóm Sasa đang cố định san hô gãy vào bàn dưỡng. Ảnh: T.Y
Dũng và các thành viên trong nhóm Sasa đang cố định san hô gãy vào bàn dưỡng. Ảnh: T.Y

“San hô bị gãy đổ quá nhiều, có những cụm san hô bàn (table coral) đường kính lên đến gần 1m bị đạp gãy, san hô gạc nai thì vỡ vụn nhiều vô số kể. Nhiều cụm san hô rất lớn, vài chục năm tuổi bị quật nát và bật khỏi giá thể bởi mỏ neo của những chiếc ca-nô chở khách đi tour lặn biển ngắm san hô. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để cứu hộ và nuôi dưỡng chúng”, vừa lên khỏi mặt nước, Trưởng nhóm Sasa Lê Chiến nói với chúng tôi bằng vẻ mặt đầy hối tiếc xen lẫn thất vọng.

Thường xuyên ngụp lặn dưới đáy biển để kiểm tra, cứu hộ và theo sát sự phát triển của các cá thể san hô, anh Chiến cùng nhiều thành viên khác của Sasa cho hay san hô ở bãi Nam đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi mỏ neo của tàu du lịch. Thậm chí, nhiều du khách trong quá trình lặn ngắm san hô do thiếu kỹ năng và kiến thức chăm sóc, bảo vệ sinh vật biển, trong đó có san hô, đã vô tư dẫm chân lên chúng.

Tại bãi Nam, mỗi ngày màu trắng của san hô chết càng nhìn rõ hơn, diện tích lan rộng, đứng trong bờ có thể nhìn thấy những bãi nghĩa địa san hô dài đến hàng cây số. Nguyễn Dũng, một thành viên của nhóm Sasa đã phải thốt lên: “Giờ lặn đâu cũng thấy san hô chết. Mỗi bàn dưỡng nhiều nhất chỉ có thể cứu hộ được khoảng 20-30kg san hô các loại. Mỗi giá thể nhân tạo theo thiết kế cũng như tài chính hiện tại của chúng tôi nhiều nhất cũng chỉ giải phóng được khoảng 3 bàn dưỡng san hô. Thời gian dưỡng trước khi đưa lên giá thể mất khoảng 4-5 tuần. Sau vài ngày giông theo một khung giờ cố định, biết bão sắp vào, chúng tôi thống nhất đẩy nhanh tiến độ, bởi bàn dưỡng không thể đương đầu với luồng nước bão, bàn có thể không hỏng nhưng chắc chắn sẽ lật, như thế mọi thành quả của suốt mùa lặn năm nay lại thành công cốc”, Dũng lo lắng.

Từ tháng 7 đến nay, mỗi tuần, nhóm Sasa đều đặn 3 lần ra biển. Có hôm, cả nhóm ra biển 3 ngày liên tục, làm việc quần quật từ thi công sắt làm bàn dưỡng, vác đá chuẩn bị làm giá thể nhân tạo, ngụp lặn từ 6 giờ sáng đến hơn 4 giờ chiều. “Nhiều khi vừa hạ giá thể đầu tiên xuống biển, anh em lên bờ chưa kịp nghỉ ngơi, đã điếng người lo lắng khi chứng kiến 6 tàu du lịch cùng lúc quần thảo khu vực có rạn san hô tại khu vực nước sâu chừng 2 mét”, Dũng chia sẻ.

Tự nhận mình chỉ là anh thợ sắt hằng ngày tạo ra những bàn dưỡng cho san hô, Dũng cho biết cả nhóm từng nhịn ăn, mặc cả từng đồng khi mua vật liệu chế tạo nên bàn dưỡng, thao thức thiết kế những neo bù cho tàu du lịch không thả neo trong rạn san hô nhưng sẽ là “công cốc” nếu con người tiếp tục tàn phá.

Mỗi ngày, không chỉ ngụp lặn dưới đáy biển để nhặt nhạnh từng giá thể san hô gãy đổ mang về neo vào các bàn dưỡng, 7 thành viên chính thức (chưa kể một số cộng tác viên) của nhóm Sasa còn khuân hàng tạ đá từ bờ ra để chèn, cố định bàn dưỡng nhằm chống trôi, tránh lật ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của san hô. Dũng cho biết: “Thời gian này chúng tôi đang chạy đua với bão, thiên nhiên là không thể đoán định, chỉ còn cách gắng hết sức mình thôi”.

Hoàng Yến, một thành viên của Sasa chia sẻ, trong quá trình tham gia cứu hộ, trực tiếp lặn biển của các thành viên, họ nhận ra một điều là tại bãi Nam, nguyên nhân chính khiến san hô bị hư hại là do khách du lịch, người đi lặn không chuyên, hoặc các ngư dân, thanh niên đi bắt ốc ở khu vực gần bờ, độ sâu chỉ khoảng 2-3 mét. Ngoài công tác cứu hộ, Sasa đang cố gắng triển khai hệ thống neo bù cho ca-nô, phao nổi cảnh báo độ sâu và khu vực dưỡng san hô. Tuy nhiên, muốn làm được việc này trước tiên cần có tài chính cũng như sự cho phép của cơ quan chức năng.

Cũng theo Yến, hiện tại nhóm đang tích cực kêu gọi sự đóng góp kinh phí của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tạo ra nhiều bàn dưỡng san hô hơn nữa, đồng thời lên mạng xã hội kêu gọi người dân không vứt túi ni-lông, vỏ lon bia, lon nước ngọt, rác thải xuống biển nhằm bảo vệ môi trường sinh sống của các loài sinh vật biển nói chung, san hô nói riêng.

Bằng tình yêu thiên nhiên và sự nỗ lực không ngừng, đến nay đã có 8 bàn dưỡng san hô được nhóm Sasa triển khai tại bãi Nam. Các rạn san hô được nuôi dưỡng đều phục hồi tốt, phát triển ổn định, lấy lại được màu sắc và không bị rêu hại xâm lấn. Theo anh Chiến, việc cứu hộ san hô hiện nay của nhóm tuân thủ theo 5 bước, trước tiên là dọn dẹp rạn san hô, loại bỏ các mối nguy hại gián tiếp và trực tiếp tới san hô; tìm kiếm và cứu hộ san hô bị tổn thương hay gãy đổ; chuẩn bị các bàn dưỡng, cố định và dưỡng san hô từ 1-2 tháng; chăm sóc, loại bỏ các yếu tố gây hại như tảo, ốc, sao biển và cuối cùng là cố định san hô sau khi dưỡng vào giá thể tự nhiên hoặc xây dựng giá thể nhân tạo.

Sau hơn 1 năm thành lập, nhóm Sasa đã trực tiếp tham gia cứu hộ thành công các loài động vật hoang dã cũng như sinh vật biển như rùa biển, cá heo... Mỗi người một công việc, một quê quán khác nhau nhưng đã gặp nhau bởi chung tình yêu với thiên nhiên và các loài sinh vật biển. Được biết những ngày này, các thành viên của nhóm Sasa vẫn đều đặn ra biển. Ngoài khơi kia, mùa mưa bão đang cận kề và Sasa nói rằng mình cũng đang chạy đua với điều đó.

TIỂU YẾN
 

;
;
.
.
.
.
.