Huỳnh Ngọc Huệ với phong trào cách mạng thành phố Đà Nẵng

.

Huỳnh Ngọc Huệ sinh ra và lớn lên trong một làng quê nghèo thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, song cả cuộc đời hoạt động ngắn ngủi của mình, ông dường như cống hiến trọn vẹn cho phong trào cách mạng của thành phố Đà Nẵng.

Chân dung đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ (1914-1949). (Ảnh tư liệu)
Chân dung đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ (1914-1949). (Ảnh tư liệu)

Một bông Huệ quý!

Tháng 3-1945, vừa thoát khỏi nhà lao Đà Nẵng, Huỳnh Ngọc Huệ tìm đến nhà ông Lê Văn Mậu tại Đà Nẵng để móc nối, xây dựng cơ sở hoạt động. Được sự giúp đỡ của ông Nguyễn Tấn Hà, ông Lê Văn Mậu đã tìm mua một căn nhà tranh ở xóm Mả Vôi, gần chùa Tứ Bang (đường Hoàng Diệu, thành phố Đà Nẵng hiện nay), để Huỳnh Ngọc Huệ làm cơ quan bí mật của Đà Nẵng(1). Theo lời kể của Đại tá Công an nhân dân Dương Văn Minh thì: “Tại Đại Lộc, anh Huệ vừa biên tập, in ấn và phát hành báo “Cờ giải phóng” để làm tài liệu tuyên truyền cho cách mạng; vừa tự chèo ghe từ Đại Lộc ra Đà Nẵng và ngược lại để xây dựng cơ sở!”(2).

Tháng 5-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam  tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng trên chiếc thuyền tại bến đò Ông Đốc (Đại Lộc), Huỳnh Ngọc Huệ được Tỉnh ủy phân công phụ trách Đà Nẵng. Với uy tín và sự nhiệt tình của mình cùng với việc năng nổ hoạt động tuyên truyền, xây dựng cơ sở, tháng 7-1945, Mặt trận Việt Minh thành phố Đà Nẵng được thành lập tại nhà bà Nguyễn Thị Nhỏ, gồm có: Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Văn Quý, Nguyễn Thị Phi, Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Văn Tôn, Lê Vãn Mậu. Cuộc họp quyết định lấy tên “Mặt trận Việt Minh thành Thái Phiên” để đặt cho thành phố Đà Nẵng. Ngày 12 và 13-8-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Tòng (Khương Mỹ, Tam Kỳ) và phân công Huỳnh Ngọc Huệ chuẩn bị mọi điều kiện để giành chính quyền tại Đà Nẵng.

Đến ngày khởi nghĩa, ngày 22-8-1945, Huỳnh Ngọc Huệ chỉ đạo một đoàn biểu tình cùng hai cán bộ tự vệ là Nguyễn Hồng Minh, Đoàn Bá Từ (có vũ trang bằng súng lục) từ sáng sớm đi vào huyện đường Hòa Vang để trao lệnh cho viên Tri huyện Hòa Vang giao chính quyền, hạ cờ quẻ li xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên. Đây là thắng lợi có tính quyết định trong việc giành chính quyền tại Đà Nẵng, bởi huyện đường Hòa Vang (chỗ chợ Mới, phường Hòa Thuận, quận Hải Châu), nằm tuy sát Đà Nẵng song ta cướp chính quyền rất gọn nên không gây náo động đối với đội Nhật còn đóng tại đây(3).  

Ra đi trong sự thương tiếc của mọi người

Khi thực dân Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa, Ban Chỉ huy Quân sự mặt trận Liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng do ông Đàm Quang Trung làm chỉ huy trưởng, Nguyễn Bá Phát làm chỉ huy phó, Trương Quang Giao làm Bí thư Liên Tỉnh ủy làm Chính ủy, các ông Nguyễn Quyết, Huỳnh Ngọc Huệ làm Phó Chính ủy.

Ngày 15-12-1946, Thành ủy Đà Nẵng triệu tập cuộc họp gồm tất cả cán bộ chủ chốt quân- dân - chính- đảng, khu phố, chi bộ trực thuộc nghe ông Hoàng Quốc Việt thay mặt Tổng bộ Việt Minh và ông Huỳnh Ngọc Huệ thay mặt Xứ ủy Trung bộ phổ biến tình hình toàn quốc và chỉ thị của Trung ương cho các địa phương, nhất là thành phố Đà Nẵng. Đọc các công trình lịch sử Đảng bộ của các địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay, chúng ta đều thấy nhắc đến Huỳnh Ngọc Huệ, cho thấy ông tất tả ngược xuôi khắp nơi để nắm tình hình, chỉ đạo trực tiếp các hoạt động của Đà Nẵng, nhất là việc khẩn trương vận động nhân dân đi tản cư.

Việc quân dân Đà Nẵng phát lệnh tấn công quân Pháp không như kế hoạch, sau này Huỳnh Ngọc Huệ có nhắc lại sự kiện này với tinh thần vừa tiếc một cơ hội lớn, vừa có vẻ không hài lòng: “Theo anh Huỳnh Ngọc Huệ - Chính ủy, Đàm Quang Trung - Tư lệnh cho biết, quân ta đã áp sát, đợi lệnh đến 4 giờ sáng thì có lệnh đánh nên chẳng kết quả”(4). Sau khi thực hiện “vườn không nhà trống” tại Đà Nẵng, Huỳnh Ngọc Huệ vẫn thường xuyên đi lại nội thành Đà Nẵng và Hòa Vang để chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc họp do đồng chí Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng cử về chỉ đạo tình hình tại Quảng Nam – Đà Nẵng được ông tổ chức rất chu đáo và hiệu quả(5).

Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, cũng như các địa phương khác, Đà Nẵng thiếu vũ khí để đánh địch, nhiều ý kiến đề xuất nên tìm mua vũ khí, riêng “Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ sớm đặt vấn đề sản xuất vũ khí tại chỗ thay vì đi mua” . Từng học kỹ thuật tại trường Bá công kỹ nghệ tại Huế, nên Huỳnh Ngọc Huệ đã nghĩ đến việc sử dụng thuốc nổ thủy lôi của Pháp, Nhật còn lại tại Đà Nẵng để sản xuất mìn.

Thực hiện chủ trương đó, xưởng sản xuất vũ khí của Đà Nẵng ra đời, do đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thành ủy viên, Trưởng ban Quân sự thành phố Phạm Văn Trình phụ trách, đó chính là tiền thân của xưởng vũ khí Nho – Bán của Đà Nẵng sau này. Bởi theo Huỳnh Ngọc Huệ thì trong tình hình thực tế lúc bấy giờ, ta chưa đủ điều kiện để chế tạo các loại vũ khí khác, mà chỉ có thể chế tạo lựu đạn là loại vũ khí đơn giản nhưng có mức sát thương cao, có uy lực trong đánh phục kích, đánh cận chiến trong thành phố cũng như công đồn hoặc tử thủ(7). Sau này, trong chuyến đi công tác ra Bắc, Huỳnh Ngọc Huệ có nhắc lại việc này cho một nhà báo của Khu 4 ghi lại, ông kết luận chuyên môn thì Khu 4 có điều kiện hơn Khu 5, do có nguyên liệu nhiều, thợ thuyền nhiều, kỹ sư cũng nhiều “Nhưng về phần kỹ thuật của vũ khí, quân giới Khu 5 đã chú ý nhiều hơn”(8). Đến năm 1951, sau khi ông qua đời, Quảng Nam - Đà Nẵng có 5 xưởng sản xuất vũ khí, trong đó có xưởng mang tên Huỳnh Ngọc Huệ...

Tướng Trần Văn Trà sau này nhớ lại kỷ niệm của mình với Huỳnh Ngọc Huệ vào những ngày cuối đời của ông như sau: “Năm 1948, tôi làm trưởng phái đoàn quân dân chính đảng Nam bộ lần đầu tiên ra Trung ương (Việt Bắc) và năm 1949 trở về Nam, tôi gặp lại đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đang là Phó Bí thư Khu ủy Khu 5, phụ trách Trường Đảng ở vùng rừng núi Quảng Ngãi (lúc ấy đồng chí Nguyễn Duy Trinh là Bí thư Khu ủy và đồng chí Chánh là Tư lệnh Chính ủy Quân khu 5).

Tôi và đồng chí Huệ đã hàn huyên với nhau suốt cả một đêm không ngủ tại nhà đồng chí Huệ ở. Hôm sau tôi chia tay đồng chí Huệ cùng đoàn vào Nam nhưng một ngày sau tôi lại trở lại vì có việc cần, thì mới biết là đồng chí Huệ đã qua đời và đã chôn cất xong. Đồng chí bị phong đòn gánh từ một vết nhỏ ở bàn chân đã sắp lành bên ngoài. Ngay buổi sáng tôi lên đường về Nam thì đồng chí Huệ lên lớp ở trường Đảng. Đang giảng bài thì miệng bị cứng không nói được rồi lan ra khắp người và vì không chạy kịp thuốc nên đồng chí đã mất. Thật là đau xót. Tình trạng thiếu thuốc men ở Khu 5 thời chống Pháp đã cướp mất của chúng ta một đồng chí thân yêu, của Đảng và nhân dân một người con ưu tú, không gì bù đắp nổi”(9).

Tài năng, uy tín, đức độ của ông, nhất là vai trò của ông với phong trào cách mạng Quảng Nam và Đà Nẵng thì ai cũng thừa nhận là rất xuất sắc. “Tôi thường đánh giá ngang nhau hai đồng chí mà tôi yêu mến đó là đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Cả hai đồng chí cùng một thời, một người xuất thân là công nhân, một người là nông dân, nhưng cả hai đều kiên cường, năng động, sẵn sàng hy sinh tất cả cho Đảng, cho dân, cả hai đều có đức độ cao, tánh tình hiền dịu dễ mến, ngay thẳng, rất sôi nổi trong tranh luận và hoạt động, tuy đồng chí Huệ có trội hơn một ít và hiểu biết và có một tác phong của công nghiệp, thành thị, của một công nhân có trí thức” (Hồi ký đồng chí Trần Văn Trà).

Huỳnh Ngọc Huệ là một người con ưu tú của xứ Quảng, là một người cộng sản thông minh, trung kiên và hết mình dấn thân cho sự nghiệp cách mạng tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Con người ấy rất xứng đáng để chúng ta kính trọng, tưởng niệm và tri ân trong những năm tháng xây dựng quê hương và bảo vệ đất nước trong tình hình mới tại Đà Nẵng và Quảng Nam hiện nay.

LƯU ANH RÔ

(1) Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1925 – 1954), Nxb Đà Nẵng,  tr.82.
(2) Nhớ mãi mùa Thu cách mạng, Nxb Đà Nẵng,  
(3) Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1925 – 1954), Nxb Đà Nẵng,  tr.89.
(4) Hồi ký đồng chí Lê Văn Hiến, tài liệu mang ký hiệu số A – V -117, hiện lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng .
(5) Hồi ký đồng chí Chế Viết Tấn. Hiện lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng .
(6)Tài liệu “Sơ bộ nhận định về đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ”, tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.
(7) Dẫn theo sách “Đà Nẵng – 1946”, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng ấn hành năm 2006.
(8) Báo Lao động trang 6 + 1G số 103 ngày 16-6-1949.
(9) Hồi ký đồng chí Trần Văn Trà, tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.



 

;
;
.
.
.
.
.