Nhớ quanh co núi đồi

.

Khi tôi bằng cô bé này (ảnh), hoặc nhỏ hơn một chút, tôi cũng thường theo bố mẹ đi chợ. Từ nhà đến chợ thị xã gần chục cây số, một bên núi, một bên sông. Nhà có một vườn cam, nên đến mùa thu hoạch là hai bố mẹ lại ngày ngày thồ cam lên chợ bán. Tôi ngồi như đánh đu sau xe bố, hai bên là hai sọt cam lúc lỉu. Đến chợ, bố mẹ bày cam ra bán. Thỉnh thoảng mẹ có việc chạy đi đâu đó lại dặn tôi ngồi trông hàng cho mẹ.

Tôi hay sợ đủ thứ. Sợ có khách đến hỏi mua thì không biết cân cho đúng, sợ nhất cân xong không biết tính tiền. Nhỡ thiếu, hoặc thừa thì sao? Và đến chợ, lúc nào tôi cũng thèm một chiếc bánh chưng rán. Tôi ngồi đợi mẹ bán được cân cam đầu tiên. Nhất định, hễ bán được cân cam đầu tiên là mẹ sẽ cho tôi tiền đi mua một chiếc bánh chưng.

Bánh bé bằng bàn tay, rán trên cái mâm, và gói trong lá dong. Ngon lắm. Đời tôi đến giờ chưa ăn món gì ngon như bánh chưng rán ở chợ thị xã khi ấy. Giờ nhớ lại, vẫn hình dung ra cái mùi mỡ lợn thơm thơm còn dính ở mép, cái vỏ bánh giòn giòn, nhân bánh có miếng thịt mỡ to đến nỗi có lẽ phải dùng kính lúp mới soi thấy. Cả năm làm lụng, chỉ đến Tết mới có bánh chưng mà ăn cho no nê, đã đời. Còn thì, thi thoảng cứ mong ngóng những phiên chợ như thế. Được ăn một chiếc bánh chưng nhỏ xíu, và được mua vài cuốn sách.

Tôi đã không hề biết rằng mẹ tôi phải chắt chiu từng đồng lẻ một, ky ky cóp cóp, dồn lại thành từng món, cho hai ông anh tôi đi học ở xa. Hè, Tết mới về. Mỗi khi về thì ai cũng gầy đến đếm được từng dẻ xương sườn. Bố mẹ tôi, những người làm vườn chăm chỉ ấy, đã lường trước được rằng: Nếu như không học hành tử tế thì rồi tương lai sẽ lại chỉ loanh quanh với đất đai, vườn tược, lợn gà, đầu tắt mặt tối cũng chẳng đủ ăn.

Thế nên, cái dạo tất cả mọi khu vườn, cánh đồng, đồi núi, bờ sông… quanh làng đều biến thành bãi đào vàng, những con suối cả ngày đục ngầu sôi sục, thì riêng khu vườn của bố mẹ tôi vẫn lặng như tờ, và cây cối cứ yên bình mà xanh tươi. Ai ai cũng bỏ học để đi đào vàng, trừ hai ông anh ngốc của tôi. Ngày qua ngày, chịu đói chịu rét, cố mà học cho nó xong cái sự nghiệp có lẽ chính các anh cũng chả hiểu theo đuổi thì sẽ đi đến đâu. Mà trên hết chỉ là, thương bố thương mẹ, thì điều đầu tiên là hãy biết vâng lời.

Chúng tôi đã phải biết ơn bố mẹ biết bao, vì chưa một lúc nào nhụt chí, chưa một lúc nào thở dài, chịu thua số phận.

Em bé này ngồi bán rau phụ mẹ. Mẹ em đã chạy đi đâu đó, mua sắm cái gì đó, hoặc có lẽ còn đang quay về nhà để mang chuyến rau tiếp theo xuống chợ. Mà bán hàng ở tỉnh nó khác chợ phiên ở xã. Rau phải nhặt sẵn, để người mua chỉ việc mang chỗ rau đã sạch sẽ về nhà mà nấu bữa trưa. Nhưng bà Mông bán ngay bên cạnh bảo bà không biết tước rau bí, ai mua thì tự mang về mà tước. Hẳn là ở nhà bà, nếu có ăn rau bí thì cũng cứ thế mà quẳng vào nồi chăng? Thế nên người mua lại quay sang hàng rau của em bé, và vì thế, em cặm cụi ngồi tước. Mắm môi mắm lợi mà tước.  Còn vụng, loay hoay chật vật nhưng rất chăm chú. Nếu tôi mua rau bí thì thực ra là tôi mua cái sự chăm chú ấy thôi.

Tôi tự hỏi, không biết bán xong chỗ rau bí kia thì mẹ có cho em mua một món gì đó mà em rất thích không? Hồi bố mẹ tôi bán cam, bốn sọt cam mà bán hết, được giá thì cũng có một món tiền
tươm tất. Vì cam dù sao cũng có giá hơn rau bí. Còn cái chỗ rau bí kia, bán hết chẳng biết được bao nhiêu.

Đây là cái chợ tạm, tự phát, nên chỉ họp đến tầm 9 giờ sáng là sẽ bị dẹp. Có khi còn sớm hơn. Người bán chủ yếu có gì trong vườn, trong nhà thì mang đi. Người mua là dân quanh khu phố, ngại ra chợ trung tâm. Một ít rau bí, hoa bí, một bó hành còn nguyên cả đất, một rổ bí non, một con gà đang nhốt trong bu thi thoảng lại kêu quang quác, dăm bảy quả trứng để trong cái rá cũ, một ít tôm lẫn cá bống chắc vừa được xúc từ sáng sớm… Bán hết hay không thì đến giờ cũng giải tán.

Với tôi, những phiên chợ xa xưa luôn chứa đựng những điều gì đó, rất rực rỡ, lấp lánh, tươi mới. Khi tôi chạm vào nó, tôi thấy tim mình reo vui, rộn ràng. Ngày qua ngày, tôi sống ở làng. Sáng đi học, chiều vào rừng, ra suối, ra sông. Cắt rau chăn lợn, cắt cỏ nuôi cá, lấy củi về cho mẹ nấu rượu, đi đào măng, câu cá… Tôi cứ loanh quanh với cái xó rừng ấy. Và mỗi khi trời xẩm tối, cơm đã nấu xong, bố mẹ còn làm cố nốt miếng vườn giáp với đường ô-tô cho sạch cỏ, tôi ngồi trên hè nhà, tựa lưng vào cái cột mốc thếch, trong tiếng muỗi vo ve, và nhìn chăm chú lên cái khoảng sáng sáng phía ngôi sao hôm vừa mọc. Cái khoảng sáng ấy là do ánh điện từ đường phố và các tòa nhà ở thị xã hắt lên. Xa lắm. Nhưng vì trời tối, ánh lửa từ trong bếp hay ánh đèn hạt đỗ mà tôi vừa thắp chẳng có nghĩa lý gì với cái khoảng đen thui mà trời vừa ụp xuống thung lũng, nên góc trời phía bắc của ngôi làng luôn sáng rực lên. Ánh sáng vượt qua những đỉnh núi nhấp nhô ấy đã mang đến cho tôi bao nhiêu ước mơ.

Tôi nghĩ là tôi sẽ không bao giờ quên cái quầng sáng phía thị xã ấy, cho dù những ước mơ trẻ thơ thì có thể dần rơi đâu mất.

Khi tôi theo mẹ đi chợ, là tôi đi từ phía bóng tối về phía ánh sáng. Đúng nghĩa là như thế đấy. Và khi tan chợ, thì tôi đi ngược lại. Có những ngày ế ẩm, bố mẹ đổi chỗ đứng bán liên tục mà mãi vẫn không hết cam. Cuối ngày, cam bị nẫu. Bố tôi thường là người đưa ra quyết định “bán tống bán tháo”. Được đồng nào hay đồng nấy. Mẹ tôi thì xót, thở dài, tiếc của. Bao nhiêu mồ hôi đã đổ xuống gốc cam, bao nhiêu âu lo, bao nhiêu hy vọng.

Những buổi chợ ấy bố mẹ không vui, lẳng lặng đạp xe ra về. Trời tối nhanh lắm, phải đạp liên tục kẻo không nhìn thấy đường. Con đường trăng trắng, ngoằn ngoèo. Bên trái dòng sông rì rào chảy, bên phải cây cối lao xao, những con bìm bịp đập cánh phành phạch và lao vun vút ngay trước mặt… Bố mẹ cứ cắm cúi đạp, còn tôi thì luôn ngoái cổ nhìn lại sau lưng. Những bóng điện sáng rực rỡ đã được người ta bật lên. Sáng lắm. Ánh sáng đựng bao nhiêu mong ước của tôi. Thế mà chúng tôi lại đi từ phía ấy để quay về với cái thung lũng tối mịt mùng, đầy tiếng muỗi vo ve, và cái bếp lửa thì đang nguội ngắt, tắt ngóm, đợi người về nhóm lên.

Tôi đã đi khỏi cái bóng tối ấy. Khi tôi đi, điện đã về tới. Lũ trẻ sau tôi không còn phải ước mơ từng đêm khi nhìn cái quầng sáng hắt lên bầu trời. Nhưng kỳ lạ là, bây giờ nhớ cái thung lũng ấy tôi lại nhớ bóng tối nhiều hơi. Nhớ những đêm mịt mùng kéo dài lê thê, và mỗi tháng một lần, trăng lại tròn, lạnh giá nhưng quyến rũ biết bao.

Càng nhiều thứ mất đi thì ký ức càng rõ nét, lạ thế!

Mấy hôm nay nhìn bố, chợt nhớ cái lưng ướt đẫm mồ hôi của bố năm nào ở ngay trước mắt, thồ cam và thồ cả con gái lên chợ qua bao nhiêu quanh co núi đồi...

Đỗ Bích Thúy
 

;
;
.
.
.
.
.