Quả ngọt từ sự chung tay

.

Chủ trương xã hội hóa với mục đích huy động sự đóng góp của phụ huynh và các nguồn lực xã hội nhằm tạo môi trường học tập tốt hơn cho học sinh (HS) những năm qua đã giúp cho các trường có thêm cơ sở vật chất, điều kiện học tập của con trẻ cũng nâng lên rất nhiều. Và qua đó, phụ huynh hiểu hơn về sự chung tay, đồng hành cùng nhà trường, có ý thức trách nhiệm hơn trong việc học của con.

Phụ huynh Trường mầm non Bình Minh tham gia làm đồ tái chế từ các vật dụng gia đình đã hỏng do chính phụ huynh ủng hộ. Ảnh: H.T
Phụ huynh Trường mầm non Bình Minh tham gia làm đồ tái chế từ các vật dụng gia đình đã hỏng do chính phụ huynh ủng hộ. Ảnh: H.T

Xã hội hóa nguồn lực

Gần 25 năm gắn bó với Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà), thầy Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng nhà trường kể, trước đây, sân trường là mênh mông cát, thầy và trò muốn vào lớp phải trầy trật lội cát. Liên tiếp trong 3 năm, từ năm 1995, mỗi phụ huynh ủng hộ 10.000 - 15.000 đồng để làm sân trường và đến năm 1998, giờ ra chơi, học sinh có thể chơi đùa, chạy nhảy thoải mái trên mặt sân được lát bê-tông. Cũng từ nguồn xã hội hóa, 5 năm trở lại đây, Trường THCS Lê Độ đã lắp đặt hệ thống camera trong sân trường, hành lang và trước cổng trường.

Hệ thống camera vừa giúp bảo đảm an ninh trường học, vừa giúp HS có ý thức về chuyện giữ gìn vệ sinh, không đánh nhau, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không mang điện thoại di động đến trường... Chia sẻ kinh nghiệm trong huy động xã hội hóa, thầy Hùng cho biết: “Một số trường không làm cho phụ huynh hiểu hết được trách nhiệm của mình đối với ngôi trường mà con em họ đang học.

Đúng là khi phụ huynh đưa con đến trường, thì nhà trường có trách nhiệm giáo dục, chăm sóc con em họ, nhưng nhà trường phải làm sao để phụ huynh thấy được rằng, mình cũng là thành viên của nhà trường để đồng hành trong các hoạt động.

Chúng tôi có chủ trương nếu “xin” phụ huynh đầu tư cái gì thì làm đúng cái đó, có phụ huynh cùng tham gia giám sát. Đặc biệt là chúng tôi không huy động đóng góp bằng cách cào bằng, phụ huynh hoặc nhóm phụ huynh nào tặng hiện vật, nhà trường đều có sổ vàng ghi nhận và chỉ phục vụ cho HS”.

Thầy Hùng cũng cho rằng, xã hội hóa không chỉ là kêu gọi phụ huynh đóng góp mà phải làm sao để phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con và cùng nhà trường bàn cách phát triển. 20 năm trước, HS trong vùng cứ tốt nghiệp tiểu học là trường phải cử người xuống trường tiểu học nhận hồ sơ HS, nhưng đến năm 1998, thầy Hùng đề nghị UBND phường và trường tiểu học thông báo rằng phụ huynh cần phải mang hồ sơ đến trường làm thủ tục cho con em mình vào học lớp 6.

“Thay đổi một thói quen là không dễ, và chúng tôi phải mất 2 năm học chỉ để phụ huynh làm động tác tự mình đi làm thủ tục nhập học đầu cấp cho con. Đây là một cách để phụ huynh có ý thức trách nhiệm hơn với việc học của con. Phần lớn HS của phường Nại Hiên Đông thời điểm đó đều làm thủ tục nhập học muộn, nhà trường phải tổ chức dạy bù cho các em”.  

Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) thì phát động phong trào xin đồ dùng gia dụng đã hư hỏng trong phụ huynh. Những vật dụng này được giáo viên tập hợp lại, chùi rửa sạch sẽ, phơi khô và xịt toàn bộ sơn trắng rồi phân chia về cho các lớp. Phụ huynh được thông báo ngày giờ mà cô trò của lớp sẽ thực hiện việc trang trí họa tiết cho các vật dụng tái chế để làm đồ dùng dạy học, trang trí hay sử dụng để trồng cây. “Đây được xem như là hoạt động ngoại khóa của từng lớp có sự tương tác của phụ huynh và trẻ.

Ví dụ như nhà trường quy định giờ đón trẻ bắt đầu từ lúc 16 giờ 30 thì vào một buổi nào đó, cô giáo sẽ thông báo để phụ huynh nào có thể sắp xếp được công việc thì đến trường lúc 16 giờ, cùng con và cô giáo trang trí đồ tái chế trước khi đón con về”, cô Huỳnh Thị Bích Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Những chiếc ủng, ấm điện, nồi cơm, thùng sơn bỏ đi, qua bàn tay của phụ huynh và cô giáo, trở thành những chậu cây, bộ bàn ghế, thậm chí là những bậc thang cho trẻ học vận động. Phụ huynh cũng có cơ hội hiểu thêm những công việc thầm lặng của giáo viên và nhà trường trong hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

Quy định về tài trợ giáo dục - chặt chẽ đến đâu?

Cô Ông Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) cho rằng, cán bộ quản lý các trường học bao giờ cũng có mong muốn cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học. Cái nhìn của xã hội với chủ trương xã hội hóa cũng có nhiều quan điểm mà không phải lúc nào cũng có sự cảm thông, đồng hành từ phía phụ huynh.

Cũng như trong xã hội, vẫn có một bộ phận tham gia đóng góp cho các hoạt động từ thiện nhưng vẫn hoài nghi không biết sự đóng góp của mình có đến đúng địa chỉ hay không”. Từ đó, cô Thu Hằng cho rằng, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ giáo dục đã “giúp cho các trường học có cơ sở để dựa vào mà làm, làm đúng chứ không kiểu xã hội hóa chung chung như trước đây, muốn hiểu và vận dụng thế nào cũng được. Nhà trường có thể “mạnh dạn” trình bày các kế hoạch tài trợ giáo dục đã được các cấp phê duyệt chứ không phải nhà trường tự phát làm mà không có định hướng”.

Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân với 3 hình thức tài trợ gồm bằng tiền, bằng hiện vật và tài trợ phi vật chất với những quy định được cho là chặt chẽ, tránh tình trạng cào bằng và lạm thu dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai trong năm học 2018 - 2019, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) cho rằng, vì chặt chẽ nên việc triển khai tài trợ giáo dục đã phát sinh thêm hồ sơ sổ sách, nhiều quy trình, công đoạn thực hiện khiến đôi khi nhiều tổ chức, cá nhân muốn ủng hộ cho nhà trường theo tinh thần thiện nguyện cũng nản lòng.

Cô Thu Nguyệt ví dụ: “Phụ huynh của một lớp nào đó muốn lắp điều hòa trong phòng học của con em họ thì Ban đại diện cha mẹ học sinh phải xây dựng kế hoạch, nhà trường phải có tờ trình lên quận phê duyệt. Số tiền thu được từ sự đóng góp của phụ huynh phải được chuyển vào kho bạc nhà nước, có phiếu thu; hồ sơ tài trợ phải có hóa đơn, công lắp đặt… Rồi phải xây dựng phương án chi trả tiền điện…”.

Đối với việc nhận tài trợ bằng hiện vật, ví dụ như Ban đại diện cha mẹ học sinh tặng bạt chống nắng cho nhà trường thì phía phụ huynh phải xây dựng một bản kế hoạch nêu mục đích, có bản thiết kế, thuyết minh nguồn tài chính, rồi mời các cấp xuống thẩm định, nghiệm thu, khi thi công phải xuất hóa đơn…

  Hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh Trường tiểu học Núi Thành do Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức. Ảnh: H.T
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh Trường tiểu học Núi Thành do Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức. Ảnh: H.T

Theo như cô Thu Nguyệt thì những quy định trong Thông tư 16 sẽ giúp giám sát, quản lý các nguồn vận động tài trợ giáo dục, để người đứng đầu các trường học không tư lợi, không lợi dụng chủ trương xã hội hóa giáo dục dẫn đến tình trạng lạm thu, cào bằng.

Thế nhưng, không ít phụ huynh là các mạnh thường quân đã thắc mắc sao ủng hộ cho HS, nhà trường mà lại phải mất một khoản đóng thuế VAT. “Ví dụ như trước đây, phụ huynh tài trợ cho HS nghèo 10 chiếc xe đạp, nhà trường cứ thế vào sổ tiếp nhận nhưng nay đòi hỏi trong hồ sơ theo dõi tài trợ giáo dục còn phải có cả hóa đơn mua hàng đi kèm, tức là mất đi chi phí đủ để mua một chiếc xe đạp”, cô Thu Nguyệt phân tích. Chính vì vậy, tâm lý chung là các trường thường xây dựng tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật là chủ yếu để giảm bớt hồ sơ, sổ sách cũng như các thủ tục đi kèm.

Cô Ông Thị Thu Hằng thì cho rằng, việc quản lý tài chính trong vận động tài trợ giáo dục thì đến một lúc nào đó cũng cần phải chặt chẽ như thế. “Nhưng nói thật là nếu trong trường hợp HS nào cần hỗ trợ cấp thời thì sẽ rất khó.

Lâu nay, nhà trường hỗ trợ khẩn cấp cho những trường hợp HS có hoàn cảnh đặc biệt theo kiểu kêu gọi phụ huynh ủng hộ, giờ với quy định tài trợ giáo dục thì phải có sổ sách, phiếu thu, bộ phận tài vụ chuyển lên kho bạc rồi sau đó mới có phiếu chi để chuyển cho HS. Như thế thì không thể “giúp nóng” các em được”, cô Thu Hằng phân tích.

Như năm học 2018 - 2019 vừa rồi, Trường tiểu học Trần Văn Ơn có một HS bố mất đột ngột, gia đình có 3 con nhỏ, mẹ của em không có việc làm ổn định. “Để hỗ trợ kịp thời cho HS, ban giám hiệu nhà trường đã đặt thùng quyên góp để HS, phụ huynh nhà trường ủng hộ. Từ nguồn đóng góp này, ngoài giúp đỡ gia đình em HS trong cơn ngặt nghèo, nhà trường cũng thuyết phục phụ huynh nên để dành lại một khoản tiền đủ để đóng tiền ăn bán trú cho con trong năm học 2019 – 2020 này”, cô Thu Hằng chia sẻ.

Thầy Lê Quốc Hùng thì cho rằng, muốn làm tốt công tác giáo dục, ngoài nhiệt tâm của đội ngũ giáo viên, ít nhất cần có sự hỗ trợ của địa phương và của phụ huynh. Một khi nhà trường phải làm cho chính quyền địa phương và phụ huynh tin rằng, con em họ được học tập trong một môi trường tốt nhất, yên tâm nhất và minh bạch nhất thì họ sẽ có những đầu tư xứng đáng.

Hà Trần

;
;
.
.
.
.
.