Cải tổ nội các Nhật Bản

Bước chuẩn bị cho lộ trình sửa đổi hiến pháp

.

Tại Tokyo, ngày 11-9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành cải tổ nội các. Đợt cải tổ nội các lần này được cho là những bước chuẩn bị quan trọng cho lộ trình sửa đổi hiến pháp cũng như thử thách thế hệ lãnh đạo mới hậu chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe.

Thủ tướng Shinzo Abe (trái) và tân Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, người trẻ nhất trong nội các mới. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Shinzo Abe (trái) và tân Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, người trẻ nhất trong nội các mới. Ảnh: Reuters

Đúng như dự báo trước đó của giới phân tích, trong cuộc cải tổ nội các lần thứ 4 kể từ khi nhậm chức năm 2012, Thủ tướng Abe chỉ giữ tại vị 2 thành viên trong nội các gồm Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga sinh năm 1947 và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso sinh năm 1940. Hai quan chức này đã ủng hộ ông Abe trong nội các kể từ khi ông nắm quyền trở lại vào tháng 12-2012.

Đáng chú ý, nội các lần này có 17/19 vị trí bộ trưởng được thay thế hoặc thuyên chuyển. Đặc biệt, trong số này có tới 13 người mới lần đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng. Trong số các vị trí thay đổi, đáng chú ý là Bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, trong khi ông Toshimitsu Motegi - người được Thủ tướng Abe đánh giá rất cao vì đã đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ khi còn giữ chức Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế - thay ông Kono làm Bộ trưởng Ngoại giao. Giới phân tích nhận định, ông Kono và ông Motegi có thể sẽ giữ vai trò trung tâm trong đội ngũ cố vấn an ninh của Thủ tướng Abe trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ sớm chấm dứt.

Bên cạnh đó, ông Shinjiro Koizumi, con trai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi và là một ngôi sao đang lên trên chính trường Nhật Bản, đã được trao chiếc ghế Bộ trưởng Môi trường. Ông Koizumi Shinjiro sinh năm 1981, hiện là người trẻ tuổi nhất trong nội các mới và trở thành một trong ba người trẻ nhất của nội các Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Dù mới 38 tuổi, song tân Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản đã 4 lần trúng cử hạ nghị sĩ và có tỷ lệ ủng hộ cao chỉ sau Thủ tướng Shinzo Abe.

Trước đó, ông Shinjiro Koizumi giữ chức Trưởng phòng Y tế, Lao động và Phúc lợi của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Các cuộc khảo sát cho thấy, Shinjiro Koizumi được nhiều cử tri ủng hộ để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo. Chọn lựa này có thể giúp tăng mức ủng hộ dành cho thành phần nội các mới.

Những thay đổi đáng chú ý khác trong nội các mới gồm có ông Koichi Hagiuda, quyền Tổng Thư ký điều hành LDP, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục; ông Katsuyuki Kawai, phụ tá đặc biệt về đối ngoại của Thủ tướng Abe, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp. Trong nỗ lực thúc đẩy chính sách trao quyền cho phụ nữ, Thủ tướng Abe đã bổ nhiệm bà Seiko Hashimoto, Thượng nghị sĩ, giữ chức Bộ trưởng phụ trách các thế vận hội Olympics và Paralympics Tokyo 2020.

Đối với đảng Công minh - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền, Thủ tướng Abe vẫn giữ nguyên ghế Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch trong nội các cho một nhân vật thuộc đảng này. Tuy nhiên, ông Kazuyoshi Akaba sẽ thay ông Keiichi Ishii giữ chức vụ này.

Trước đó, Thủ tướng Abe, người đang giữ chức Chủ tịch đảng LDP cầm quyền, đã cải tổ ban lãnh đạo LDP, trong đó giữ tại nhiệm ông Toshihiro Nikai ở vị trí Tổng Thư ký LDP và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách LDP. Ngoài hai vị trí trên, ông Abe chọn Bộ trưởng phụ trách Olympics Shunichi Suzuki làm Chủ tịch Hội đồng chung, trong khi cựu Bộ trưởng Giáo dục Hakubun Shimomura được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban chiến lược bầu cử.

Lý giải về việc cải tổ nội các, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, ông cần thành lập một đội ngũ mới có thể bảo đảm ổn định chính trị và đối phó tốt với những thách thức mới. Khi trở lại chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2012, Thủ tướng Abe đã cam kết sẽ thúc đẩy nền kinh tế và quốc phòng của đất nước. Ông Abe từng cho biết, ông quyết tâm theo đuổi mục tiêu sửa đổi hiến pháp. Nhiệm vụ của ông Abe trở nên khó khăn hơn khi liên minh do đảng LDP lãnh đạo mất đa số 2/3 ghế trong cuộc bầu cử thượng viện hồi tháng 7 vừa qua. Những thay đổi hiến pháp đòi hỏi phải có sự chấp thuận của 2/3 tại mỗi viện của quốc hội, và đa số phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Trong một cuộc khảo sát trong tháng này của Đài truyền hình NHK, mức ủng hộ của cử tri dành cho ông Abe là 48%. Kết quả này không mấy thay đổi so với cuộc khảo sát hồi tháng 8. An sinh xã hội đứng đầu danh sách các vấn đề cử tri muốn nội các mới giải quyết và tiếp theo là kinh tế. Chỉ có 5% đối tượng được khảo sát đề cập đến cải cách hiến pháp như một ưu tiên. Do đó, cuộc cải tổ nội các lần này, đặc biệt là giữ các đồng minh ở các vị trí quan trọng, hy vọng sẽ giúp ông Abe có tỷ lệ ủng hộ cao trong việc theo đuổi các mục tiêu của mình, cụ thể là kế hoạch tăng thuế và sửa đổi hiến pháp hòa bình.

Đoàn Gia Huy (tổng hợp)
 

;
;
.
.
.
.
.