Đắm đuối với món Hàn

.

Đầu bếp món Hàn đang ngày càng thu hút nhiều người không chỉ bởi cơ hội việc làm rộng mở, mức lương cao cùng tiềm năng phát triển kinh doanh hấp dẫn mà còn ở sự đặc trưng trong cái vị cay, nóng, bắt mắt, đơn giản mà cũng khá cầu kỳ của nền ẩm thực xứ kim chi.

Chị Phạm Thị Quỳnh Thư. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Phạm Thị Quỳnh Thư. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Nghề chọn người”

Chị Phạm Thị Quỳnh Thư, hiện đang là đầu bếp món Hàn tại căng-tin của Trường Quốc tế Hoa Kỳ APU cho biết về cái duyên đến với nghề đầu bếp món Hàn cách đây 4 năm cũng là cột mốc đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của chị.

Mùa hè 2015, chị Thư từ Đồng Nai khăn gói về Đà Nẵng sống cùng ba mẹ. Chị nhận thấy lĩnh vực nhà hàng, khách sạn ở Đà Nẵng rất phát triển nên quyết định theo đuổi nghề bếp bằng cách vừa làm vừa học. Ban đầu, chị xin vào làm phụ bếp ở một nhà hàng Việt – Hàn trên đường Nguyễn Văn Thoại với mức lương khởi điểm là 5 triệu đồng/tháng. Làm ở nhà hàng này được một khoảng thời gian ngắn thì chị hay tin công ty của người quen ông chủ (người Hàn Quốc) đang cần tuyển thêm một đầu bếp món Hàn để nấu đồ ăn trưa cho giám đốc và nhân viên người Hàn. Chỗ quen biết nên khi chị ngỏ lời xin chuyển công ty kia làm thì ông chủ liền đồng ý và hỗ trợ chị.

Ở chỗ làm mới, chị được một cô người Hàn vốn là người trước giờ vẫn nấu ăn cho vị giám đốc và những nhân viên người Hàn ở công ty dạy cách nấu những món Hàn. “Người thầy” đặc biệt ấy cũng không phải là một đầu bếp chuyên nghiệp gì mà chỉ đơn giản cô là một người phụ nữ có tình yêu rất lớn với ẩm thực quê hương nên những gì cô chỉ dạy cho chị Thư đều bảo đảm đúng vị truyền thống của ẩm thực Hàn.

Chị Thư bảo: “Mới đầu, nhìn những món ăn Hàn, món nào cũng đỏ đỏ nên tôi có cảm giác sẽ rất cay, nghĩ chắc ăn không thích đâu. Nhưng khi biết nấu rồi thì tôi lại cảm thấy ẩm thực Hàn rất hay. Càng đi sâu vào càng thích”. Dẫu là một nền ẩm thực hoàn toàn mới lạ song vốn là một người đam mê bếp núc nên không gì có thể làm khó được chị. Rồi tranh thủ ban đêm, chị làm thêm ở các nhà hàng Hàn Quốc để học kinh nghiệm.

Muốn tìm hiểu được chuyên sâu hơn về nghề thì phải biết tiếng Hàn Quốc. Suốt 3 tháng, mỗi ngày, chị Thư dành ra 2 tiếng để học tiếng Hàn trước khi đến nấu cơm trưa cho công ty. Tối đến, chị ôn lại bài vừa học khi sáng rồi lên Youtube học cách nấu món Hàn do chính những người Hàn hướng dẫn. “Tôi đã có tuổi rồi nên khi đã quyết định làm cái gì thì phải cố gắng làm mới theo kịp mấy bạn trẻ”, chị Thư bộc bạch.

Sau khoảng 4 năm trưa nấu ăn cho công ty Hàn Quốc, tối đến đi làm thêm ở nhà hàng Hàn Quốc, chị Thư vừa chuyển sang làm ở căng-tin của Trường Quốc tế Hoa Kỳ APU và tiếp tục theo đuổi ẩm thực xứ sở kim chi. Với chị Thư, công việc của một đầu bếp món Hàn không chỉ đơn thuần là công việc giúp chị mưu sinh từ ngày đặt chân đến Đà Nẵng mà nó còn là đam mê. Một đam mê tuy muộn nhưng không trễ. Chị vẫn luôn mong muốn mở một nhà hàng Hàn Quốc hoặc một quán cà-phê có món Hàn.

“Nghiện” đồ nướng, các loại nước sốt

Nếu chị Quỳnh Thư đến với ẩm thực Hàn vì duyên thì anh Ngô Văn Thời, Giám đốc điều hành Nhà hàng buffet Soho (đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu) đến với nghề đầu bếp món Hàn từ việc “nghiện” ăn đồ nướng và các loại nước sốt của Hàn Quốc.

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Thời theo học nghề bếp tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội từ năm 2004 đến năm 2006. Vừa ra trường, anh xin vào làm phụ bếp tại một khách sạn ở Hà Nội chuyên về bếp Hàn và bếp Nhật với thời gian thử việc trong 3 tháng và hoàn toàn không có lương. Tại đây, anh được chỉ dạy và truyền cảm hứng với ẩm thực Hàn bởi một người thầy là một đầu bếp có thâm niên lâu năm chuyên về món Nhật, món Hàn. Vốn có đam mê với các món nướng, các loại sốt của Hàn Quốc nên ở đây, anh Thời như được tiếp thêm “tình yêu” với ẩm thực Hàn. Anh chia sẻ: “Thầy kể cho tôi nghe về đất nước, con người Hàn Quốc. Rồi thầy định hướng cho tôi đi theo bếp Hàn”.

Làm tại khách sạn này được 4 năm thì anh chuyển sang làm bếp trưởng cho Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 trong 5 năm, rồi đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành Nhà hàng buffet Soho từ năm 2015. Cũng trong năm đó, anh được công ty điều vào Đà Nẵng để xây dựng thương hiệu Nhà hàng buffet Faifo, tiếp đó là Nhà hàng buffet Soho. Nhớ lại những ngày đầu đến với công việc của một đầu bếp món Hàn, anh Thời cho hay, thời điểm đó anh gặp không ít khó khăn; nhưng khó khăn nhất chính là học nội quy của bếp Hàn. “Những quy tắc của bếp Hàn khắt khe hơn bếp Việt rất nhiều. Tôi phải học nghe, nói tiếng Hàn cơ bản”, anh chia sẻ.

Dẫu đã hơn 13 năm trôi qua, song anh Thời vẫn còn nhớ nguyên vẹn về cái ngày anh chế biến món ăn Hàn đầu tiên đó là món cơm cuộn. Anh đã phải mất 2 ngày để có thể cuộn cơm được đều và đẹp. Hiện tại, với vị trí của một giám đốc điều hành, anh thỉnh thoảng tập huấn cho nhân viên bếp về các kỹ thuật chế biến các loại nước sốt; ngoài ra anh đến giảng dạy tại Trường Hướng nghiệp Á-Âu, Chi nhánh Đà Nẵng ở bộ môn bếp Nhật, bếp Hàn với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân đến các bạn trẻ theo đuổi nghề bếp.

MAI HIỀN

 

;
;
.
.
.
.
.