Đi phố với ba

.

Nhà tôi ở làng Ngọc Thành, cách phố cổ Hội An chỉ chừng dăm phút đi bộ. Cứ chiều chiều tụi tôi ra thả diều trên cánh đồng sau lưng nhà bác tôi, đều thấy thấp thoáng gác mái chùa Cầu và mái ngói của dãy nhà cổ nằm ở ven sông Hoài. Tuy phố ở rất gần về khoảng cách địa lý, nhưng ở làng tôi và các xóm làng ở ngoại ô Hội An, hễ ai có việc gì cần, hay đi mua một món đồ gì đấy ở phố, thì thường nói là đi phố. Hai từ “Đi phố” với một đứa con nít mới hơn tám tuổi là tôi ngày ấy, luôn chứa đựng những niềm vui.

Phố cổ Hội An. Ảnh: THiện NGUYỄN
Phố cổ Hội An. Ảnh: THiện NGUYỄN

Cứ mỗi lần đạt vị thứ cao trong tháng, ba tôi lại thưởng cho tôi một lần đi phố. Hễ nghe ba nói mai đi phố, thể nào đêm đó tôi cũng trằn trọc, mường tượng ra đủ thứ trong đầu. Lăn qua lăn lại mãi rồi tôi cũng ngủ thiếp đi với giấc mơ được cầm những cuốn truyện dành cho tuổi thơ còn thơm mùi mực in trong nhà sách Nam Ngãi ở ngay góc đường Cường Để (nay là đường Trần Phú) gần ngã tư Lê Lợi mà ba hứa sẽ mua cho. Những cuốn sách mới được thưởng đó, tôi để dành đọc ở nhà. Còn trong thời gian chờ ba đi mua mấy thứ cần thiết của ba, tôi lò dò qua đọc ké sách ở cửa hiệu cho thuê sách trên đường Cường Để (nay là nhà cổ Đức An).

Hiệu sách cho thuê này có đủ các loại sách từ kiếm hiệp đến sách của Tự Lực Văn đoàn, rồi sách của các nhà văn viết cho tuổi hoa niên nổi tiếng thời bấy giờ như Duyên Anh, Mường Mán, Từ Kế Tường…, rồi  Hoa xanh, Hoa đỏ, Hoa tím…. Cứ mỗi lần lạc vào chốn này, tôi như quên hết thời gian, quên cả lời hứa ngồi một lúc rồi ra để ba chờ. Bây giờ mỗi lần về phố, đi ngang qua chỗ cửa hiệu cho thuê sách ngày xưa, tôi như thấy một con bé ngồi bệt dưới đất, chúi mũi vào trang sách đọc ngấu nghiến để kịp đọc cuốn khác như sợ không còn dịp để đọc sách nữa mà cười một mình.

Đi phố với ba không chỉ được mua sách mới, được chui vào một góc để đọc sách thỏa thích, mà còn có nhiều thứ khác luôn gợi trong tôi sự tò mò, khám phá. Mỗi lần được đi phố với ba, tôi như chim sổ lồng được bay vào một không gian mới mẻ, mà mỗi thứ ở không gian đó đầy ắp những bí mật tưởng chừng nếu tôi không chịu tìm hiểu thì ngày mai, ngày kia chúng sẽ biến mất không để lại dấu vết. Những ngôi nhà cổ dọc theo hai bên đường Nguyễn Thái Học, các đình miếu, nhà ở từ thượng Chùa Cầu đến hạ Âm Bổn luôn thu hút ánh nhìn say mê của một đứa trẻ hay hỏi, hay tò mò là tôi. Tôi như nhìn thấy sau cánh cửa gỗ nặng nề của các ngôi nhà ngói cũ kỹ kia đang diễn một cuộc sống êm đềm với những nhân vật đẹp như tiểu thư, công tử trong các cuốn sách mà tôi thường đọc.

Đi phố với ba, tôi được nếm thử các món ngon mà ngày thường chẳng bao giờ tôi được ăn, bởi các món ăn đó chỉ có ở các cửa hiệu của người Hoa trên phố. Món mì hoành thánh với nước dùng trong và ngọt lừ trong cổ họng, ăn một tô chỉ muốn ăn thêm tô nữa. Hễ lần này ăn mì hoành thánh thì lần sau ba tôi lại dắt vào quán phở Liễu (chủ quán là ông Liễu)  nằm trong hẻm phía sau đình ông Voi. Hội An có nhiều quán phở, nhưng với tôi, dư vị của phở Liễu như còn mãi trên đầu lưỡi dù thời gian đã qua lâu lắm rồi. Và ông Liễu cũng như những chủ quán ăn khác mà ba tôi thường ăn đã là người thiên cổ. Bây giờ con ông Liễu cũng mở quán phở lấy tên là phở Tùng- cũng nằm sâu trong hẻm đình ông Voi. Nhưng phở Tùng không thể nào ngon như phở Liễu ngày xưa mà tôi được ăn.

Đi phố với ba, nếu than mỏi chân, ba cho đi xích lô về. Hồi đó, phố phường Hội An không đông đúc như bây giờ, nên với tôi niềm hạnh phúc được ngồi trên xe nhìn ngắm phố phường luôn là điều mà tôi trông đợi nhất mỗi lần được đi phố với ba. Chỉ có một điều mà bây giờ nghĩ lại tôi vẫn giận mình, đó là ba hay dắt tôi vào quán cắt tóc của một ông già trên đường Lê Lợi mà ba biểu tôi gọi là chú Sáu. Mỗi lần cắt tóc, chú Sáu lại lấy tông đơ ủi sạch tóc tôi, chỉ để lại một ít tóc trùm trũm trên đầu, theo kiểu tóc bum bê ngày xưa. Trong khi tôi chỉ muốn để tóc dài. Tôi giận chú Sáu nên chẳng bao giờ chào ông, dù lần nào thấy tôi, ông cũng vồ vập hỏi han, rồi lấy bánh kẹo cho ăn. Bây giờ tiệm cắt tóc ngày xưa đã trở thành một cửa hàng thời trang lúc nào cũng đông khách. Mỗi lần đi ngang, tôi lại bùi ngùi nhớ nụ cười hồn hậu của chú Sáu hớt tóc. Và ân hận vì mình đã chưa một lần vòng tay chào và nói tiếng cảm ơn chú.

KIM EM

;
;
.
.
.
.
.