Tấm gương Hồ Chí Minh ngời sáng

.

Dù cuốn sách mang tên Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí của nhà báo Phan Quang, nhưng tác phẩm không phải dành cho nhà báo vì phần lớn số trang của tác phẩm cung cấp cho bạn đọc rất nhiều sự kiện chi tiết thể hiện đậm nét nhân cách, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua những lần tác giả có dịp được đi công tác hay gặp gỡ Bác; mặt khác, Phan Quang là một tên tuổi có trí tuệ uyên bác, giao thiệp rộng rãi, nên có rất nhiều tư liệu quý của các nhà văn, nhà báo tên tuổi quốc tế viết về Hồ Chí Minh. Nhờ đó, ngòi bút Phan Quang đã chuyển tải, giúp cho bạn đọc có một cái nhìn xa rộng có sức tổng hợp mà vẫn chi tiết về sự nghiệp, nhân cách Hồ Chí Minh.

Bìa sách Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí của Phan Quang, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019.
Bìa sách Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí của Phan Quang, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019.

Nổi bật trước hết là những nhận xét đánh giá về Hồ Chí Minh của các tên tuổi lớn được thế giới biết đến, nên càng có sức thuyết phục cao. Mở đầu là bài tác giả lược dịch Lời dẫn của Jean Lacouture trong cuốn sách Hồ Chí Minh (NXB Le Seiil Paris, 1967):“Cụ Hồ thức tỉnh khi mọi người ngủ say”, ngoài nội dung “trích yếu” sự nghiệp Hồ Chí Minh từ khi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 đến những năm trong ngục tù đối phương, rồi lãnh đạo“cuộc đấu tranh với bao tổn thất đau thương… đối đầu hai cường quốc phương Tây”. Nhà báo-nhà văn nổi tiếng của nước Pháp đã có những câu văn thật độc đáo khi miêu tả Hồ Chí Minh: “Vóc dáng ông mảnh mai tới mức tưởng chừng con người ấy tồn tại được là nhờ sức mạnh tinh thần và ngọn lửa chiến đấu của một dân tộc cũng mảnh dẻ, thanh đạm và kiên cường như ông”. Chỉ một câu thôi, tác giả trong khi miêu tả Hồ Chí Minh đã tôn vinh cả dân tộc Việt Nam!

Phan Quang đưa bài vừa dẫn lên đầu sách vì ông đặc biệt quý mến Jean Lacouture (1921-2015), “người được Bác Hồ cảm hóa”. Đây cũng là nhan đề bài viết dài đến 10 trang sách kể lại rất nhiều lần nhà văn Pháp gặp Bác, mà ngay sau cuộc gặp đầu tiên ngày 7-3-1946 tại Bắc Bộ Phủ, “bị Cụ hút hồn luôn” và từ giới bảo thủ, ông trở thành một người cánh tả dấn thân, sống thọ 94 tuổi với 70 tác phẩm (có cuốn dày 3.000 trang) được phương Tây coi như người am hiểu nhất tình hình Việt Nam. Ông là một trong  số rất ít nhà báo được chứng kiến tận mắt những sự kiện lịch sử như: cuộc gặp giữa tướng Leclerc, Tổng chỉ huy quân đội Pháp với Hồ Chí Minh tháng 3-1946 và cuộc hội đàm giữa Hồ Chí Minh và Đô đốc D’Argenlieu trên tuần dương hạm Sufren ngoài khơi Cam Ranh trên đường Bác Hồ từ Pháp trở về, cuộc mít-tinh lịch sử tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 23-10-1946 nghe Hồ Chí Minh giải thích về Tạm ước 14-9-1946… nên đã ghi lại cho chúng ta những chi tiết lịch sử có thể gọi là vô giá. Xin trích thêm vài dòng của nhà văn-nhà báo có sự nghiệp đồ sộ từng viết chân dung 90 chính khách và nhà văn hóa lẫy lừng thế giới, khi ông miêu tả Hồ Chí Minh ngay giữa 2 lần báo động máy bay Mỹ sắp tấn công Hà Nội: “… Giống hệt như 15 năm trước, bước chân Người đi vẫn nhẹ nhàng, còn nhẹ hơn tiếng sột soạt áo quần may bằng vải ka-ki Bác mặc trên người… Tôi chưa từng gặp vị chính khách nào mà tự thân toát ra một phong thái giản dị tự nhiên thánh thiện đến mức ấy…”.

Thiết nghĩ, chỉ vài dòng này, tác dụng tôn vinh Hồ Chí Minh có khi hơn cả bộ sách dày!

Và không chỉ  Jean Lacouture, Cao ủy Pháp Jean Sainteny - người thay mặt nước Pháp ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, trong hồi ký Một nền hòa bình bị bỏ lỡ đã viết về Hồ Chí Minh như sau: “…ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên… có ấn tượng con người khổ hạnh mà vẻ mặt cùng một lúc tỏa sáng trí thông minh và nghị lực này là một nhân cách hàng đầu chẳng bao lâu nữa sẽ tự nâng mình lên tầm nổi bật trên vũ đài thời cuộc Á châu…”.

Còn nhiều những ý kiến đặc sắc của các tên tuổi trên thế giới viết về Hồ Chí Minh trong cuốn sách của Phan Quang, nhưng điều cần nói thêm là chúng ta biết được những điều đó nhờ có Phan Quang là người đọc “thiên kinh vạn quyển”. Chính từ vốn kiến thức phong phú đó, cộng với trực giác và suy ngẫm qua những lần được tiếp xúc với Bác, qua nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh, một số bài viết của Phan Quang trong tác phẩm này đạt tới mức có tầm khái quát về Hồ Chí Minh như Có Bác Hồ trong mọi ngày vui, Hòa quyện vào tinh hoa văn hóa nhân loại… Với cương vị lãnh đạo chủ chốt nhiều cơ quan báo chí quan trọng của Trung ương mà ông từng đảm trách, các bài viết khác của Phan Quang có những kỷ niệm ấm áp trong cuộc đời làm báo suốt 7 thập kỷ của mình. Tờ giấy hồng điều được Phan Quang ghi lại năm 2007, chỉ là một câu chuyện nhỏ mà chất chứa bao ý nghĩa sâu xa.

Đó là việc anh công nhân truyền âm Lê Quang Lân gìn giữ tờ giấy hồng điều suốt mấy chục năm - kể cả việc phải cho vào lọ chôn xuống đất, phòng nhà cháy khi khu tập thể Bạch Mai bị B.52 ném bom cuối năm 1972 - tờ giấy đó, Bác Hồ đã viết tặng sư cụ chùa Trầm 8 chữ “Kháng chiến tất thắng/ Kiến quốc tất thành”, khi Bác đến phòng bá âm của Đài Tiếng nói Việt Nam trong hang đá gần đó đọc bài thơ chúc Tết Đinh Hợi 1947. Một chi tiết nhỏ, vừa thể hiện sự trọng thị của Hồ Chí Minh với các chức sắc tôn giáo, vừa nói lên lòng yêu quý tột bậc của những người dân bình thường đối với lãnh tụ.

Đọc những trang viết của Phan Quang, chúng ta còn thích thú với nhiều tư liệu, chi tiết gắn với Hồ Chí Minh có lẽ còn ít người biết. Ví như chuyện Phan Quang được cử theo Bác về tỉnh Hưng Yên năm 1958 thăm bà con nông dân, đang rất thích thú với một chi tiết trong bài tả Bác Hồ đi bộ dưới nắng chang chang, không ngờ Bác gọi lên gặp và hơi cao giọng: “Chuyện Bác Hồ đi bộ giữa cánh đồng thì có gì mà nói lắm thế!”. Phan Quang đã “ghi lòng tạc dạ” chuyện nhỏ này vì nó vừa chứng tỏ phẩm cách cao quý của Bác Hồ, vừa là bài học cho nhà báo về cách lựa chọn chi tiết khi ca ngợi, tôn vinh người khác - nhất là với các vị lãnh đạo…

Xin dẫn thêm một câu trong bài Đôi điều tâm niệm - Tham luận của Phan Quang tại hội thảo “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2008: “Ngòi bút Hồ Chí Minh tuyệt nhiên không bao giờ viết vì tiền tài, vì danh lợi, vì quyền lực… nhằm “lưu danh thiên cổ”… mà chỉ chăm chăm nhằm đạt bằng được  mục đích cao quý - Bác gọi là “ham muốn, ham muốn tột bậc của mình” là giành độc lập cho đất nước, mang lại tự do, hạnh phúc đến nhân dân…”. Đây cũng là thông điệp quan trọng mà Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc của Người 50 năm về trước.

Đã có cả ngàn cuốn sách viết về Hồ Chí Minh, nhưng tấm gương Hồ Chí Minh càng ngời sáng qua nhãn quan Phan Quang - một nhà văn, nhà báo lão thành, đã được thể hiện sinh động trong cuốn sách thứ 53 của đời mình…

Nguyễn Khắc Phê
 

;
;
.
.
.
.
.