Về chuyện "thương cho roi vọt"…

Khi tiếng trống trường rộn vang khắp nơi trong ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, đâu đó có những niềm trở trăn không dứt về câu chuyện đòn roi mà gần đây đã trở thành vấn đề nhức nhối bên trong cánh cửa trường học, thì câu chuyện về cây roi của những người thầy ngày xưa nhắc nhở biết bao người về lằn ranh giữa răn dạy và bạo lực học đường.

Đó là cây roi tre láng bóng dựng một bên thanh vịn của chiếc ghế đặt giữa gian chính ngôi nhà cổ của quan Đốc học Đỗ Doãn Chính ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Chị Dương Thị Lan, chủ nhân đời thứ 8 của ngôi nhà cổ, nhẹ nhàng giới thiệu qua một lượt về kết cấu ngôi nhà và không quên dừng lại bên cây roi: “Cụ tôi xưa là một nhà nho nổi tiếng, được phong chức quan Đốc học thời nhà Nguyễn chỉ đạo việc giáo dục, học hành tại địa phương. Lớp chúng tôi được cha mẹ răn dạy lễ nghĩa. Ba mẹ tôi kể rằng, xưa cụ nhà tôi dùng cây roi này để răn dạy học trò và con cháu khi chúng mắc lỗi”.

Với người xưa, cây roi thể hiện uy quyền của người thầy. Ở thời điểm ấy, người thầy có những vị thế nhất định. Đâu đó trong những bức ảnh tư liệu hay những thước phim tái hiện lịch sử còn lưu lại, những lớp học ngay ngắn trên nền nhà, người thầy ngồi giảng bài trên tấm phản, thi thoảng nhịp những nhịp roi tre, thảng hoặc có một đứa trẻ bị phạt bằng roi.    

Cũng là hình phạt cho học trò chưa ngoan, nhưng chuyện xưa và nay đã khác. Hàng chục vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong năm học ở khắp mọi miền đất nước. Khi một vụ việc xảy ra làm xôn xao dư luận, những giọt nước mắt người làm cha làm mẹ rơi xuống, những chỉ đạo quyết liệt từ ngành và các cấp được đưa nhằm “chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm minh”. Nhưng đâu đó, dăm ba bữa khác, trên mạng xã hội lại xuất hiện một video về giáo viên hành hung trẻ…

Ông bà ta xưa từng nhắc nhở: “thương cho roi, cho vọt…”. Roi vọt ở hình thức giáo dục răn đe khác với những trận đánh trút giận. Thực tế, không phải học trò nào cũng chăm ngoan và biết vâng lời. Đâu đó trong các lớp học vẫn có một vài học trò cá biệt. Các nhà quản lý giáo dục thừa nhận rằng, với những trò như thế, việc giáo dục không hề dễ dàng. Nhưng người làm nghề giáo trước hết cần dùng phương pháp sư phạm để giáo dục học trò, hành vi roi vọt chỉ là hình thức răn đe khi quá cần thiết. Bên cạnh đó, nhà trường - mà trực tiếp là giáo viên cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng với phụ huynh, chia sẻ và cùng tìm ra giải pháp giáo dục hợp lý.

Cần nhìn nhận công tâm rằng, nguyên nhân của bạo lực học đường cũng bắt nguồn từ nhiều phía. Giáo viên thiếu phương pháp sư phạm, thiếu kiên nhẫn; trong khi chịu áp lực từ thành tích, từ phụ huynh trong việc dạy trẻ học tập tiến bộ, chăm trẻ tăng cân đều đặn... Cuộc sống với nhiều quan điểm hiện đại có phần thiên lệch, tước đi vị thế của người thầy giáo, biến thầy cô thành những người thợ dạy chữ. Bên cạnh đó, có nhiều bậc phụ huynh cưng chiều con thái quá; hoặc những đứa trẻ thiếu tình thương, sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ nên có cái nhìn lệch lạc về vị trí, vai trò của giáo viên…

Trở lại hình ảnh cây roi trong nhà quan Đốc học - một biểu tượng quyền uy của người thầy giáo xưa. Tôi đồ rằng, những lằn roi của thầy đối với trò không phải là một sự trút giận hoặc do áp lực từ xã hội! Những đứa trẻ ngày ấy lớn lên, thành đạt vẫn luôn nhớ ơn những lằn roi của thầy trong một lần mắc lỗi nào đấy. Còn với những những trận đòn roi mà nhiều học trò hứng chịu bây giờ, hẳn không chỉ để lại những vết thương ngoài da mà sự sang chấn tâm lý sẽ khó xóa nhòa theo tháng năm.

Dùng roi vọt với một đứa trẻ dưới góc nhìn nào đấy là thất bại của người thầy! Và cũng mong rằng, những bậc phụ huynh hãy cùng nhà trường, giáo viên tìm ra tiếng nói chung trong phối hợp để giáo dục những đứa trẻ lớn khôn. Bởi giáo dục là nhiệm vụ và thành quả chung của toàn xã hội.

Phan Vĩnh Yên
 

;
;
.
.
.
.
.