Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông

.

Đây là tên một tập sách vừa được Nhà Xuất bản Khoa học xã hội ấn hành (6-2019) - cũng chính là kết quả giai đoạn 1 (cái nhìn tổng quan) của đề tài nghiên cứu cấp Bộ: Điều tra, sưu tầm tư liệu tiếng Trung Quốc liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì. Tập sách mang nhiều thông tin mới và đặt ra một số vấn đề đáng lưu ý đối với một số nhà nghiên cứu Việt Nam.

 

Trong tập sách cho thấy các thông tin nghiên cứu của Trung Quốc tập trung vào 4 vấn đề liên quan: [1] Trung Quốc quan tâm đầu tư nghiên cứu khoa học về Biển Đông từ khá sớm. Các xuất bản phẩm mà các nhà khoa học Trung Quốc công bố tương đối đa dạng; theo thống kê đến năm 2016, có 3.042 luận văn thạc sĩ, 1.003 luận án tiến sĩ (riêng giai đoạn 2010-2015 có 564 luận án). Điều đáng chú ý là các nhà khoa học Trung Quốc rất chú ý khai thác, chú giải và công bố những tư liệu có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.

[2] Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền về Biển Đông ra quốc tế thông qua các xuất bản phẩm, hòng đánh lạc hướng dư luận quốc tế. Mặc dù hiện nay chưa thống kê đầy đủ số lượng sách và bài báo học giả Trung Quốc được công bố ở nước ngoài, nhưng các nhà khoa học quốc tế đều thống nhất nhận định về hoạt động này, có những ấn phẩm bằng 2 thứ tiếng (Trung Quốc và tiếng Anh).

[3] Trung Quốc tăng cường nghiên cứu về Việt Nam, với số lượng năm sau cao hơn năm trước (nếu như năm 2009 có 29 xuất bản phẩm sách, luận án và luận văn thì năm 2012 tăng lên 85). Theo các nhà khoa học Trung Quốc, muốn giải quyết vấn đề Biển Đông với Việt Nam phải hiểu về Việt Nam, không chỉ về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ mà cả về chính trị, kinh tế, xã hội.

[4] Trung Quốc ngày càng mở rộng lĩnh vực nghiên cứu về Biển Đông, không chỉ về lịch sử mà cả về mặt pháp lý, quan hệ quốc tế, thậm chí về văn hóa, khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, vẫn có những học giả Trung Quốc phê phán các quan điểm chính thống của chính nước họ (Trung Quốc) về vấn đề Biển Đông. Tiêu biểu như học giả Lý Lệnh Hoa, cựu nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Tin tức - Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc đã có ý kiến phản bác rằng: Đường lưỡi bò là một đường hư ảo.

Sau khi đưa ra các số liệu thống kê và đánh giá, tập sách đưa ra các kiến nghị đối với Việt Nam: Cần nhanh chóng củng cố hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Biển Đông; sớm xác định đề tài nghiên cứu về Biển Đông cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để có cơ chế chính sách huy động nguồn lực (cả con người và kinh phí) cho nghiên cứu về Biển Đông. Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan, đơn vị nghiên cứu có liên quan về Biển Đông ở Việt Nam nhằm kết nối, chia sẻ và trao đổi thông tin, ý tưởng nghiên cứu. Nhà nước cần tạo điều kiện, cho phép đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đăng tải các công trình nghiên cứu về Biển Đông ra quốc tế. Ngoài việc nghiên cứu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, Việt Nam cần đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu, phê phán các quan điểm sai trái của các học giả quốc tế, trong đó có Trung Quốc về Biển Đông.

Với các thông tin nêu trên, tập sách là tài liệu cần thiết cho nhà nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung, cũng như cần cho những người quan tâm về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Võ Hà
 

;
;
.
.
.
.
.