Du lịch y tế

.

Bên cạnh nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, giờ đây khách du lịch có thể kết hợp chữa bệnh nhờ vào các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ này.

TS. BS Nguyễn Văn Dũng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân lâu năm nhất ở Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
TS. BS Nguyễn Văn Dũng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân lâu năm nhất ở Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Đà Nẵng không chỉ có tài nguyên thiên nhiên đa dạng với biển, suối nước nóng, suối khoáng nóng, bùn... mà còn có khí hậu trong lành, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp... tương đối hiện đại. Đây là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng.

Y tế và du lịch

Theo thống kê, năm 2018 có 7,66 triệu lượt khách du lịch đến Đà Nẵng, trong đó có 2,875 triệu lượt khách quốc tế. Đây là tín hiệu khả quan để thành phố nghĩ đến loại hình du lịch y tế (DLYT) mà Singapore và Thái Lan đã đi tiên phong trong khoảng gần 10 năm nay.

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, ngày 22-2-2019, Sở Y tế thành phố có Công văn số 473/SYT-NVY gửi cho các bệnh viện trên địa bàn về việc tăng cường mở rộng các dịch vụ y tế, y tế phục vụ du lịch, thành lập các khoa y tế quốc tế.

Ngày 4-7-2019, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2946/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố năm 2019 (Đợt 1). Theo đó, “Phát triển du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng” là một trong 13 nhiệm vụ nằm trong danh mục với địa chỉ ứng dụng bao gồm các ngành du lịch, y tế, các cơ sở y tế và đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.

Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng từ nhiều năm qua đã đón bắt xu thế phát triển loại hình DLYT bằng nhiều chương trình hoạt động tại cơ sở 2 của bệnh viện ở địa chỉ 342 Phan Châu Trinh. Tại đây, Đơn vị DLYT được thành lập ngày 31-5-2017 nhằm khám chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho khách du lịch. Sau hơn 2 năm hoạt động, đơn vị đã đạt được một số kết quả khả quan, bước đầu tạo được uy tín trong và ngoài nước. Số lượng bệnh nhân là người nước ngoài đến khám và chữa bệnh ngày một tăng: năm 2018 có 310 bệnh nhân, tăng 47,6% so với năm 2017; 6 tháng đầu năm 2019 có 196 lượt bệnh nhân. Người bệnh đến từ 22 quốc gia như: Hàn Quốc (chiếm đa số với 56,9%), Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Hungary, Pháp, Hy Lạp…

ThS.BS Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Bệnh viện YHCT, nhận định: “Có thể nói, hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho du khách hay người nước ngoài, nếu chỉ triển khai độc lập ở các cơ sở y tế thì chưa phải là sản phẩm DLYT đúng nghĩa. Khi và chỉ khi các hoạt động này tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng trong hoạt động kinh doanh du lịch thì nó mới trở thành sản phẩm DLYT”.

Khách du lịch sau khi thăm thú nhiều nơi sẽ thấm mệt, nếu gặp thời tiết thay đổi đột ngột sẽ càng uể oải hơn. Đến với Đơn vị DLYT ở Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, du khách sẽ được cung cấp các dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt; ngâm, tắm thảo dược hoặc ứng dụng một số phương pháp YHCT dân gian khác. Sau khi được nạp lại năng lượng qua các hình thức chăm sóc sức khỏe, khách sẽ tiếp tục cuộc rong chơi, tìm hiểu về đất và người Đà Nẵng.

Nhìn chung, khách du lịch kết hợp khám, chữa bệnh hầu hết là người có điều kiện kinh tế, có thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu cao. Nhằm mục tiêu phát triển loại hình DLYT, góp phần tăng nguồn thu cho ngành Du lịch thành phố, BS Ánh kiến nghị: “Cần lắm sự phối hợp giữa hai ngành Y tế và Du lịch trong việc xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù: DLYT bằng y dược cổ truyền. Và cần lắm kế hoạch phối hợp giữa các cơ sở y tế với các công ty tổ chức du lịch, nghỉ dưỡng có kết hợp chữa bệnh”.

Khai thác và phát triển tương xứng với tiềm năng

Một trong những vị khách thâm niên, năng lui tới Cơ sở 2 Bệnh viện YHCT Đà Nẵng là ông David J.S, người Australia, bị bệnh đau đầu dạng khó điều trị, dùng thuốc tây mãi vẫn không thuyên giảm. 3 năm trước ông du lịch đến Đà Nẵng và chữa bệnh tại Bệnh viện YHCT, được hơn một năm thì thấy đỡ rất nhiều, bèn viết thư cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện. Hôm tôi gặp ông đến chữa trị theo định kỳ, cô phiên dịch nói ông cảm thấy người khỏe ra như có ai gỡ khối đá trong đầu mình. Lượng thuốc tây ông dùng giờ đã giảm xuống chỉ còn một nửa.

Cùng lúc với ông David có cô Zhang C.X, khách du lịch người Trung Quốc, đến chữa bệnh đau cổ do hội chứng cột sống cổ, thắt lưng do thoái hóa cột sống. Hôm đó lần thứ hai đến chữa, cô cho biết đã giảm được 30%.

Lát sau, có anh Sempa H., người Uganda, bị chấn thương khớp gối, đã mổ nối dây chằng, bác sĩ dặn hạn chế vận động. Anh đến điều trị được tháng rưỡi, nay đã thuyên giảm được khoảng 40%. TS. BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng đơn vị DLYT ở Cơ sở 2 Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, nói bệnh anh muốn ổn định phải qua liệu trình 6 tháng đến 1 năm.

Gần đây, ngày 29-3-2019, bệnh viện khai trương Đơn vị Cấy chỉ thẩm mỹ - Điều trị liệt mặt với kỹ thuật châm cứu thẩm mỹ, cấy chỉ thẩm mỹ được thực hiện bởi đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện theo kỹ thuật do các giáo sư Trường Đại học Kyung Hee, Seoul (Hàn Quốc), trực tiếp chuyển giao công nghệ. Ngoài các kỹ thuật điều trị liệt mặt cho người bệnh, nơi đây còn làm đẹp cho khách hàng bằng các kỹ thuật như điều trị chăm sóc da bằng máy xông hơi...

Hôm đó, anh Đinh Mai P.C. sau khi được BS Nguyễn Quang Ý (Phó trưởng Đơn vị Cấy chỉ thẩm mỹ - Điều trị liệt mặt) cấy 6 chỉ, đã đứng lên nhẹ nhàng quay mặt sang phải, sang trái. Anh nói: “Hôm qua ngủ dậy bò xuống giường không được, cái đầu cứng ngắc. Sáng chừ được các kỹ thuật viên xoa bóp, bác sĩ cấy chỉ, nhẹ cả người”.

BS Dũng lạc quan: “Du lịch chữa bệnh bằng y dược cổ truyền hoàn toàn có cơ hội trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù nếu biết khai thác được nhiều yếu tố hấp dẫn, độc đáo, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa dân tộc”.

DLYT, chăm sóc sức khỏe là tiềm năng đầy hứa hẹn cho Đà Nẵng. Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Xuân Bình kỳ vọng: “Hướng tới xây dựng một điểm đến chất lượng cao, môi trường du lịch ngày càng hấp dẫn an toàn theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, việc nghiên cứu phát triển DLYT, chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng sẽ giúp Đà Nẵng khai thác và phát triển tương xứng với tiềm năng, góp phần xác định phân khúc thị trường khách mục tiêu cụ thể, tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu bình quân của du khách, tăng nguồn ngân sách từ hoạt động du lịch và y tế tại Đà Nẵng”.

 “Giải tỏa cơn đau chỉ sau 10 phút”

Đó là tên một hoạt động chữa bệnh bằng Hỏa long cứu (HLC) tại hai đầu cầu Rồng vào những đêm thứ bảy, chủ nhật để phục vụ du khách, do Bệnh viện YHCT Đà Nẵng đề xuất.

Phương pháp HLC (hay Tốc cứu) do Lương y Phan Công Tuấn nghiên cứu ứng dụng và phổ biến lần đầu trên Tạp chí Cây Thuốc Quý (số 120, tháng 11-2008), gần đây đã được triển khai chữa bệnh tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng.
Ngoài việc có thể chữa được nhiều bệnh chứng và nhất là có hiệu quả tức thời cho các chứng đau lưng, mỏi cổ, mỏi mệt do đi lại nhiều..., HLC còn được dùng để phối hợp với nhiều phương pháp khác để hỗ trợ điều trị cai nghiện chất.

Bác sĩ Nguyễn Nguyễn Anh Khoa, Trưởng đơn vị Cai nghiện chất - Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, giải thích: HLC dùng nhiệt (hỏa) trong trị liệu các chứng hàn, người nghiện chất như Heroin với các biểu hiện sợ lạnh, sợ nước, có cảm giác như giòi bò trong xương; bác sĩ dùng nhiệt (hỏa) đưa vào mạch Đốc –  nơi hội tụ các đường kinh Dương trong cơ thể con người – để nâng cao chính khí, hỗ trợ dương khí để đẩy âm khí (sợ lạnh) ra ngoài.

Nhiều khách du lịch trên cả nước đã đến Bệnh viện YHCT Đà Nẵng cai nghiện chất. Năm 2016 có một Việt kiều đến bệnh viện chữa nghiện Methadone – loại thuốc giúp người nghiện các chất dạng thuốc phiện giảm lệ thuộc vào heroin hoặc thuốc phiện. Năm 2018, một du khách người Mỹ dùng thuốc giảm đau có chứa Codein, đến điều trị 15 ngày, đến nay khi liên lạc qua FB cá nhân thì người này cho biết rất tốt, bác sĩ Khoa thông tin. Từ những lợi ích thực tế mang lại, thiết nghĩ, HLC nếu được đầu tư khai thác đúng mức, có thể trở thành một sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng.

VĂN THÀNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.