Đà Nẵng cuối tuần

Đừng đẩy tương lai vào ngõ cụt

17:19, 27/10/2019 (GMT+7)

Sao lại tự đốt đời mình?

Trương T., 44 tuổi, hiện ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Buôn bán, kinh doanh nhiều thứ nhưng đụng đâu là “bể” đó, anh lân la dùng bồ đà để giải sầu, sau bạn bè rủ rê tiến dần đến ma túy đá. Mỗi lần sử dụng loại ma túy tổng hợp (MTTH) này tốn 300.00 đồng, thành ra làm được bao nhiêu anh đem “nướng” hết vào các cơn giải sầu tốn kém.

Nguyễn Tùng V. (phải): Gần 2 tháng được điều trị nghiện ma túy là một sự may mắn đối với tôi. Ảnh: V.T.L
Nguyễn Tùng V. (phải): Gần 2 tháng được điều trị nghiện ma túy là một sự may mắn đối với tôi. Ảnh: V.T.L

Chuyện trò với chúng tôi trong căn phòng nhỏ của Ban quản giáo số 4 ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng (CSXH), anh nói mỗi lần sử dụng ma túy đá là người bị ảo giác, lười làm việc, suy nghĩ lung tung, không chủ tâm vào việc gì, ăn nói bậy bạ... Gia đình rất buồn, báo công an làm kiểm tra nhanh thì thấy anh dương tính với ma túy nên đồng ý đưa anh lên đây điều trị cắt cơn.

Bác sĩ Lưu Văn Dũng, Trưởng phòng Y tế của CSXH Bầu Bàng cho biết, vào đây anh T. được tư vấn tâm lý, vận động thư giãn, có chế độ dinh dưỡng tiêu chuẩn, theo dõi triệu chứng rối loạn tâm lý do sử dụng ma túy. Sau 10 ngày anh T. đã cắt cơn ổn định. Cuối tháng 3-2019, sau khi có quyết định của Tòa án nhân dân quận Sơn Trà về áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, anh chính thức làm “cư dân” của cơ sở trong thời hạn 12 tháng. Được Ban quản giáo giúp đỡ, bản thân chấp hành mọi nội quy của cơ sở về điều trị cai nghiện, anh liên tục được bình xét tốt, và theo quy định, anh được giảm 4 tháng so với quyết định của tòa án.

Tính đến ngày 14-10-2019, CSXH Bầu Bàng có 577 học viên. Trong đó, có 34 học viên cai nghiện heroin, thuốc phiện, cần sa (ma túy truyền thống); 543 học viên cai nghiện MTTH. Bác sĩ Dũng nhấn mạnh đến hiện tượng nhóm sử dụng MTTH tăng nhanh trong những năm gần đây với tuổi đời ngày càng trẻ. “Việc triển khai cai nghiện MTTH ở cơ sở được tiến hành với mọi nguồn lực cũng như chế độ chính sách; trong đó thầy thuốc, cán bộ tư vấn, người thân và gia đình người lệ thuộc ma túy có vai trò hỗ trợ, phối hợp động viên để người nghiện yên tâm hợp tác và chấp hành tốt nội quy quy chế của cơ quan”, bác sĩ Dũng thông tin.

Người nghiện MTTH nhỏ tuổi nhất (16 tuổi) được biết đến là một bạn trẻ ở xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Vì sao ở vùng quê xa mà vẫn có người sử dụng ma túy? Bác sĩ Phan Đình Huệ (chuyên điều trị nghiện ma túy ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng) giải thích có loại MTTH dễ mua, rẻ tiền, dễ dùng, mau “phê” là “cỏ Mỹ”. Giới trẻ nông thôn nhiều khi không biết tác hại cực kỳ khủng khiếp của cỏ được phát hiện đầu tiên ở Mỹ này nên nghe bạn bè rủ rê dùng thử và cuối cùng lâm vào con đường nghiện ngập.
Một trong những bệnh nhân được bác sĩ Huệ điều trị là Nguyễn Tùng V., 26 tuổi, người Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. V. làm du lịch, đến mùa mưa nghỉ ở nhà, không biết làm gì nên lấy “cỏ Mỹ”... giải sầu! Ba mẹ V. lo quá, đưa V. ra Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để cai nghiện. Trẻ hơn V. 1 tuổi là Trần Thái Ng., trú ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Lúc đi du học, Ng. có dùng thuốc lắc - một loại thuốc gây nghiện tổng hợp bất hợp pháp, về nước dùng lại. Một lần xảy ra cãi vả trong gia đình, ba mẹ đã làm đơn đưa em đi cai nghiện.
Sau khi được các bác sĩ ở đây phân tích thiệt hơn về những tác hại khôn lường của ma túy theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, cả hai bạn trẻ chưa lập gia đình này đều quyết tâm làm lại từ đầu. Có ai lại đi tự đốt đời mình khi còn có cả một tương lai phía trước?!  

Rũ bỏ quá khứ, xây dựng tương lai

Trong 10 năm qua, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng điều trị nghiện ma túy bằng chương trình đề phòng tái nghiện có tên là “Huấn luyện tự khống chế và tự hồi phục” (Self Management And Recovery
Training – SMART) được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ. Để tham gia vào chương trình “Thành phố 5 không” (trong đó có tiêu chí không có người nghiện má túy tại cộng đồng) của Đà Nẵng, với sự giúp đỡ của GS Bahr Weiss (tiến sĩ Tâm lý lâm sàng tại Trường Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ), bác sĩ CK2 Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tiến hành đề tài nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả phương pháp Huấn luyện tự khống chế và tự hồi phục của Việt Nam (SMART-VN) trong điều trị hỗ trợ các học viên nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục 05-06 (nay là CSXH Bầu Bàng) thành phố Đà Nẵng”.

Những năm gần đây, sự xuất hiện MTTH với tác hại cực kỳ khủng khiếp đối với người dùng khiến cho việc điều trị nghiện trong nhóm đối tượng này rất khó khăn. Bác sĩ Trung chỉ ra một số khó khăn khi điều trị nghiện MTTH như: Dùng heroin khi “phê” thì nằm một chỗ, chứ dùng MTTH là dễ gây ra án; MTTH cho khoái cảm mạnh hơn nên tỷ lệ tái nghiện rất cao; sử dụng MTTH một thời gian dài sẽ để lại di chứng tâm thần nặng, làm thay đổi chức năng nhận thức...

Ngày 1-3-2019, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định 786/2019/QĐ-BYT về việc Ban hành Hướng dẫn can thiệp lạm dụng MTTH dạng Amphetamine (ATS) nhằm giúp các cán bộ y tế và nhân viên xã hội có các kiến thức và hiểu biết về can thiệp cho những người lạm dụng ATS.

Ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, bệnh nhân sau khi điều trị hội chứng cai tầm 10-15 ngày sẽ chuyển qua giai đoạn phục hồi chức năng trong ít nhất 3 tháng. Ngoài điều trị bằng thuốc, chủ yếu các bác sĩ dùng liệu pháp tâm lý, bác sĩ Trung cho biết từ chuyên môn gọi là “phỏng vấn động cơ”, nghĩa là trao đổi với bệnh nhân để họ tự dần nhận thức và thay đổi hành vi. Động cơ thay đổi do tự thân nhận thức (bên trong) vì tương lai và sức khỏe của chính mình thì sẽ cai nghiện thành công hơn, bền vững hơn.

Ngoài chữa trị cho bệnh nhân tại chỗ, Khoa Pháp y – Nghiện chất của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng còn hỗ trợ chuyên môn cho CSXH Bầu Bàng. Đây cũng là nơi triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Đánh giá hiệu quả điều trị nghiện ma túy bằng châm cứu, thuốc nam kết hợp dạy nghề giúp việc lương y – lương dược tại CSXH Bầu Bàng” do Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng thực hiện.

Qua 2 năm thực hiện (2016-2017), nhóm nghiên cứu đề tài đã đúc kết hoàn thiện 3 quy trình điện châm, hỏa long cứu, bài thuốc nam (do lương y Phan Công Tuấn đề xuất) để điều trị cắt cơn giải độc, chống tái nghiện cho người nghiện ma túy. Theo đó, 120 bệnh nhân (trong đó có 96 nghiện MTTH) tại CSXH Bầu Bàng được điều trị bằng phương pháp điện châm, hỏa long cứu kết hợp thuốc nam. Hiệu quả điều trị được đánh giá khá khả quan, trong đó kết quả điều trị tốt và khá (cắt cơn trước 5 ngày) đạt 91,7 %.

ThS.BS Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, Chủ nhiệm đề tài cho biết, các quy trình phối hợp điện châm, hỏa long cứu và thuốc nam hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy vừa có hiệu quả rõ rệt trong điều trị, vừa đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém về kinh tế, nên có thể phổ biến áp dụng rộng rãi ở các tuyến y tế cơ sở và tại cộng đồng.

Với sự giúp đỡ của đội ngũ y, bác sĩ cùng sự giác ngộ của bản thân, những nạn nhân của MTTH như Trương T., Nguyễn Tùng V., Trần Thái Ng., hy vọng rồi đây sẽ không tự đẩy tương lai của mình vào ngõ cụt. Trương T. chỉ còn mấy ngày nữa là về với gia đình và chuẩn bị “lên” chức sui. “Tôi sẽ đoạn tuyệt với sai lầm cũ, cương quyết từ bỏ MTTH, bởi dùng nó thì mình quá vô trách nhiệm với gia đình và với chính tương lai của mình…”.

VĂN THÀNH LÊ

.