Đường về của người sau cai

.

Với những người sau cai nghiện, sự sẻ chia, đồng cảm của người thân, cộng đồng là điều vô cùng cần thiết để họ làm lại cuộc đời sau nỗ lực của bản thân.

 Hỗ trợ sinh kế cho người sau cai là biện pháp hữu hiệu để giúp họ xa rời ma tuý. (Ảnh chụp anh Mỹ - ngồi giữa, một người trở về sau cai được phường Nam Dương hỗ trợ 10 triệu đồng mua sắm dụng cụ làm nghề mộc tại nhà). Ảnh: Q.T
Hỗ trợ sinh kế cho người sau cai là biện pháp hữu hiệu để giúp họ xa rời ma tuý. (Ảnh chụp anh Mỹ - ngồi giữa, một người trở về sau cai được phường Nam Dương hỗ trợ 10 triệu đồng mua sắm dụng cụ làm nghề mộc tại nhà). Ảnh: Q.T

Hành trình đầy gian nan

Khương (sinh năm 1990, trú tổ 29, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) nhớ như in từng mốc thời gian “bập” vào ma túy đá. Chàng thanh niên từng tốt nghiệp 2 trường đại học (ĐH) danh giá (Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) kể chi tiết: “Lần đầu tiên em “dính” vào ma túy là thời điểm em từ Sài Gòn về Đà Nẵng nghỉ hè năm 2010. Hồi đó em đến nhà bạn dự sinh nhật và bạn rủ “làm vài hơi” cho vui. Em cũng thử vì nghĩ ma túy đá khác heroin, không gây nghiện. Sau lần đầu tiên đó, từ khoảng 2010 đến 2013, em hút 3 lần”.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Khương về Đà Nẵng tiếp tục học văn bằng hai, ngành Xây dựng dân dụng, Trường ĐH Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng. Ban ngày, Khương đi làm kỹ thuật điện cho một nhà máy thép (ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), ban đêm đến lớp học. Đây cũng là thời gian Khương chính thức bước vào con đường nghiện ngập với tần suất sử dụng ma túy đá vài lần/tuần. Không chỉ dính ma túy, thời điểm này, Khương còn dính vào cá độ, vay nợ xã hội đen. “Cuối năm 2014, em như kẻ không còn gì trong tay.

Bao nhiêu tiền bạc làm ra rơi rớt theo “trái bóng tròn” và những viên ma túy đá. Em bỏ nhà đi bụi luôn. Người lúc đó cũng chẳng còn ra người nữa. Sống chui rúc, vạ vật như người vô hồn. Nhìn gia đình người ta sum vầy đầm ấm bên nhau dịp Tết đến xuân về, em nằm trong phòng trọ nhà bạn mà chảy nước mắt. Đến mồng 4 Tết thì mẹ tìm được em. Bà đưa em về nhà. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Em đã hứa với lòng là sẽ đoạn tuyệt với ma túy. Em làm khổ ba mẹ bao nhiêu năm rồi”, Khương bối rối kể lại những ngày tháng tuổi trẻ sai đường lạc lối của mình.

Sinh trưởng trong gia đình có bố làm công chức, mẹ là người phụ nữ dịu dàng, hết lòng vì chồng con, Khương nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường, nhưng chẳng biết “ma xui quỷ khiến” nào mà em cứ mãi đi chệch hướng. Lời hứa bỏ ma túy, chí thú làm ăn được Khương hứa đi hứa lại với ba mẹ biết bao lần. Lời hứa lần này kéo dài hơn 6 tháng, cuối năm 2015, Khương “dính” vào ma túy lần thứ 3. Những đêm dài thức trắng bán hoa Tết khiến Khương nhớ như điên dại cảm giác khi dùng ma túy đá. Thêm nữa, bạn bè đem “hàng” đến rủ rê, dùng không tốn tiền. Vậy là Khương lại tìm đến nó, tiếp tục rơi vào vòng xoáy nghiện ngập kéo dài.

Cũng trong thời gian này, Khương cưới vợ và có con. Có gia đình, như bao người, Khương cũng muốn tu chí làm ăn, sinh con và nuôi dạy chúng thật tốt. Áp lực đem lại cho vợ con cuộc sống đủ đầy khiến Khương xin nghỉ việc ở công ty và theo nghề chạy xe Grab. “Ngã rẽ này những tưởng giúp em kiếm thêm tiền mua sữa cho con nhưng không ngờ lại đưa em vào con đường nợ nần, nghiện ngập hơn nữa. Những đêm đợi khách, mưa lạnh, cô đơn khiến em muốn trốn mình trong độ phê, độ ảo của ma túy đá. Trong một lần bạn bè xấu đến rủ rê, thấy hơi thuốc, “con ma” trong em trỗi dậy, không làm chủ được mình nên tái nghiện. Đỉnh điểm của giai đoạn này là em bể nợ phải bán xe, bỏ trốn vào thành phố Hồ Chí Minh. Đó là năm 2017”, Khương nói.

Cuối năm 2017, sau thời gian trốn chui trốn nhủi ở Sài Gòn, Khương về lại Đà Nẵng. Để có sự trở về này, ba mẹ và vợ Khương đã đứng ra dàn xếp với các chủ nợ. Khương về nhà với nỗi ân hận tột cùng vì đã liên lụy đến gia đình. Những tưởng đây đã là lần cuối, 7 năm lầm lỡ đã được khép lại, nhưng không, “đập đá” vẫn là trò quen thuộc của Khương và nhóm bạn. Trong một lần lên cơn tức giận vì bị các con nợ “dí”, Khương đã “lận” dao trong người quyết đi đòi nợ những người đang nợ tiền banh bóng của mình.

Thấy con trai định ra ngoài nhưng có biểu hiện lạ, mẹ giữ Khương trong nhà và gọi điện báo công an. “Đúng ngày 15-8-2018, em chính thức đi cai nghiện ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng. Những ngày tháng ở cơ sở này quả là thời gian gian khó nhất trong cuộc đời em. Đó cũng là thời gian giúp em chiêm nghiệm sâu sắc nhất về cuộc đời. Em thấm những lời dạy của ba em: Chỉ có người thân trong gia đình mới thương yêu ta, bỏ qua mọi lỗi lầm của ta. Hôm em đi, ba em nói ba không có đứa con như em, không muốn nhìn mặt em nữa. Vậy mà ông lại là người lên thăm nuôi em nhiều nhất”, Khương tâm sự.

Ngày Khương về, không chỉ ba mẹ, vợ con ra đón mà lãnh đạo địa phương, Công an khu vực cũng dang rộng vòng tay đón em. Khương mãi mãi biết ơn anh công an khu vực đã chở Khương đi loanh quanh xin việc làm tạm thời ở các cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn. Công việc phụ bưng bê hoa Tết giúp Khương có ít tiền để mua sắm cuối năm cho vợ con. Ra Tết, Khương được chính quyền địa phương giới thiệu vào làm tại một cơ sở giày da trên đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê. Sau khi tay nghề đã vững, Khương được Công ty TNHH Giày da Hữu Nghị nhận vào làm với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng. “Em không ngụy biện và cũng không giấu giếm cho những sai lầm trong quá khứ của mình. Đối diện với quá khứ tăm tối là động lực để em có thể cố gắng sống tốt từng ngày ở hiện tại. Em mong rằng những người từng sa lầy vào ma túy bớt mặc cảm, tự ti, có thêm một cơ hội làm lại cuộc đời. Đã gần 30 tuổi, dù muộn nhưng em sẽ làm lại từ đầu vì bố mẹ, vì vợ con, vì sự giúp đỡ của các anh ở địa phương để chuộc lại những gì em đã gây ra”, Khương bộc bạch.

Ngăn tái nghiện khó hơn cai nghiện

Mỗi năm, thành phố có hàng trăm người sau cai như Khương trở về địa phương. Trong đó, không ít người cai nghiện lần thứ hai. Cùng với việc ngăn ngừa phát sinh người nghiện mới, việc quản lý sau cai nghiện cũng rất cần được chú trọng. Trên thực tế, theo các số liệu thống kê những năm gần đây, tình hình việc làm của người sau cai không thuận lợi. Đơn cử, đến ngày 15-9-2019, toàn thành phố có 647 người đang được quản lý sau cai (có việc làm 385 người, chiếm 59,5%; tuy nhiên hầu hết là lao động phổ thông, việc làm không ổn định). Đa số người nghiện ma túy sau khi được chữa trị, phục hồi không có việc làm nên có nhiều khả năng tái nghiện. Nguyên nhân dẫn tới người nghiện sau cai không tìm được việc làm, trước hết là do họ bị hạn chế về mặt thể chất và tâm lý. Mặc dù được điều trị tại các trung tâm, song sự suy yếu về sức khỏe, biến đổi về hình thức, phong thái vẫn còn biểu hiện rõ nét khiến người sau cai bất lợi khi đi xin việc.

Vài năm trở lại đây, công tác quản lý người sau cai được các địa phương đặc biệt chú trọng. Người cai nghiện sau khi hoàn thành thời gian điều trị tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng; được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất. Ông Lê Công Đông, Chủ tịch UBND phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) cho biết: “Cai nghiện đã khó, nhưng khó hơn là việc tránh cho người sau cai nghiện tái nghiện bằng sự lao động để tái hòa nhập cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn ma túy. Hiểu được điều đó nên những năm gần đây, chính quyền địa phương thường liên hệ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tìm việc làm cho những người đã hoàn thành tích cực các chương trình quản lý sau cai nghiện. Thực tế cho thấy, những người sau cai về địa phương có việc làm ổn định đều tiến triển tốt, bỏ hẳn được ma túy”.

Song song với giới thiệu việc làm, nhiều địa phương còn tổ chức cho người sau cai vay vốn làm ăn. Đơn cử như trường hợp anh T. (trú tổ 25 phường Nam Dương, quận Hải Châu) được địa phương hỗ trợ vay 30 triệu đồng để góp vốn mua xe chạy dịch vụ. Đến nay, công việc của anh rất ổn định, cuộc sống gia đình nhờ đó thay đổi hẳn. Không còn vẻ mặc cảm, tự ti như trước, hiện tại, anh luôn hồ hởi khi gặp người quen, hòa nhập tốt với xã hội. Ông Nguyễn Phúc Bảo Nam, Chủ tịch UBND phường Nam Dương cho biết: “Mỗi khi tiếp nhận người sau cai nghiện từ Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, địa phương cùng các hội, đoàn thể sẽ tổ chức buổi gặp mặt thân mật nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người; qua đó có hướng động viên giúp đỡ kịp thời. Cụ thể, địa phương hỗ trợ người được quản lý sau cai-cai nghiện tại gia đình, cộng đồng kinh phí tìm việc làm, mua sắm dụng cụ đồ nghề, hỗ trợ gạo, quà nhân dịp lễ, Tết Nguyên đán…”.

Khi có người hết thời hạn điều trị được trở về địa phương, các ngành chức năng đều lập hồ sơ theo dõi, quản lý. Nhiều người được giúp đỡ, tạo điều kiện học nghề, giới thiệu việc làm phù hợp. Tuy nhiên, sợi dây liên lạc giữa chính quyền - người sau cai - gia đình chỉ duy trì tốt trong thời gian đầu. Sau đó, vì nhiều lý do, sự quan tâm ấy giảm dần và nhiều người không vượt qua được sự rủ rê, lôi kéo của bạn bè xấu nên lại rơi vào vòng xoáy lẩn quẩn nghiện-cai nghiện-tái nghiện. Vì vậy, để công tác chống tái nghiện đạt hiệu quả cao, các giải pháp trên phải được thực hiện một cách đồng bộ và nhất quán, tích cực hỗ trợ vốn sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện để người sau cai tự tin ổn định cuộc sống, tránh xa tệ nạn xã hội.

Quỳnh Trang
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.