Yếu tố lịch sử và điều kiện kinh tế-xã hội hiện tại khiến nhiều thanh niên Philippines chọn con đường mưu sinh ở nước ngoài.
Thanh niên Philippines ở sân bay Manila để sang nước ngoài làm việc. Ảnh: AFP |
Thanh niên Philippines thích di cư
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi tháng 8 vừa qua sau khi tiến hành khảo sát 56.000 thanh thiếu niên Đông Nam Á tuổi từ 15 tới 35 công bố: 9% số người được hỏi thừa nhận kỹ năng đã lỗi thời, trong đó 5,7% mất việc vì kỹ năng không đáp ứng được công việc; 52% cần được cập nhật; chỉ có 18% tin vào kỹ năng của mình vẫn đáp ứng tốt công việc hiện tại. Thanh niên Đông Nam Á muốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao, các kỹ năng STEM như thiết kế và lập trình phần mềm, phân tích dữ liệu, toán học và khoa học.
WEF đặt ra câu hỏi khảo sát về sự ưa thích làm việc trong nước, các nước trong khối Đông Nam Á hay ra nước ngoài. Kết quả có tới 52,9% thanh thiếu niên Philippines tuổi từ 15 tới 35 muốn ra nước ngoài làm việc. Thái Lan thấp hơn một chút là 51,9%. Ngược lại, thanh niên Singapore có tới 60,4% muốn làm việc trong nước; Việt Nam là 54,5%. Những yếu tố tác động tới sự lựa chọn này là khả năng kiếm tiền, cơ hội thăng tiến và cả nâng cao tay nghề. Một số ít hy vọng tạo ra được tác động xã hội tích cực hơn và có một môi trường làm việc sáng tạo hơn.
Người Philippines có lịch sử di cư lâu đời đã ăn sâu vào xã hội, kinh tế và văn hóa của đất nước. Xu hướng này hiện đang phát triển mạnh hơn với giới trẻ khi họ bắt đầu gia nhập lực lượng lao động. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á năm 2018, thanh niên Philippines khó tìm kiếm việc làm sau khi ra trường vì cung vượt quá cầu. Do vậy, ngoài mong muốn ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, có được mức thu nhập cao hơn so với trong nước thì họ còn được nâng cao tay nghề. Một số muốn khám phá cuộc sống ở các quốc gia khác. Một số tìm kiếm cơ hội đoàn tụ gia đình vốn đã di cư từ trước.
Cơ quan thống kê Philippines cho biết có 2,3 triệu người nước này làm việc ở nước ngoài trong năm 2018, trong đó nữ chiếm nhiều hơn nam (55,8%) và một nửa trong số đó có tuổi đời từ 25 tới 34. Saudi Arabia là thị trường hấp dẫn nhất với thanh niên Philippines với sức hút 24,3% lực lượng lao động nước ngoài; Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất là 15,7% và Hong Kong là 6,3%.
Hầu hết những người Philippines sang nước ngoài làm việc là những người có tay nghề cao, tài năng nhưng vì thị trường lao động trong nước không đủ khả năng tiếp nhận nên chấp nhận ra đi như “chảy máu chất xám”. Tuy nhiên, đó cũng là niềm hy vọng của họ bởi thúc đẩy phát triển kinh tế. Hơn 2 triệu người lao động ở nước ngoài mỗi năm gửi về quê nhà tổng cộng hơn 25 tỷ USD. Kiều hối góp phần duy trì mức độ tăng trưởng, tiêu dùng nội địa và là mạng lưới an toàn trước những biến động kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Chính dòng tiền này trong một thập niên qua đã giúp cho ít nhất 850.000 gia đình ở Philippines thoát nghèo. Một khi thoát được nghèo thì cũng giảm được các vấn đề nảy sinh từ đói nghèo như bệnh tật, ít học…
Chính phủ Philippines khuyến khích di cư lao động khi phát triển một số tổ chức, xây dựng chính sách và luật pháp nhằm bảo vệ người lao động và cả gia đình họ. Cách tiếp cận của chính quyền Manila góp phần đưa Philippines là một trong những quốc gia có nguồn lao động chất lượng cao cho thị trường lao động toàn cầu. Philippines hiện có 49 thỏa thuận di cư song phương với 25 quốc gia.
Định hình lại hệ thống giáo dục
Các tổ chức giáo dục và trường dạy nghề ở Philippines mở rộng các ngành có khả năng giúp sinh viên tốt nghiệp sẽ có việc làm ở nước ngoài. Chẳng hạn như ngành điều dưỡng đang rất thu hút sinh viên bởi họ cần tới 19.000 điều dưỡng ra trường mỗi năm để đáp ứng nhu cầu cho… thế giới. Các sinh viên điều dưỡng cũng được dạy ngoại ngữ của những quốc gia họ định tới để dễ thích ứng với công việc và cuộc sống mới.
Hướng nghiệp thay đổi khi người học hoặc chọn các nghề có sức hút lớn ở nước ngoài như điều dưỡng nói trên hoặc chuyên vào nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật, tin học. Di cư lao động ra nước ngoài cũng có nghĩa mất mát một phần lớn tài năng của Philippines. Song song với khuyến khích để người lao động ra nước ngoài thì chính quyền Manila cũng có sáng kiến thu hút nhân tài trở về như chương trình “Nhà khoa học trở về” (BSP) nhưng chương trình này không hấp dẫn bởi các nhà khoa học Philippines từ nước ngoài khó trở về nước vì thu nhập quá thấp.
Di cư lao động nước ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, giải quyết được một phần tình trạng nghèo đói. Tuy nhiên, Philippines cũng đối diện với không ít vấn đề cần phải giải quyết. Sự phụ thuộc vào dòng kiều hối này có thể làm trì hoãn việc thực hiện một số cải cách kinh tế, xã hội cần thiết, nhất là việc giữ chân và thu hút nhân tài để phát triển kinh tế, xã hội và chính trị một cách bền vững. Chính sách khuyến khích di cư lao động cần có giới hạn. Thử hỏi, đất nước sẽ như thế nào khi càng ngày những nhân tài, những người có tay nghề cao lần lượt rời Philippines?
ANH THƯ (theo Asean Post)