Quyết tâm "vượt lên chính mình"

.

Việc cai nghiện tại nhà, cộng đồng được xem là cách điều trị mang tính nhân văn, ít tốn kém, người nghiện không phải cách ly với môi trường lao động, học tập và có sự đồng hành của gia đình, người thân trong suốt quá trình điều trị. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ không đạt được hiệu quả tích cực nếu chính người nghiện không có ý thức tự giác, quyết tâm cắt cơn.

Chỉ khi người nghiện quyết tâm vượt - lên - chính - mình thì việc cai nghiện mới thành công. TRONG ẢNH: Các học viên luyện tập thể thao tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng. Ảnh: V.T.L
Chỉ khi người nghiện quyết tâm vượt - lên - chính - mình thì việc cai nghiện mới thành công. TRONG ẢNH: Các học viên luyện tập thể thao tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng. Ảnh: V.T.L

Là hội viên của CLB Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thuộc phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) gần 2 năm nay, dù được gia đình, bạn bè và các cấp, hội địa phương hết lời khuyên nhủ nhưng Anh (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) có biểu hiện tái nghiện trở lại. Ngày phát hiện ra điều này, mẹ Anh đã tìm đến các thành viên CLB khóc lóc, van xin mọi người hãy giúp đỡ con bà. Trong khi đó, chính Anh cũng rất giận bản thân, bởi em đã quyết tâm cắt cơn một thời gian nhưng vẫn bị “quyến rũ” trong một lần đi chơi với bạn bè. Mới đây, Anh được cán bộ địa phương đưa lên Cơ sở Xã hội Bầu Bàng cai nghiện tập trung…

Ra đời từ năm 2015, CLB Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng của UBND phường Hòa An hiện có 10 hội viên đang trực tiếp tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tập trung ở độ tuổi từ 19 đến 28. Ông Ngô Ngọc Vinh, cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa-thông tin phường Hòa An cho biết, hiện nay trên địa bàn phường có hơn 100 hộ kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ, tập trung khá nhiều lao động địa phương ở các tỉnh, thành khác về sinh sống.

Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm tới công tác rà soát, nắm bắt đối tượng, nhất là đối tượng ngoài địa phương mới chuyển đến sinh sống, tạm trú; đồng thời lập hồ sơ, theo dõi chặt chẽ người nghiện ma túy, triển khai các hoạt động cảm hóa, giáo dục và giúp đỡ thanh niên vi phạm pháp luật. Đối với những người đang được theo dõi, cai nghiện tại gia đình, địa phương giao trách nhiệm giúp đỡ cho các hội, đoàn thể nhằm nhanh chóng hỗ trợ, giúp bản thân người nghiện và gia đình của họ vượt qua khó khăn, quyết tâm rời xa ma túy.

Ông Vinh chia sẻ: “Từ khi mới thành lập đến nay, CLB Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đã giúp đỡ hơn 30 trường hợp cai nghiện ma túy tại nhà. Đối với người nghiện đã cai thành công, CLB sẽ đưa họ ra khỏi danh sách hội viên; tuy nhiên, CLB vẫn thường xuyên quan tâm, giám sát, tuyên truyền để họ không quay lại với ma túy.

Tinh thần của địa phương là không xa lánh mà luôn luôn lắng nghe để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình cai nghiện của hội viên trên địa bàn”. Ngoài CLB trên, tại phường Hòa An còn có CLB Can thiệp sớm cai nghiện ma túy với hơn 40 hội viên, tập trung vào thanh thiếu niên hư hỏng, nghiện ma túy lần đầu. Đối với nhóm này, UBND phường Hòa An thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề về tệ nạn xã hội, phổ biến kiến thức pháp luật, động viên các em giao lưu, tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể tại địa phương, có ý thức hơn trong lối sống, sinh hoạt ở tuổi mới lớn.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Vài năm trở lại đây, số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy gia tăng tại Đà Nẵng đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Thông tin từ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay, UBND các phường, xã đã lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 123 người; trong đó cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình cai nghiện cho 68 người, có 23 người tái nghiện được đưa đi cai nghiện tập trung tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng.

Ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH cho biết, hiện nay, hầu hết các địa phương đều tổ chức tương đối tốt việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc và phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn. Tuy nhiên, trong 32 người đang tiếp tục chương trình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chỉ có 15 người có việc làm. Điều này gây không ít khó khăn cho công tác cai nghiện bởi khi không có việc làm, các đối tượng có nhiều quỹ thời gian để tụ tập, gặp gỡ bạn bè khiến người quản lý khó giám sát.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 20 CLB cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đang hoạt động hiệu quả. Trong đó phải kể đến các CLB đang sinh hoạt tại một số phường/xã như: Hòa An, Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), Vĩnh Trung, Thanh Bình, Hải Châu 2 (quận Hải Châu), Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Tiến (huyện Hòa Vang)… Ông Lương Vĩnh Thái cho rằng, thời gian tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được thành phố quy định là 3 tháng, khó đánh giá được đối tượng đã hoàn toàn bỏ được ma túy hay chưa nên địa phương cần tiếp tục theo dõi, ghi nhận thực chất, từ đó có sự hỗ trợ tích cực, phù hợp với các đối tượng sau cai.

Để làm tốt công tác này, địa phương cần sàng lọc, phân loại chính xác để đưa ra phương pháp cai nghiện phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một số địa phương chưa thật sự theo sát công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, xem việc này chỉ là quãng thời gian cần để bổ sung vào thủ tục, hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung. Mặc khác, có không ít cán bộ tham gia trực tiếp công tác theo dõi, giám sát người cai nghiện vẫn giữ tâm lý e dè, sợ sệt; đặc biệt trước những đối tượng có biểu hiện ngáo đá, loạn thần, có thể gây ra những hành vi nguy hiểm cho người khác.

TIỂU YẾN
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.