Sân chơi cho người lao động: Chưa như kỳ vọng

.

Ngoài những giải thể thao, hội trại mỗi năm tổ chức một đôi lần, thì hầu hết người lao động (NLĐ) vẫn chưa thật sự tìm thấy một sân chơi cho mình. Bởi lẽ, giữa cơn lốc đô thị hóa “tấc đất tấc vàng” như hiện nay, hầu như rất ít cơ quan, doanh nghiệp (DN) tự trang bị cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa-thể thao để hỗ trợ việc phát triển thể chất cũng như trí lực cho đội ngũ công nhân viên.

Hiện nay, vẫn thiếu những sân chơi thực sự đúng nghĩa dành cho đông đảo viên chức, người lao động. TRONG ẢNH: Hội thi cải cách hành chính, văn hóa cơ sở quận Hải Châu năm 2019. Ảnh: T.Y
Hiện nay, vẫn thiếu những sân chơi thực sự đúng nghĩa dành cho đông đảo viên chức, người lao động. TRONG ẢNH: Hội thi cải cách hành chính, văn hóa cơ sở quận Hải Châu năm 2019. Ảnh: T.Y

Chưa tạo được sức hút

Hơn 15 năm công tác trong một cơ quan Nhà nước trên địa bàn quận Hải Châu, anh N.V.T chia sẻ mình không có điều kiện tham gia vào bất kỳ hoạt động văn hóa, thể thao nào tại đơn vị. Một năm đôi lần, Công đoàn cấp trên tổ chức giải thể thao cho cán bộ, công nhân, viên chức, anh T. đều đến ngồi ở vị trí cổ động viên, hòa theo không khí cuộc thi một chút rồi ra về.

Anh T. cho rằng nếu xem những cuộc thi văn nghệ, thể thao là sân chơi cho NLĐ thì có phần hơi gượng ép. Bởi ai cũng biết rằng, mỗi khi có sự kiện, cơ quan chỉ có thể cử vài ba người đại diện cho một tập thể để tham gia. Chưa kể, nhiều đơn vị xem việc tham gia các giải thể thao này là phong trào, không cần có thành tích nên ngay cả những “vận động viên” cũng ít được tạo điều kiện, thời gian để luyện tập.

Cũng theo anh T., trước đây, cơ quan anh cũng từng tận dụng khu vực để xe của cán bộ, nhân viên đặt một bàn bóng bàn, hình thành sân cầu lông. Sau giờ làm, sân thể thao tạm bợ này còn rộn ràng mỗi khi cơ quan chuẩn bị tham gia hội thao do Liên đoàn Lao động thành phố hoặc các sở ngành tổ chức… Tuy nhiên sau này, do lượng xe cộ đông, khách vào ra cơ quan không có chỗ để xe nên phải dừng các hoạt động giải trí tại khu vực này.

Ở thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có gần 320.000 công nhân, viên chức NLĐ nhưng chỉ có 2 công trình văn hóa đáp ứng cơ sở vật chất như diện tích bảo đảm, có đầy đủ sân bóng chuyền, cầu lông, bóng đá… Trong đó, Nhà Văn hóa Lao động thành phố (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) đã tròn 10 năm đi vào hoạt động, có diện tích 16.500m2 gồm một hội trường lớn có sức chứa hơn 1.000 ghế ngồi cùng âm thanh, ánh sáng hiện đại; một hội trường nhỏ 120 ghế, 7 sân bóng bàn, 6 sân cầu lông, 2 sân bóng đá mini; 2 phòng billiards… Đến giữa năm 2018, Đà Nẵng tiếp tục khánh thành một Nhà thi đấu đa năng (nằm trong khuôn viên Nhà Văn hóa Lao động) bảo đảm việc tổ chức các hội thi thể thao cấp quận, ngành…

Dù đáp ứng đầy đủ các yếu tố cơ sở vật chất, nhưng nhiều năm nay, ngoài những lần tổ chức hội thao, hội thi, biểu diễn văn nghệ, hiến máu nhân đạo, phiên chợ công nhân, điểm bán hàng giá ưu đãi…, Nhà Văn hóa Lao động thành phố vẫn là “địa chỉ” khá xa lạ với đội ngũ công nhân, NLĐ.

Ông Hoàng Hữu Nghị, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động thành phố chia sẻ rằng, việc Nhà Văn hóa nằm xa trung tâm thành phố hoặc xa các khu công nghiệp (KCN) khiến NLĐ không “tiện đường” ghé đến. Thậm chí, có nhiều giải thể thao quy mô nhỏ, các đơn vị thường chọn thuê nhà thi đấu hoặc câu lạc bộ thể thao nằm trên các tuyến đường Phan Châu Trinh, Nguyễn Du, Nhà biểu diễn đa năng TP. Đà Nẵng… để giúp vận động viên, cổ động viên không phải di chuyển quá xa.

Tương tự, Trung tâm Văn hóa, thể thao công nhân nằm tại đường số 2 KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) có diện tích 4.500m2 với đầy đủ hội trường, sân bóng chuyền, bóng đá mini, phòng làm việc, phòng tư vấn pháp luật, khu nhà để xe…, là thiết chế văn hóa đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này được xây dựng dành riêng cho công nhân nhưng vẫn nằm trong tình trạng đìu hiu, vắng bóng người vào ra sinh hoạt.

Một cán bộ công tác tại đây (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Ngoài một số nam công nhân cuối tuần tổ chức đá bóng giao lưu thì hầu như không thấy một bạn nữ nào tham gia vào các hoạt động văn nghệ, thể thao tại đây, trừ những trường hợp cần tư vấn về quyền lợi người lao động.

Sự vắng bóng này, tôi nghĩ ngoài quỹ thời gian không cho phép thì phần nhiều do công tác tuyên truyền tại các công ty, tổ chức Công đoàn chưa sâu, chưa tạo được tâm lý thoải mái cho chính NLĐ để họ yên tâm tham gia vào các hoạt động văn hóa, giải trí”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Đức Long, làm việc tại Công ty TNHH MTV Kad Industrial S.A Việt Nam nằm trên đường số 118 KCN Hòa Khánh cho rằng, khó có thể đòi hỏi một người công nhân tự tin tham gia vào các hoạt động thể thao khi họ có mức thu nhập thấp, gia cảnh khó khăn, quỹ thời gian eo hẹp.

Chưa kể, nhiều người cả ngày phải ngồi làm việc một chỗ hoặc luôn căng thẳng bởi tiếng ồn của máy móc khiến thể trạng suy giảm, mệt mỏi, chỉ mong sau giờ làm về nhà nằm ngủ. “Muốn thu hút được công nhân tham gia vào các sân chơi văn hóa, thể thao thì trước hết phải hiểu họ cần gì và phải thật sự tâm lý để giúp họ tự tin rèn luyện bản thân”, anh Long chia sẻ.

Sự quan tâm tạo nên niềm vui tinh thần

Có không ít người chia sẻ rằng, sự quan tâm, giúp đỡ nhau giữa các đồng nghiệp, giữa đội ngũ lãnh đạo và công chức, viên chức, NLĐ trong mỗi cơ quan, đơn vị sẽ là liều thuốc tinh thần quý giá giúp họ vượt qua những khó khăn, áp lực trong công việc. Đơn cử, trong lúc sân chơi thể chất dành cho công nhân, NLĐ còn thiếu thốn thì các “Tổ công nhân tự quản” ở các KCN đang phát huy vai trò là chỗ dựa tinh thần, thể chất cho đội ngũ công nhân viên.

Hiện nay, toàn thành phố có 50 Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ nằm rải rác tại các quận, huyện với hơn 5.300 công nhân tham gia. Bà Vũ Thị Nhu, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ số 2, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) cho biết, các tổ tự quản được Liên đoàn Lao động thành phố trang bị tủ sách pháp luật, ti-vi, sách, báo, tạp chí…

Mỗi tháng, các tổ đều tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ; trò chuyện, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong đời sống công nhân; từ đó có những đề xuất gửi lên Liên đoàn Lao động thành phố để có hướng giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Được biết cuối tháng 4 vừa qua, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp cùng Sở Thông tin-Truyền thông lắp đặt thí điểm hệ thống wifi miễn phí tại tuyến đường Phan Văn Định (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), nơi có gần 150 công nhân đang thuê trọ để giúp họ dễ dàng kết nối vào các kênh văn hóa, giải trí, đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của NLĐ.

Ông Phạm Thế Nhân, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin Đà Nẵng cho biết với 8 thiết bị router wifi, công trình có thể đáp ứng trên 600 người dùng. Việc tiếp cận các thông tin, dịch vụ, các chương trình giải trí thông qua mạng Internet sẽ giúp người lao động có thêm kiến thức cũng như thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.

Sau khi kết thúc việc thí điểm trên tuyến đường Phan Văn Định, đơn vị sẽ tiếp tục khảo sát và chọn những tuyến đường có mạng Man được thành phố “chạy” dây trước đó để tận dụng cơ sở hạ tầng có sẵn, tiết kiệm chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, nằm trong đề án phát triển nhà ở công nhân các KCN trên địa bàn thành phố đến năm 2020, từ năm 2018, UBND thành phố giao Liên đoàn Lao động triển khai xây dựng khu vui chơi, thiết chế văn hóa, một số siêu thị mini phục vụ công nhân, người lao động với diện tích hơn 7ha nằm trong vùng trú bão và neo đậu tàu thuyền Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).

Đồng thời, thành phố cũng đang xúc tiến xây dựng công trình nhà ở công nhân tại KCN Hòa Cầm (Cẩm Lệ) trị giá 70 tỷ đồng. Những thông tin này mang đến hy vọng các thiết chế văn hóa sẽ tiếp tục được thành phố đầu tư rộng rãi, giúp người thụ hưởng không phải di chuyển quá xa cơ quan, đơn vị mình công tác.

Có thể nói, xây dựng sân chơi văn hóa, giải trí cho người lao động, ngoài yếu tố hoành tráng, các ngành cần xem xét các yếu tố địa lý, tránh xảy ra trường hợp “nơi cần không có, nơi có không cần”, ngoài ra cũng cần tạo một không gian mở để thu hút NLĐ tìm đến vui chơi, rèn luyện thể chất.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.