'Sống gấp' hay 'sống chậm'?

.

Hôm nay, đọc lại cuốn Nếu biết trăm năm là hữu hạn... của Phạm Lữ Ân, bắt gặp hai câu văn khá thú vị: “Sống là không chờ đợi. Dù chỉ mấy mươi giây.” và “Hãy cứ bình tâm. Hãy đợi thời điểm của mình, em nhé!”. Phải chăng trong bài viết này, tác giả đang tự mâu thuẫn với chính mình?!

Khi cuộc sống ngày càng xô bồ, hối hả, con người bị cuốn theo guồng quay của bao chuyện mưu sinh vật chất, thì nhiều người chọn xu hướng sống chậm, sống để cảm nhận và yêu thương. Vậy sống gấp, sống vội và sống chậm, sống “bình tâm” - lối sống nào là cần thiết, hữu hiệu đối với mỗi chúng ta?
Có lẽ Phạm Lữ Ân quan niệm “sống là không chờ đợi”. “Sống là không chờ đợi” là triết lý sống vội vàng đến cuống quýt, gấp gáp đến giục giã, mãnh liệt đến si mê dù chỉ một giây một phút thôi cũng không bỏ lỡ, không để vụt mất đi. Nhưng “vội vàng” không đồng nghĩa với bồng bột, hấp tấp, “sống gấp” đến mức buông thả, đánh mất mình, mà là phải đẩy nhanh nhịp độ, nỗ lực hết mình, làm hết khả năng có thể của bản thân đối với từng nhiệm vụ, từng tình huống, từng đối tượng…

Đời người ngắn ngủi, hữu hạn như một chớp mắt nên phải tranh thủ sống trong từng giây từng phút, sống đến tận cùng để ta có thể làm được những điều mong muốn. Cơ hội không đến nhiều lần, con người cần chủ động nắm bắt để thể hiện năng lực, bản lĩnh. Từ ý thức sống vội, ta sẽ tự tạo nguồn động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn nữa. Sống vội cũng là một cách để có thể tận hưởng mọi giá trị của cuộc sống và tận hiến những gì là cao cả nhất cho cuộc sống. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần có một quan điểm sống chủ động, mạnh mẽ trong từng khoảnh khắc.

“Bình tâm”, “chờ đợi thời điểm của mình” là sống chậm lại, từ tốn, bình tĩnh để nắm bắt cơ hội, chờ đợi đến thời điểm “chín muồi” để tỏa sáng, để thể hiện năng lực và bản lĩnh. “Bình tâm” không đồng nghĩa với việc chỉ mãi “ngồi yên một chỗ” mà không bao giờ dám hành động; “chờ đợi thời điểm của mình” khác với yếu đuối, bị động hay thói ỷ lại vào người khác. Sự bình tĩnh, kiên nhẫn giúp con người sáng suốt nhìn nhận, giải quyết những tình huống trong cuộc sống; giúp con người dễ dàng đạt được mục tiêu, khẳng định giá trị bản thân. Đặc biệt hơn, không phải lúc nào cơ hội cũng luôn sẵn sàng bày ra trước mắt để ta chớp lấy; lúc này sự kiên nhẫn, bình tâm là cần thiết. Từ đó, con người biết quý hơn những gì đã bỏ ra, trân quý hơn những gì có được khi đã phải kiên trì đợi chờ. Khi quá nóng vội, con người dễ mắc sai lầm; còn cứ chờ đợi, con người trở nên yếu đuối, thụ động. Vì vậy, cần linh hoạt lựa chọn một cách sống phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.

Cuộc đời là một bản hòa ca của không chỉ những nốt nhạc cao vút, cường độ mạnh và trường độ kéo dài, mà còn của những nốt trầm, nhịp phách ngắn, những luyến láy hay thậm chí cả những khoảng lặng. Vì vậy, cuộc sống cũng cần sự hài hòa giữa những nhịp sống vội vàng và những khoảnh khắc lắng lại đợi chờ. Cả hai quan điểm sống đều là những cách “tận sống” nhưng không phải lúc nào cũng phải đẩy nhịp sống thật nhanh, cũng không phải lúc nào cũng đợi chờ.

Hai quan điểm sống này tưởng chừng trái ngược nhưng thực ra là bổ sung để tạo nên sự tròn trịa cho một lẽ tận sống đầy ý nghĩa: Con người cần chọn cho mình một cách sống phù hợp với từng hoàn cảnh để có thể sống một đời sống có chất lượng nhất, một cuộc đời giá trị nhất. Khi biết kết hợp cả hai quan điểm sống này, ta sẽ hiểu ra rằng dung hòa cả hai là cần thiết: Hãy kiên trì đợi chờ đến thời khắc của chính bản thân và một khi cơ hội xuất hiện thì không được chờ đợi dù chỉ một giây, phải chớp ngay lấy thời khắc đó để sống trọn vẹn với cuộc đời mà không phí hoài, không ân hận.

Có thể có những người chọn sống gấp hoặc sống chậm và chúng ta cần phải tôn trọng cách sống của họ. Miễn sao điều đó đem lại sự thoải mái trong tâm hồn mỗi người, đem lại niềm vui cuộc sống của chính họ và quan trọng hơn góp vào bức tranh đời sống những nốt nhạc hay, những bông hoa đẹp để cuộc đời này thi vị hơn, ấm áp hơn.

Thiên Di
 

;
;
.
.
.
.
.