Đà Nẵng cuối tuần

Xây dựng, vận hành mô hình 'chính phủ kiến tạo, vì dân'

07:52, 20/10/2019 (GMT+7)

Sau 44 năm đất nước thống nhất và 33 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trên tất cả lĩnh vực, trong đó có cải cách hành chính. Gần đây, với sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, công cuộc cải cách hành chính đã bước sang một trang mới, gắn với mục tiêu “Xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, vì nhân dân phục vụ”.

Công dân giao dịch tại bộ phận một cửa của UBND thành phố. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Công dân giao dịch tại bộ phận một cửa của UBND thành phố. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Tuy nhiên, từ ý tưởng đến hành động là cả một quá trình lâu dài bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ khách quan đến chủ quan, từ quyết tâm chính trị của người đứng đầu đến cả hệ thống; từ cán bộ đến người dân, từ rào cản chính sách đến rào cản tâm lý…

Xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động, vì nhân dân phục vụ không phải là ý tưởng hoàn toàn mới nhưng đó là yêu cầu mới trong tình hình mới. Khi chúng ta tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng như hiện nay thì việc định vị lại chức năng của chính phủ và các bộ phận trong bộ máy hành chính là việc làm cần thiết, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo đảm xã hội, an sinh xã hội, khởi nghiệp...

Hơn nữa, một nền hành chính công “kiến tạo” phải xem sự hài lòng của “khách hàng” (người dân, doanh nghiệp) là tiêu chuẩn đánh giá, phải xem nhu cầu của “khách hàng” là động lực thay đổi, phải lấy niền tin của “khánh hàng” làm tôn chỉ, mục đích.

Với mô hình chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ, cần phải xác lập bộ tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của nó đến từng chi tiết có thể “cân, đong, đo, đếm” (*) được như là một hệ thống quản lý chất lượng phục vụ và sáng tạo của chính phủ; khách thể đánh giá chính là người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác và cần phải được tiến hành thường xuyên (ít nhất là hằng năm) để thẩm định chất lượng, phong cách phục vụ.

Đây cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm của chính phủ bởi “phục vụ là nhiệm vụ”. Khi chúng ta xây dựng và vận hành mô hình chính phủ kiến tạo mà không tính đến (hoặc thiếu) hệ thống đánh giá chất lượng sẽ dễ dẫn đến tâm lý cào bằng, ỷ lại, làm cầm chừng, thậm chí mất đi tính tích cực.

Do đó, thiết yếu phải hình thành bộ tiêu chí cụ thể có tính định lượng để “đo, đếm” hiệu quả của mô hình khi vận hành vào thực tiễn ở từng cấp/ngành/địa phương; tính tích cực, tính sáng tạo của từng cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi đó, nhiệm vụ kiến tạo và phục vụ sẽ không còn là khẩu hiệu mà chính là phương tiện để đạt được sự hài lòng của người dân, để nâng cao hiệu quả của nền hành chính.

Thực tế chỉ rõ, khi xây dựng và vận hành mô hình chính phủ kiến tạo thì thể chế và con người là quan trọng; quyết tâm chính trị là cần thiết; áp dụng khoa học, công nghệ là xu hướng; chuyển đổi tư duy và phương thức phục vụ cho đội ngũ cán bộ là then chốt; xây dựng hệ thống quản lý và đánh giá chất lượng là công cụ; giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành là nhiệm vụ thường xuyên.

Đà Nẵng hướng đến áp dụng mô thức “kiến tạo, vì dân phục vụ”

Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua, Đà Nẵng luôn nằm trong tốp đầu trong bảng xếp hạng về Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhiều năm liền. Điều này cho thấy, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chung tay “kiến tạo” một thành phố “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả to lớn ấy còn không ít những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, thậm chí rào cản khiến cho bước tiến của thành phố có lúc chững lại; mức độ hài lòng của người dân có lúc, có nơi vẫn ở mức “chưa như sự kỳ vọng”.

Do đó, để thực hiện tốt vai trò kiến tạo, vì nhân dân phục vụ, thiết nghĩ Đà Nẵng cần tăng cường một số điểm sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Trong thời gian gần đây, cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử được triển khai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đã gặt hái được nhiều kết quả ghi nhận.

Trong đó, có sự chuyển biến đáng kể trong tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức; trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đối với tổ chức, công dân, doanh nghiệp; trong giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh…

Tuy vậy, nếu dừng lại ở đây và “hài lòng” với những gì mà chúng ta đang có cũng đồng nghĩa với một bước lùi. Nói cách khác, người dân và doanh nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn (thời gian, quy trình, tiền bạc, công sức…) khi tiến hành một số “dịch vụ” hành chính công.

Một số thủ tục tuy đã giảm được nhiều công đoạn nhưng vẫn còn rườm rà. Do đó, các cơ quan hữu quan Đà Nẵng cần có một đánh giá thỏa đáng hơn, tỉ mỉ hơn, khoa học hơn về từng dịch vụ hành chính để tiến hành tinh giảm các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất, hiệu quả nhất các dịch vụ hành chính công hiện hữu.

Thứ hai, cần lượng hóa các chủ trương, chính sách, đề án liên quan đến cải cách hành chính thành các tiêu chí cụ thể, có thể “cân, đong, đo, đếm được”. Chẳng hạn, với chương trình “Thành phố 4 an” có các nội dung tương ứng: (1) An ninh trật tự; (2) An toàn giao thông; (3) An toàn thực phẩm; (4) An sinh xã hội. Mỗi nội dung có 6 tiêu chí cụ thể. Tuy vậy, xem xét kỹ các tiêu chí đó thì vẫn còn rất chung chung. Ví dụ như “tích cực lao động sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình, không dựa dẫm, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cộng đồng”…

Điều này cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong triển khai thực hiện nhưng rõ ràng là tiêu chí đánh giá chưa rõ, chưa ấn định về tính chất, quy mô, hiện trạng; chưa có lộ trình về thời gian; chưa có công cụ để “cân, đong, đo, đếm” các nội dung cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả.

Thứ ba, phát huy hơn nữa kênh phản hồi nhằm tiếp thu ý kiến của nhân dân. Bất cứ hành động nào của chính quyền cũng nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân, phát triển thành phố ngày càng tốt hơn.

Ai cũng biết rằng đã là “dịch vụ” thì phải lấy sự hài lòng làm thước đo. Muốn vậy, cần phải thu nhận ý kiến từ phía “khách hàng”. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội vàng để áp dụng các công cụ làm phương tiện quản lý xã hội, thu thập ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp. Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, chừng nào người dân hình thành nên khái niệm “thành phố của tôi” thì lúc đó người dân mới có “trách nhiệm” và “quyền lợi” được phản hồi.

Khi muốn đóng góp ý kiến hay phản hồi một vấn đề nào đó với chính quyền thì, một mặt là “tính tiện lợi” của công cụ phản hồi (kênh phản hồi phong phú, thuận tiện, nhanh chóng), một mặt phải đủ “niềm tin” và độ an toàn cho người phản hồi. Do đó, việc đa dạng hóa kênh phản hồi và hình thành cơ chế thích hợp để người dân tích cực tham gia ý kiến.

Thứ tư, tăng cường công tác giáo dục, định hướng cho cán bộ, công chức, viên chức về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Một nền hành chính vận hành theo mô thức “kiến tạo, vì nhân dân phục vụ” thì ngoài cơ chế, chính sách, rất cần và là yếu tố tiên quyết chính là bộ máy vận hành – đội ngũ cán bộ. Một chính sách dù hay mấy, đúng mấy mà chính đội ngũ vận hành chính sách ấy không (hoặc chưa) nhận thức đúng đắn, làm tốt vai trò của mình, định vị đúng chức năng, vị thế của mình thì chắc chắn sẽ không thực hiện được. Do đó, lãnh đạo thành phố cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng (có thể gắn với các lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; các lớp bồi dưỡng chức danh; các lớp tập huấn ngắn hạn,…) nhằm thay đổi hành vi của đội ngũ cán bộ; từ đó tạo nền tảng thực hiện “chính quyền kiến tạo, vì dân”.

TS. Phạm Đi

(*) Tương tự hệ thống quản lý chất lượng trong các doanh nghiệp ISO. Cách thức lượng giá và thẩm định gồm các tiêu chí, thang đo, chỉ số như việc đánh giá Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).
 

.