Các công ty khởi nghiệp đổ vốn vào Đông Nam Á

.

Phần lớn các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đi theo mô hình các công ty của Trung Quốc, nhưng giờ đây tầm ảnh hưởng đó đang có dấu hiệu giảm, bởi các nhà đầu tư mạo hiểm nhận thấy khu vực này đang là “điểm nóng” làm ăn.

Grab là một trong những công ty khởi nghiệp rất thành công ở Đông Nam Á.
Grab là một trong những công ty khởi nghiệp rất thành công ở Đông Nam Á.

Giá trị các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á tính tới tháng 9-2019 đã lên tới 57 tỷ USD, trong khi một năm trước chỉ mới 34 tỷ USD. Bigo Tech (phát trực tuyến và truyền thông xã hội), Trax (nhận diện hình ảnh), ONE Championship (truyền thông và thể thao), Zillingo (thương mại điện tử) là 4 cái tên mới nhất lọt vào danh sách “kỳ lân” (công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD), đẩy số lượng “kỳ lân” ở Đông Nam Á lên con số 14, theo báo cáo của Công ty Tư vấn toàn cầu Bain & Company có trụ sở tại Mỹ hồi tuần trước. Việt Nam có 1 “kỳ lân” trong top 10 là Công ty Công nghệ Việt Nam VNG với giá trị trên 2 tỷ USD.

Giống như Trung Quốc 15 năm trước, nền kinh tế công nghệ Đông Nam Á tập trung vào thiết bị di động, điện thoại thông minh để phát triển các ứng dụng dịch vụ thanh toán nhanh, giao đồ ăn theo yêu cầu… Những thương hiệu mới nổi có thể không quen thuộc ở phương Tây như: Tokopedia và Lazada trong lĩnh vực thương mại điện tử, GoJek trong đặt xe, Traveloka đặt chỗ du lịch… Tất cả đều là bản sao các mô hình kinh doanh hoạt động ở Trung Quốc nhưng những người đứng đầu các công ty này phần lớn là các doanh nhân có kiến thức sâu rộng, có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài nên nhanh chóng vượt xa trình độ của Mỹ và Trung Quốc nhờ khu vực này nắm bắt công nghệ nhanh hơn. Họ có được sự cộng hưởng về thời cuộc khi người dân khu vực có được kết nối Internet diện rộng, giá cả vừa phải và dân số trẻ.

Ba “kỳ lân” danh tiếng của Trung Quốc như Baidu, Alibaba và Tencent cũng như ByteDance và JD.com chuyển hướng đầu tư mạnh vào khu vực Đông Nam Á sau khi gặp khó khăn trong việc thâm nhập thị trường Mỹ vì Mỹ lo ngại công nghệ Trung Quốc. Những “kỳ lân” khác như Didi và WeChat Pay sau thời gian làm ăn thành công ở Ấn Độ cũng chuyển hướng sang Đông Nam Á. Không chỉ có Trung Quốc nhìn thấy được mảnh đất màu mỡ cho công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á mà các nhà đầu tư mạo hiểm thế giới cũng bắt đầu chen chân vào, nhất là sau khi họ nhận ra rủi ro ngày càng tăng khi đầu tư cho các công ty khởi nghiệp Trung Quốc vì căng thẳng thương mại-công nghệ với Mỹ. Tại Diễn đàn Liên doanh châu Á gần đây ở Hong Kong (Trung Quốc), Scott Sandel, Giám đốc điều hành của NEA ở Thung lũng Silicon cho biết, công ty tạm dừng các khoản đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc, chờ những diễn biến mới về chính trị và quan hệ thương mại giữa hai nước…

Tập đoàn Softbank của Nhật Bản có quỹ công nghệ khổng lồ 100 tỷ USD đã đầu tư vào thương mại điện tử, đặt xe, giao thức ăn trong khu vực. Walmart (Mỹ) mua lại nhà bán lẻ trực tuyến Flipkart của Ấn Độ với giá 2 tỷ USD. Các nhà đầu tư mạo hiểm như Jungle Ventures, Waterbridge Ventures, Qiming Venture, Vickers Venture Partners và GGV Capital cũng dần dần mạnh tay “đổ” tiền vào công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á.

ANH THƯ (theo Forbes, ASEAN Post)
 

;
;
.
.
.
.
.