Dịch tả heo châu Phi: "Tái đàn" cần thận trọng, bảo đảm an toàn

.

Tính đến thời điểm này, dịch tả heo châu Phi đã khiến người chăn nuôi ở Đà Nẵng phải tiêu hủy gần 15.000 con với tổng khối lượng gần 800 tấn. Ngoài thiệt hại lớn về kinh tế, người dân đang đứng trước nỗi lo khôi phục lại đàn heo.

Hộ chăn nuôi heo phun thuốc tiêu độc khử trùng, phòng dịch tả heo châu Phi. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hộ chăn nuôi heo phun thuốc tiêu độc khử trùng, phòng dịch tả heo châu Phi. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trong khi đó, theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng), trong điều kiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân không nên tái đàn, hoặc chỉ từng bước tái đàn với số lượng khoảng 10% trên tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở.

Bảo đảm nguồn thịt dịp Tết Nguyên đán

Thông thường mỗi năm, cuối tháng 9 đầu tháng 10 là thời điểm người chăn nuôi ở Đà Nẵng bắt đầu vào vụ nuôi mới để kịp thời phục vụ nhu cầu thịt heo dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tính đến ngày 3-11, vẫn còn 98 thôn thuộc 11 xã ở huyện Hòa Vang xuất hiện rải rác dịch tả heo châu Phi khiến việc tái đàn của người dân chưa thể thực hiện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thương, nhà ở thôn An Sơn, xã Hòa Ninh buồn rầu cho biết đợt dịch này đã khiến gia đình ông mất trắng 75 con heo đang gần đến kỳ thu hoạch. Mỗi ngày, đi vô đi ra thấy chuồng heo trống trơn khiến hai vợ chồng buồn chẳng ăn nổi bữa cơm. Cả gia tài và niềm hy vọng vợ chồng ông đổ hết vào đàn heo. Heo chết nghĩa là kinh tế gia đình chẳng còn chỗ nào để bấu víu.

Theo ông Thương, thời điểm để bắt đầu nuôi vụ heo mới phục vụ Tết đã trôi qua hơn một tháng nhưng việc tái đàn ở thời điểm này là không thể. Nguyên nhân do xã Hòa Ninh hiện còn 6 thôn chưa công bố hết dịch tả heo châu Phi. “Dịch bệnh đang vây quanh, tái đàn bây giờ là chết”, ông Thương nói.

Tính từ thời điểm xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên tại Đà Nẵng, đến nay đã có 1.851 hộ chăn nuôi ở huyện Hòa Vang bị ảnh hưởng, với tổng đàn heo bị tiêu hủy 14.530 con. Có thể nói một phần trong số này là nguồn thịt dự trữ dành cho dịp Tết Nguyên đán của bà con nông dân.

Tuy nhiên, trái với lo lắng của người dân, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, phần lớn nguồn thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán đã được các công ty thực phẩm dự trữ từ giữa năm 2019.

Đối với mặt hàng thịt heo, nguồn cung cho thị trường có sụt giảm chút ít nhưng chưa xảy ra tình trạng khan hiếm. Bên cạnh đó, để gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, hầu hết các đơn vị cung cấp thực phẩm đã có kế hoạch dùng thực phẩm khác như gà, vịt, bò, hải sản thay thế thịt heo.

Chưa kể, một số siêu thị lớn trên địa bàn thành phố cam kết sẽ nhập khẩu thịt heo nếu xảy ra tình trạng khan hiếm, bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm. “Năm nay, Sở Công thương Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các chương trình bình ổn giá, bảo đảm nguồn thực phẩm dồi dào, kể cả thịt heo phục vụ nhu cầu Tết của người dân.

Tuy vậy, người dân cũng cần tham khảo thêm một số loại thịt khác như thịt gà, vịt, thịt dê, cá biển, cá sông… để món ăn trên bàn trong dịp Tết càng thêm phong phú. Nói như vậy để thấy rằng, áp lực về nguồn thực phẩm ngày Tết khiến người dân vội vã tái đàn ngay lúc này - khi đang còn dịch, là không thật sự cần thiết”, ông Nguyễn Hà Bắc phân tích.

Nguồn cung ứng lương thực, trong đó có thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán đã được các doanh nghiệp, siêu thị thực phẩm lên phương án chuẩn bị từ sớm, bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm dịp cuối năm. Tuy nhiên, có một điều gần như chắc chắn, nếu chưa thể tái đàn, thì nguồn thịt heo “tự cung, tự cấp” mỗi dịp Tết theo thói quen của bà con nông dân chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể.

Bà Huỳnh Thị Lẫm, thôn An Sơn, xã Hòa Ninh cho biết theo thói quen, mỗi năm gần dịp Tết Nguyên đán, gia đình bà sẽ gầy đàn lợn lao lợn rừng, chờ dịp Tết sẽ mổ chừng 2-3 con phục vụ nhu cầu trong gia đình và biếu xén bà con, họ hàng ở thành phố. Nay Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng chuồng heo sau nhà bà Lẫm vẫn trống trơn, chưa thể gầy đàn.

Chưa vội tái đàn khi còn dịch

Từ đầu tháng 11, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang đã xây dựng phương án tái đàn trong thời gian đến. Trong đó khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn khi dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi gia đình, thiếu các kỹ năng xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Việc tái đàn ồ ạt mà không phòng dịch tốt sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị bệnh dịch tả heo châu Phi, do đó giải pháp phòng bệnh vẫn là chính.

“Trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chúng tôi đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân bằng nhiều hình thức, yêu cầu người dân tuyệt đối không được tái đàn trong thời gian này, chỉ tái đàn sau khi hết dịch, bảo đảm quy định tại Quyết định số 6145/QĐ ngày 14-12-2018 của UBND thành phố Đà Nẵng”, ông Lý cho hay.  

Công tác kiểm dịch các xe chở heo qua địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn được tập trung thực hiện. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công tác kiểm dịch các xe chở heo qua địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn được tập trung thực hiện. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người nông dân tái đàn sau khi dịch bệnh kết thúc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố đang tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hòa Vang xây dựng kế hoạch phục hồi đàn heo giống trên địa bàn huyện.

Trước mắt sẽ tổ chức rà soát các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại, gia trại hiện tại đang có đàn giống tốt chưa xảy ra dịch bệnh, chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học trên địa bàn huyện; tổ chức làm việc với các doanh nghiệp, chủ hộ nuôi giữ heo giống với mức giá 500.000 đồng/con theo Quyết định 793/QĐ-TTg ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao các biện pháp sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại nấm bệnh, bảo đảm duy trì đàn heo giống để phục vụ tái đàn sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Bà Trần Thị Tài, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cho rằng sau đợt dịch, tiền bạc của nhiều gia đình cũng “đội nón” ra đi. Do đó, việc tái đàn hiện nay cần hết sức thận trọng, vừa bảo đảm nguồn vốn, nguồn giống và phương pháp tái đàn phải chắc chắn, tránh thiệt hại về kinh tế.

Theo bà Tài, người nông dân chỉ được phép tái đàn sau khi địa phương công bố hết dịch. Thời điểm tái đàn sau dịch được cân nhắc là sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo hoặc sản phẩm heo nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định, từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở.

Bà Tài khuyến cáo, sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, ngành chức năng cần thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu này đều âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng lớn hơn.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, bà con nông dân cần hết sức thận trọng trong việc tái đàn nhằm tránh xảy ra thiệt hại về kinh tế. Theo ông Nguyễn Văn Lý, trong tháng 11, UBND huyện Hòa Vang sẽ triển khai thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường” đồng loạt tại các địa phương theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cùng với nhiệm vụ này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố sẽ tiếp tục cử cán bộ hướng dẫn người nuôi heo thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại theo quy định để tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế thấp nhất việc tái phát sau khi tái đàn.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.