"Điểm tựa" của những người lầm lỗi

.

Trung úy Nguyễn Thị Minh Nguyệt và Trung úy Doãn Đức, người có 6 năm, người thì hơn 2 năm gắn bó với công việc của một cán bộ quản giáo tại Đội Quản giáo Phân trại Quản lý phạm nhân, Trại tạm giam Hòa Sơn. Với nhiệm vụ chính là quản lý, giáo dục phạm nhân, động viên, giúp phạm nhân cải tạo tốt để sớm quay về làm một người có ích cho xã hội, những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm công tác quản giáo như Trung úy Nguyệt, Trung úy Đức chẳng khác gì là người thầy của những người lầm lỗi ấy.

Trung úy Doãn Đức nghiên cứu hồ sơ phạm nhân. Ảnh: MAI HIỀN
Trung úy Doãn Đức nghiên cứu hồ sơ phạm nhân. Ảnh: MAI HIỀN

Sống trọn với ước mơ

Trung úy Nguyệt quyết định trở thành một CBCS làm công tác quản giáo không chỉ đơn thuần là nối nghiệp bố (bố là một CBCS công tác tại Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam)) mà đó còn là ước mơ từ thuở bé. Trung úy Nguyệt chia sẻ: “Tôi được sinh ra và lớn lên ngay trong khu ở tập thể của CBCS Trại giam An Điềm. Hồi ấy, mỗi dịp Tết đến là tôi hay theo chân bố vào cơ quan để xem văn nghệ.

Mỗi lần như vậy, tôi lại được tiếp xúc với những cô chú phạm nhân. Rồi những lúc ở nhà với mẹ thì tôi cũng hay nhìn thấy hình ảnh của những cô chú ấy đi ngang qua nhà mình. Năm này qua năm nọ, hình ảnh về những cô chú phạm nhân cứ thôi thúc tôi phải trở thành một cán bộ quản giáo để có thể giáo dục, cải tạo những phạm nhân thành những người tốt”.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Trung úy Nguyệt theo học tại Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân VI rồi được phân về công tác tại Trại tạm giam Hòa Sơn vào năm 2014. Ban đầu, Nguyệt làm cán bộ quản giáo ở Đội Quản giáo Quản lý người bị tạm giữ, tạm giam. Thời điểm ấy, chỉ có Nguyệt cùng một cán bộ quản giáo nữ khác thay phiên nhau quản lý khoảng 40, 50 can phạm nên với chị đó là một áp lực rất lớn. Nhưng vốn là ước mơ nên khó khăn, áp lực đến đâu cũng không làm người trung úy với tuổi đời còn rất trẻ ấy cảm thấy nản lòng, muốn bỏ cuộc.

Công việc lúc ấy của Minh Nguyệt chủ yếu là làm công tác tư tưởng, động viên, khuyên răn, giáo dục pháp luật cho các can phạm nữ. Cùng là phụ nữ với nhau nên chị cũng sẵn sàng chia sẻ cùng họ. Có những phạm nhân đến ngày thăm nuôi nhưng không ai đến, có cảm giác bị bỏ rơi, thì Nguyệt cũng sẽ tiếp cận để động viên, chia sẻ. Có cả những trường hợp can phạm nữ bất hợp tác, hò hét gây ồn rồi vứt đồ lung tung, Nguyệt phải mất rất nhiều thời gian để giúp họ ổn định tinh thần. “Tôi nhớ, khoảng đầu năm 2018, can phạm H. bị đưa vào trại vì bị tình nghi mua bán trái phép chất ma túy. Trong khoảng 4-5 tháng đầu mới vào trại, H. luôn tìm cách chống đối bằng việc vứt đồ lung tung, hò hét. Tôi cũng như cán bộ quản giáo kia phải thay phiên nhau làm công tác tư tưởng, khuyên răn và chị H. cũng dần ổn định tinh thần, không còn diễn ra những hành động mang tính chống đối nữa”, Trung úy Nguyệt nhớ lại.

Cách đây một năm, Nguyệt được phân về làm công tác quản giáo ở Đội Quản giáo Phân trại Quản lý phạm nhân. Hiện Trung úy Nguyệt cùng một cán bộ quản giáo nữ khác quản lý, giáo dục 17 phạm nhân nữ với các tội danh chủ yếu là tổ chức đánh bài, lừa đảo, trộm cắp tài sản. Trừ thứ bảy, chủ nhật, các ngày trong tuần, ngoài việc giáo dục pháp luật cho phạm nhân nữ, Trung úy Nguyệt còn có nhiệm vụ quản lý, đôn đốc phạm nhân dọn vệ sinh, trồng rau, phụ bếp, phụ bán hàng ở căng-tin trại. Ngoài ra, người cán bộ quản giáo ấy còn phải nắm bắt diễn biến tư tưởng của các phạm nhân nữ.

Khác với Trung úy Nguyệt, Trung úy Doãn Đức bén duyên với công việc hiện tại xuất phát từ việc yêu hình ảnh về người chiến sĩ Công an nhân dân mà anh vẫn thường hay thấy ngoài đời thực, trên ti-vi, qua sách vở. Với mong muốn con trai sau này sẽ làm việc trong một môi trường an toàn hơn nên gia đình ra sức khuyên ngăn khi anh chọn thi vào ngành công an. Vào học chuyên ngành Quản lý giáo dục và cải tạo phạm nhân, Đại học Cảnh sát Nhân dân, sau 4 năm đèn sách, vào tháng 10-2017, Đức được phân công về làm cán bộ quản giáo, Đội Quản giáo Phân trại Quản lý phạm nhân, Trại tạm giam Hòa Sơn.

Là cán bộ trẻ, tuy rất tự tin với những kiến thức, kỹ năng được đào tạo song để có thể vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa bảo vệ được cho chính bản thân, Trung úy Đức phải luôn học hỏi những kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm về nhận diện những hành vi có thể gây nguy hiểm của những phạm nhân từ những CBCS đàn anh, đàn chị. Cũng giống như Trung úy Nguyệt, các ngày trong tuần, Trung úy Đức có nhiệm vụ quản lý, giáo dục 19 phạm nhân nam do anh phụ trách.

Đội phạm nhân nam do Trung úy Đức phụ trách còn được phân công phụ trách nấu ăn cho toàn bộ can, phạm nhân tại trại nên anh còn phải giám sát các phạm nhân nam mỗi khi họ nấu ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn được phân về các buồng giam đúng giờ quy định. Trung úy Đức bộc bạch: “Một người thầy ở trường đại học từng nói với lớp của tôi rằng “Giáo dục một con người đã khó, giáo dục một người phạm tội còn khó hơn. Quản giáo chính là người thầy của những người lầm lỡ” và quả đúng như vậy. Tôi nhận ra rằng, là một cán bộ quản giáo, để phạm nhân hợp tác trong việc quản lý, giáo dục thì cán bộ quản giáo phải chuẩn mực, phải là người làm gương đầu tiên”.

“Tôi cũng mới về chưa bao lâu nhưng rất bất ngờ là những phạm nhân tôi từng quản lý, sau khi ra trại thì có gọi, gửi lời cảm ơn. Gần đây nhất là vào khoảng tháng 10-2018, sau khi phạm nhân N. ra trại được khoảng 2 tuần thì anh N. có gọi điện thoại cho tôi. Tôi nghe máy thì ảnh liền hỏi “Quản giáo có nhận ra ai đây không?” rồi ảnh bảo “Cảm ơn quản giáo trong thời gian qua đã giúp tôi nhận ra lỗi lầm”, Trung úy Đức chia sẻ.

Những hy sinh thầm lặng

Từ khi ra trường rồi công tác tại Trại tạm giam Hòa Sơn, năm nào Minh Nguyệt và Doãn Đức cũng ăn Tết cùng các phạm nhân. Trung úy Nguyệt chia sẻ: “Đi làm được 2 năm thì tôi kết hôn và từ đó đến giờ vẫn chưa về ăn Tết ở quê chồng lần nào hết. Có lần mẹ chồng gọi ra hỏi “Tết này về không con?” thì tôi chỉ biết đáp “Con sẽ gắng sắp xếp” nhưng cuối cùng, công việc không cho phép nên tôi cũng không sắp xếp được”. Còn Trung úy Đức cũng không khác gì, về công tác tại Trại tạm giam Hòa Sơn đến nay đã được 2 năm thì cũng đồng nghĩa đã 2 cái Tết anh vắng nhà.

Nếu quản giáo nam áp lực, nguy hiểm một thì quản giáo nữ áp lực, đối diện với nguy hiểm gấp 10 lần. Trung úy Nguyệt cho hay, “Khoảng thời gian có bầu, mỗi khi đi làm tôi thật sự rất lo. Nhưng thật may, 6 năm qua tôi chưa phải đứng trước tình huống nguy hiểm”. Công việc quản giáo nhiều áp lực, tuy nhiên, chồng của Trung úy Nguyệt cũng là một CBCS trong ngành nên cũng rất cảm thông, chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ nhau cả trong công việc lẫn cuộc sống. Là một cán bộ quản giáo, Trung úy Nguyệt, Trung úy Đức phải chấp nhận hy sinh những niềm vui đời thường và gia đình họ cũng vậy. Và trên hết, tình yêu nghề đã giúp họ vượt qua tất cả và hạnh phúc lớn nhất là được thấy những phạm nhân cải tạo tốt, quay trở lại làm một người có ích cho xã hội.

MAI HIỀN

 

;
;
.
.
.
.
.