Đừng chủ quan với bệnh tật

.

Khi bụng đói, khi miệng có cảm giác thèm ăn, người ta sẵn sàng lao vào bếp hay ra đường giữa đêm tối để tìm đến một hàng quán ven đường. Và khi đôi mắt muốn thư giãn, muốn nhìn ngắm không gian thanh bình, người ta sẵn sàng xách ba lô lên và đi.

Thế nhưng, khi cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, thiếu sức sống, người ta lại dễ dàng tặc lưỡi cho qua, vỗ về mình bởi những lý do như: “Hôm nay thời tiết thay đổi nên mệt chút đó mà”, “Khám ra bệnh thì tiền đâu mà chữa”, “Mấy cái bệnh cỏn con, để vài bữa tự khắc nó sẽ khỏi”... Người ta sẵn sàng đưa ra rất nhiều lý do để từ chối đến bệnh viện, mặc cho người thân thúc ép, lo lắng đứng ngồi không yên. Để rồi khi có điều bất trắc xảy ra, nhiều người bàng hoàng nuối tiếc…

Đến bây giờ, sau gần một tuần vợ qua đời, người chồng vẫn không hiểu vì sao trong phút chốc mình lại mất vợ, vì sao đứa con bé bỏng vừa mới tượng hình từ tình yêu tuổi trẻ phải nằm co lại trong lồng kính, kiếm tìm sự sống qua từng lớp dây nhợ chằng chịt mà không phải cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay yêu thương của ba mẹ, không được uống những giọt sữa mẹ ngọt ngào và ấm áp tình thân.

Anh bảo với tôi rằng, giá như vợ anh mắc một căn bệnh nan y, không thể nào chữa trị thì việc “ra đi” của chị sẽ khiến anh nhẹ lòng hơn rất nhiều. Đằng này, chị ra đi vì căn bệnh viêm phổi, xuất phát từ những cơn ho dai dẳng trong những tháng mang thai đầu tiên, mà với kiến thức hạn hẹp của đôi vợ chồng trẻ có con lần đầu, họ đã vô tình bỏ qua những dấu hiệu bệnh tật và chỉ tìm đến bệnh viện khi những cơn ho đã vượt ngoài tầm kiểm soát của y học hiện đại.

Con người ta thường hay bỏ qua những dấu hiệu của bệnh tật. Tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng có hàng chục bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư dạ dày, mà nguyên nhân xuất phát từ một loại vi khuẩn có tên HP (Helicobacter pylori) - một loại vi khuẩn sống trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Trong quá trình “làm tổ” đó, vi khuẩn HP đã tiết ra chất kích thích dạ dày sản sinh nhiều axit hơn, đồng thời tạo nên một số độc tố làm tổn thương các tế bào nằm bên dưới lớp nhầy. Quá trình này khiến niêm mạc dạ dày dễ dàng bị ăn mòn bởi chất axit, gây ra tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng.

Theo một thống kê cho thấy, cứ 100 người thì có khoảng 70 người nhiễm vi khuẩn HP, và đây là loại vi khuẩn có nguy cơ gây ra ung thư dạ dày cao nhất nếu không được chữa trị kịp thời. Điều đáng nói, vi khuẩn HP hoàn toàn có thể chữa khỏi trong vòng 1 tháng nếu người bệnh phát hiện sớm và tuân thủ các bước điều trị mà bác sĩ đưa ra…

Mọi người đều có thể chủ động chăm sóc cơ thể mình. Hiện nay, có khá nhiều bệnh viện đưa ra các chương trình khám sàng lọc miễn phí nhằm giúp người dân dần thích nghi với hoạt động tầm soát bệnh, giúp phát hiện bệnh lý sớm để kịp thời chữa trị hiệu quả.

Trong đó, có những chương trình như khám sàng lọc về tim mạch tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng; khám sàng lọc bệnh lý tuyến giáp tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, khám sàng lọc ung thư tại Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng… Có thể nói, trong xã hội giàu thông tin như hiện nay, mỗi người dân hoàn toàn có thể trang bị cho mình những kiến thức về bệnh lý, giúp bản thân có đủ sự nhạy cảm để nhận ra những thay đổi của cơ thể mình.

Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, tại sao những người ở lứa tuổi trung niên lại yêu cơ thể mình hơn giới trẻ, họ thường xuyên tham gia các hoạt động tầm soát bệnh, thường xuyên dậy sớm tập thể dục hay đi dạo tận hưởng bầu không khí trong lành? Một người bạn lớn tuổi nói với tôi rằng, họ làm thế vì họ ý thức về sức khỏe của mình. Họ mong muốn có một cơ thể khỏe mạnh khi về già và không muốn phiền lụy đến ai, nhất là phiền lụy đến những người mà họ yêu thương nhất.

TIỂU YẾN
 

;
;
.
.
.
.
.