Đà Nẵng cuối tuần

Huyền thoại xóm Chiêu

13:30, 03/11/2019 (GMT+7)

Cụm dân cư bé nhỏ, lẻ loi bên cánh đồng mênh mông, bị giặc thù trăm lần cày ủi, đốt phá, song ý chí cách mạng và lòng yêu nước của nhân dân đã biến cái xóm xác xơ, hoang tàn như bước ra từ huyền thoại. Mầm sống, chồi xanh nơi đây đang từng ngày phủ kín bao ám ảnh, thương đau quá khứ để hôm nay có cuộc sống yên ả, thanh bình.        

Bia di tích xóm Chiêu được dựng trước Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng khối phố An Mỹ. Ảnh: T.M
Bia di tích xóm Chiêu được dựng trước Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng khối phố An Mỹ. Ảnh: T.M

Căn cứ địa lòng dân

Từ trung tâm thành phố Hội An về tới xóm Chiêu, một vùng đất đã đi vào những trang sử vẻ vang, dài gần 3km giờ đây tấp nập hơn bởi những dòng người ngược xuôi du lịch. Nhìn cảnh sắc làng quê hôm nay, bất cứ ai giàu sức tưởng tượng đến mấy cũng khó nghĩ được 44 năm trở về trước, mảnh đất nơi đây ngập chìm khói lửa khốc liệt chiến tranh.

Ngày ấy, xóm Chiêu, làng An Mỹ, xã Cẩm Châu được Thị ủy Hội An chọn làm căn cứ tập hợp lực lượng hoạt động bí mật và đánh địch trong nội ô. Giai đoạn khó khăn nhất, khoảng từ năm 1947-1954, phong trào cách mạng ở Hội An lâm vào tình thế hết sức khó khăn bởi kẻ thù dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tìm, diệt, bắt bớ, tra khảo nhiều cán bộ cách mạng và cơ sở, phong trào nguy cơ bị tan vỡ; song bà con xóm Chiêu vẫn kiên trì nuôi giấu, chở che các cán bộ, chiến sĩ để triển khai các trận đánh vào căn cứ quân sự của địch ở trung tâm thị xã.

Có thể nói trận đánh đêm 4-1-1949 mang lại thắng lợi to lớn nhờ bà con xóm Chiêu. Sau khi được dân hỗ trợ đầy đủ nguồn hậu cần, vận chuyển vũ khí, quân từ xóm Chiêu đồng loạt tấn công đồn Nghè Thanh, Tòa công sứ Pháp, đồn lính ngã tư, đột nhập nhà số 24 Minh Hương (nay là số 61 Phan Châu Trinh) của Tống Khuyến, bắt sống tên Lê Trọng Súy, Tổng thư ký Nha Tổng vệ và tư thất số 11 Minh Hương, bắt giữ Tỉnh trưởng Hồ Ngân, Trưởng ty cảnh sát Đặng Thống Phát. Đây là trận đánh mở đầu phong trào diệt ác, phá kiềm của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Chiến công này đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Thời kỳ chống Mỹ, xóm Chiêu gần như nằm trong lòng địch, song Thị ủy Hội An vẫn lấy xóm Chiêu làm căn cứ địa bởi mảnh đất và con người xóm Chiêu không hề nao núng, có sức chịu đựng gian khổ phi thường. Biết xóm Chiêu là vùng đất thép, nhiều lần địch càn quét, cày ủi, lùa xúc dân vào ấp chiến lược để biến nơi đây thành mảnh đất chết, cách ly với quân giải phóng, nhưng bà con vẫn kiên trì bám trụ với ruộng vườn. Hơn 40 nóc nhà tranh, tre bị chúng liên tục đốt phá, song ngọn lửa ấy không thể thiêu cháy được lòng yêu nước của nhân dân. Chính vì vậy mà từ xóm Chiêu nhỏ bé này đã xuất phát hàng chục trận đánh lẫy lừng như đầu năm 1967 tấn công vào Nhà lao Hội An, giải thoát 1.200 tù chính trị; diệt đồn lính Nam Triều Tiên ở thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, triệt hạ gần như toàn bộ Chi khu quân sự Hiếu Nhơn.

Lúc 7 giờ ngày 1-2-1968, một cánh quân Nam Triều Tiên khét tiếng hung bạo, thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh hùng hổ tràn vào xóm Chiêu. Du kích xã Cẩm Châu, Đại đội 2 Thị đội Hội An phối hợp với Tiểu đoàn 3 Mặt trận 4 Đặc khu Quảng Đà đã bám trận địa nổ súng đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của chúng. Được dân xóm Chiêu tiếp tế kịp thời cơm nước, thuốc men, đưa người thương vong về phía sau nhanh chóng nên trận chiến đấu kéo dài suốt cả ngày, tiêu diệt tại chỗ hơn 100 tên. Trời bắt đầu tối, quân địch bị hao tổn nặng nề buộc chúng phải giương cờ hồng thập tự, buông súng để xin được lấy xác đồng đội rồi rút lui…

Đất thép nở hoa

Xóm Chiêu bây giờ thuộc khối phố An Mỹ bởi xã Cẩm Châu đã trở thành phường nhưng nhiều người dân bản địa vẫn quen gọi làng An Mỹ chứ mấy ai gọi khối phố. Những người nông dân nơi đây vẫn quen gọi như vậy bởi làng An Mỹ cũng như xóm Chiêu tuy đã thay đổi diện mạo nhưng bao nét hồn quê vẫn còn in đậm trong dáng phố, nhờ người dân biết lưu giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp. Cánh đồng Tam Bửu trống trải ngày xưa chấp chới những cánh cò giờ xanh ngút ngát. Cùng với các con đường bê-tông luồn sâu vào xóm là các hàng cau thẳng tắp, cao vút với những cánh hoa tím, vàng nhẹ nhàng đung đưa theo gió sớm xinh tươi.

Hai bên những con đường làng ấy là những ngôi nhà kiên cố cao tầng san sát, dịch vụ lưu trú homestay. Từ đầu năm 2014 đến nay, xóm Chiêu cũng như làng An Mỹ thu hút khách du lịch rất đông bởi trong chuỗi tham quan phố cổ, các tour du lịch sinh thái được du khách nước ngoài rất ưa thích. Du khách trong những bộ quần áo bà ba, đội nón lá, ngồi trên xe đạp về xóm Chiêu để trải nghiệm hương vị đồng quê ngào ngạt.

Tại đây, có rất nhiều điều lý thú với họ như cưỡi trâu, tát ao bắt cá, cày ruộng, trồng rau, gặt lúa, tát nước bằng gàu đầu trâu… tùy theo thời tiết, mùa vụ với nhiều nông cụ giản đơn, thô sơ mà chỉ ở Việt Nam mới có. Những nếp nhà được bao bọc bằng hàng rào chè tàu, râm bụt tỏa những sợi khói mỏng tang trôi lảng bảng từ các lò tráng mỳ, lò hấp bánh bèo luôn đỏ lửa. Cuộc sống của bà con nông dân xóm Chiêu đang thay đổi từng ngày về vật chất, tinh thần theo hướng công nghiệp không khói.

Hôm tôi ghé lại xóm Chiêu, có một cụ già bảo rằng gần đây, ngoài khách Tây còn có nhiều khách du lịch của Hàn Quốc tới tham quan, trong đó có một số người đàn ông đứng tuổi. Họ khen nơi đây phong cảnh hữu tình, con người gần gũi, thân thiện. Nghe ông cụ nói, tôi thầm nghĩ, biết đâu trong những người đàn ông Hàn Quốc ấy có cả người từng là cựu binh Lữ đoàn Rồng Xanh của quân đánh thuê Nam Triều Tiên năm nào về thăm lại chiến trường xưa. Mà nếu có thì điều trước hết, chắc họ sẽ rất ngạc nhiên về sức sống mãnh liệt của xóm Chiêu vì vùng đất thép năm nào giờ đã bung hoa rực rỡ. 

THÁI MỸ

(theo Bản lý lịch di tích căn cứ địa cách mạng xóm Chiêu của Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An lập năm 2011
 

.