Làm lại cuộc đời

.

Quán tạp hóa Thảo (đường Bùi Tá Hán, quận Ngũ Hành Sơn) của hai vợ chồng Thảo-Phước là một trong những tạp hóa đầu tiên và lớn nhất của khu dân cư Nam Việt Á. Với diện tích hơn 150m2, hai mặt tiền, tọa lạc ở con đường đắt đỏ nhất quận Ngũ Hành Sơn, nhiều người đến mua hàng trầm trồ trước cơ ngơi tiền tỷ của hai vợ chồng. Mỗi ngày, vợ tất bật với hàng hóa, sổ sách. Chồng ngoài việc phụ vợ còn tranh thủ khoảng vỉa hè rộng trước nhà xếp đặt vài ba cái bàn con con bán cà-phê cóc buổi sáng.

Người đàn ông có nụ cười hiền khô này khiến không ai tin anh từng là “cu Trắng” - giang hồ “có số má” một thời. Ảnh: Q.T
Người đàn ông có nụ cười hiền khô này khiến không ai tin anh từng là “cu Trắng” - giang hồ “có số má” một thời. Ảnh: Q.T

Nhìn anh chồng cặm cụi luôn tay luôn chân, lúc nào cũng nở nụ cười hiền khô, chẳng ai dám nghĩ anh từng 2 lần vào tù ra tội vì trộm cắp, gây rối trật tự. “Tôi tên Phước. Tôi muốn mọi người gọi tôi là Phước”, anh nói. Như thấy vẻ khó hiểu của tôi, anh giải thích: “Trước đây, anh em xã hội gọi tôi là cu Trắng. Cái tên gắn với một thời nổi loạn tuổi trẻ. Từ nay, mọi chuyện đã qua xin khép lại. Tôi vừa đi hỏi vợ cho con trai. Nếu thuận lợi thì chỉ trong năm ni, năm sau là có cháu nội bồng bế. Nghĩ tới cảnh bồng đứa cháu đỏ hỏn trong tay mà nghe thương chi lạ”, anh Phước nói với vẻ rưng rưng.

Anh Lê Văn Phước (sinh năm 1970) lần đầu “nếm mùi” tù tội vào năm 1995 với tội danh “trộm cắp tài sản”. Đợt đó, Phước bị tạm giam ở trại giam Hòa Sơn 8 tháng, sau đó bị đưa ra trại giam Bình Điền, Huế. Ngày Phước đi, con trai còn nằm ngửa trong nôi, người vợ trẻ đau buồn, hụt hẫng nên bồng bế con về nhà mẹ đẻ. Chị vẫn thương anh, thăm nuôi đầy đủ. Ra tù, Phước vẫn sống cuộc đời giang hồ. Ngày đó, nghe tên cu Trắng ở khu Mỹ Thị (phường Khuê Mỹ) là ai cũng sợ. Cứ có chút men vào là anh gây rối, đánh nhau với đủ thứ hung khí. Số lần công an mời anh về đồn đếm không hết. “Nhớ về lần ăn trộm đầu tiên, tôi vẫn còn xấu hổ. Là vì lúc đó tôi lấy trộm của người quen. Thiệt sự do hồi nớ cũng nghèo, cực khổ, lần đầu tiên thấy nhiều tiền như vậy. Ông anh kết nghĩa lại hớ hênh để tiền trong cốp xe. Trong một lúc lòng tham nổi lên, tôi đã…”, Phước ngập ngừng kể lại.

Lần thứ hai, Phước “dính” tù tội là vào năm 2009 cũng với tội danh trên. Lần này, Phước bị giam ở trại giam Nghĩa An (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Đi lần này khi vợ chồng đã có với nhau hai mặt con, thằng con trai đầu đã lớn, hiểu chuyện. Phước không dám nhìn mặt con. Đường sá xa xôi khiến việc thăm nuôi của gia đình cũng hạn chế. Chị Thảo vẫn không bỏ Phước. Chỉ là, đôi mắt người phụ nữ “có chồng hư” thêm trĩu buồn. Nhiều đêm nằm trong trại, Phước thấy có lỗi với vợ con, dằn vặt bản thân mình. Có sẵn nghề thợ nề trong tay, trong tù, Phước cật lực lao động… những mong được giảm án. Và thật, án 18 tháng, Phước đi 15 tháng là về.

Mọi chuyện bắt đầu tươi sáng khi vào năm 2011, khu đất nhà Phước đang ở được giải tỏa. Vợ chồng Phước được bố trí một lô đất mới tại khu dân cư Nam Việt Á. Có thể nói, anh chị là những cư dân đầu tiên của khu đô thị này. Chớp lấy thời cơ, chị Thảo mở quán kinh doanh hàng tạp hóa. Khách bắt đầu đến nườm nượp, mình chị làm không xuể. Thấy vợ ngụp lặn trong hàng hóa từ sáng sớm đến khuya, Phước không thể làm ngơ, anh cũng lao vào phụ vợ. Buôn bán vài năm tích lũy được số vốn lớn, anh chị quyết định bán căn nhà đang ở và mua căn nhà ngoài mặt tiền nằm ngay ngã tư. Địa thế đẹp giúp việc buôn bán ngày càng thuận buồm xuôi gió. Từ những người tay trắng, vợ chồng Phước-Thảo một bước lên đời, sở hữu cơ ngơi tiền tỷ trong tay. Phước từ một người lêu lổng sáng cà-phê, chiều nhậu, trở thành người đàn ông tất bật với bánh kẹo, bia, nước ngọt, đồ gia vị... “Bây giờ, mỗi ngày cứ 3 giờ sáng là tôi dậy pha cà-phê, sau đó tranh thủ dọn hàng ra cho vợ bán. Làm ra tiền nên ham lắm. Giai đoạn này mọi thứ đều thuận lợi nên phải tranh thủ. Hoang phí mấy chục năm tuổi trẻ rồi”, Phước cười nói.

“Cu Trắng” ra tù về địa phương nên không tránh khỏi những khi “anh em xã hội” đến thăm hỏi, rủ rê. Quán cà-phê cóc trước nhà cũng thuận tiện thành điểm tụ bạ. Vậy mà, Phước bảo, anh từ chối hết. Đi tù hai lần với anh là quá đủ. Ai đã “ăn cơm tù” rồi mới biết. Thi thoảng nhớ về cảnh đó thôi, anh đã nghe “sởn” gai ốc. Hơn nữa, anh hiểu bản thân mình, chỉ cần có chút men trong người là “máu giang hồ” của anh lại nổi lên. Rồi tiếp theo sẽ là lớn tiếng, ồn ã, ẩu đả… Biết mình vậy nên anh tránh tối đa đụng vào rượu bia. “Mấy đứa bạn ngày xưa cũng đến rủ miết nhưng tôi “không là không”. Mình có cái “dớp” rồi nên tránh được chừng nào là tránh. Tuổi chừ chỉ thích làm ăn buôn bán kiếm tiền nuôi con. Đời mình khổ rồi phải để đời con sướng. Con gái tôi năm ni học lớp 8. Ngoan ngoãn, dễ thương, nghe lời ba mẹ lắm. Chẳng mấy chốc mà nó đến tuổi lấy chồng. Mình lại tiếp tục lên chức ông ngoại. Chơi bời gì nữa”, Phước bộc bạch.

“Phước cần cù, chịu khó, làm kinh tế giỏi, luôn luôn có nhiệt huyết với tập thể, vì thế rất được bà con nhân dân tín nhiệm. Thanh niên có máu mặt trong khu dân cư, chỉ cần Phước nói một câu là nghe theo. Anh cũng nhiều lần đứng ra khuyên răn, dàn xếp nhiều vụ ẩu đả ở các quán nhậu trong khu này”, ông Huỳnh Công Duy Tâm, cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội phường Khuê Mỹ cho biết.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Phước nói rằng, anh may mắn khi ra tù còn có gia đình ở cạnh, có việc để làm. Nhiều anh em khác không may mắn như anh, họ chấp chới giữa đường về nên rất dễ sa ngã vào con đường cũ…

Quỳnh Trang
 

;
;
.
.
.
.
.